“Màu sắc của tranh Đông Hồ và gốm Biên Hòa có sự tương thích nhất định mang đến vẻ đẹp vượt thời gian”, anh Mai Thanh Xin, Giám đốc Bicera (Biên Hòa Ceramic) chia sẻ.

Tranh Đông Hồ, hay tên đầy đủ là tranh khắc gỗ dân gian Đông Hồ, đây là một dòng tranh dân gian Việt Nam với xuất xứ từ làng Đông Hồ thuộc xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Tranh Đông Hồ phác họa lại đời sống thường ngày, có tính triết lý rất thâm thúy, vừa vui tươi dí dỏm, hóm hỉnh vừa sâu cay, nửa hư nửa thực mang đậm tính trừu tượng như tranh cậu bé ôm gà, cô bé ôm vịt, đám cưới chuột,…  hay thể hiện niềm khát khao hạnh phúc, no đủ, yên lành, chăn nuôi thì sinh sôi nảy nở béo khỏe và hơn thế nữa là mong tình làng nghĩa xóm được thuậ hoà, phồn thịnh như tranh đàn lợn, đàn gà, tứ quý, hoa lá, chim muông… Với ý nghĩa như thế, tranh Đông Hồ được yêu thích qua nhiều thế kỷ.

Tết 2024, bắt nhịp nhu cầu thị trường về những sản phẩm gốm cao cấp, tươi mới cùng mong muốn “Lấy hình ảnh quen thuộc của tranh Đông Hồ để làm câu chuyện giới thiệu về Gốm Biên Hoà và ngược lại”, thương hiệu gốm Bicera (Biên Hòa Ceramic) đã giới thiệu đến người tiêu dùng những sản phẩm gốm Biên Hòa khắc họa tranh Đông Hồ.

Để đưa được tranh Đông Hồ lên gốm Biên Hòa, anh Thanh Xin, giám đốc Biên Hòa Ceramic cùng các nghệ nhân gốm Biên Hòa đã đã đến làng Đông Hồ, Bắc Ninh để xin phép các nghệ nhân cho phép sử dụng hình ảnh tranh Đông Hồ. Sau khi nghe chia sẻ về mong muốn chuyển thể dòng tranh dân gian này lên gốm Biên Hòa để giới thiệu hai nghệ thuật truyền thống này đến với nhiều người dân trong nước và thế giới, anh đã nhận được sự đồng ý, khuyến khích của các nghệ nhân tại đây.

Những tưởng việc chuyển thể tranh Đông Hồ lên gốm Biên Hòa sẽ gặp nhiều khó khăn vì màu sắc, đường nét, chất liệu, song ngược lại. “Đường khắc trên gỗ để in tranh là phân định màu sắc nó rất giống với đường khắc chìm trên gốm. Đầu tiên nghệ nhân gốm sẽ phác hoạ hình ảnh từ tranh lên bình bằng bút chì, sau đó khắc chìm rồi chấm men. Điều khó nhất là nghệ nhân gốm cần phải có tư duy thẩm mỹ mới chuyển được cái hồn của tranh Đông Hồ, đặc biệt là nét mặt và hình thể”, anh Thanh Xin chia sẻ. Cũng theo anh, vì yêu cầu nhiều về thời gian chuyển tải hồn của tranh, một sản phẩm cần 15   ngày từ lúc tạo hình đến khi hoàn thiện.

Tác phẩm đầu tiên gốm Biên Hoà chuyển thể là cặp tranh “Vinh hoa – Phú quý” từng được vụ Bưu Chính – Bộ Truyền thông và Thông tin đặt hang. “Vinh hoa” vẽ một bé trai bụ bẫm, ôm con gà trống bên chậu hoa cúc (“cúc kê”), biểu hiện lòng mong mỏi sinh được con trai khỏe mạnh, sau này lớn lên sẽ là người thành đạt, vinh hiển, hay ít nhất cũng là lao động chính trong gia đình. “Phú quý” vẽ một bé gái xinh xắn ôm con vịt, thêm bông hoa sen (“liên áp”). Hoa sen gợi tới hình ảnh trong trắng, thanh cao “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn” – ngụ ý sau này cô gái sẽ là người đông con nhiều cháu.

“Vinh hoa – Phú Quý” là tranh Tết mang ý nghĩa chúc tụng cũng như cầu may cho gia đình có một cuộc sống giàu sang, đầy đủ “vinh hoa – phú quý”. Điều này đồng nghĩa với việc gia đình có đông con, nhiều cháu (người xưa có quan niệm nhà đông con chính là nhà có phúc). Ngoài ra, cặp tranh đá quý cậu bé ôm gà còn mang hàm ý chúc cho gia đình có đầy đủ cả nếp lẫn tẻ (tức là có trai, có gái) như vậy thì mới tròn đầy.

Các sản phẩm đang được bán tại showroom của Bicera (Biên Hòa Ceramic) khắp các tỉnh thành với mức giá khoảng 1,9 triệu đồng/sản phẩm.

Về Bicera (Biên Hòa Ceramic) mong muốn phục dựng và làm mới các mẫu gốm thủ công Biên Hòa xưa. Với tình yêu lớn dành cho dòng gốm cổ, chúng tôi đang nỗ lực làm “sống” lại dòng gốm Biên Hòa nổi tiếng đang dần mai một.

Ân Lâm

TTDN