(Vtrend.vn) Anh chàng “sơ vin” gặp chúng tôi ở nhà với khuôn mặt hiền lành, hơi ngượng ngùng và nụ cười rất tươi. Trọng bảo, trên sân có lúc hung dữ, khác hẳn bình thường ở ngoài. Niềm vui cúp vàng AFF cup thì vẫn còn nguyên, nhưng chấn thương ở bàn chân khiến không thể góp mặt ở Asian Cup lại đang khiến Trọng rất buồn.
Sân vận động Quốc gia Mỹ Đình, tối 15/12. Trần Đình Trọng trở thành nhà vô địch AFF Cup 2018 ở tuổi 21. Anh Đức là người ghi bàn, Quang Hải là cầu thủ hay nhất trận chung kết. Nhưng Trần Đình Trọng – trung vệ mang áo số 21, hoàn toàn xứng đáng được vinh danh vì những nỗ lực thầm lặng ở hàng phòng ngự.
Gặp anh chàng “sơ vin” Đình Trọng sau AFF Cup: “Điều buồn nhất là sẽ phải xa bóng đá rất lâu”. Thực hiện: Việt Anh.
Ở cuộc thư hùng này, “anh chàng sơ vin” tiếp tục thể hiện những màn trình diễn ấn tượng khi liên tiếp có những pha cản phá, bọc lót tỉnh táo. Trọng cùng Duy Mạnh và Quế Ngọc Hải kết hợp ăn ý, tạo thành “lá chắn thép” trước mọi đối thủ, che chắn bằng sự nỗ lực 100%, và có thể hơn thế nữa, cho khung thành của Văn Lâm.
Một người hâm mộ lớn tuổi từng nói, “Tôi tin, tương lai Trọng sẽ là nhạc trưởng của đội tuyển”.
Chuyện tương lai, chưa ai có thể biết trước. Nhưng cậu bé Đình Trọng ngày ấy tay ôm bóng, tay kéo quần chạy khắp xóm làng, của thì hiện tại, vẫn luôn xem bóng đá là cốt lõi sống của mình.
Nếu không phải bóng đá, hay là về nhà làm một công việc khác?
Trần Đình Trọng trở về từ đất Thường Châu với hình ảnh trung vệ người Hà Nội “bắt chết” các tiền đạo cao lớn đến từ Australia, Syria, Iraq, Qatar rồi Uzbekistan. Có những pha cứu thua trên vạch vôi thời điểm đó của Trọng, ở một chừng mức nào, còn giá trị hơn cả một bàn thắng trực tiếp.
Gần 11 tháng sau, 90 phút trên chảo lửa Mỹ Đình cho trận chung kết lượt về giữa Việt Nam và Malaysia, thật ra cũng không đủ để chứng minh sự toả sáng của Trọng. Mà có lẽ, cả giải đấu lần này mới thực sự vẽ ra cho người hâm mộ bức chân dung toàn diện về cậu. Trung vệ 21 tuổi, chỉ cao 1m74 nhưng biết cách phòng ngự, bọc lót, tranh chấp khôn ngoan và xử lý mọi tình huống gần như là hoàn hảo nhất. Trọng luôn xuất hiện đúng lúc, đúng chỗ, “chở che” Văn Lâm nhiều bàn thua trông thấy.
Chú Trần Văn Hùng, bố ruột Trọng, là một người khó tính. Không giống vợ mình, là cô Nguyễn Thu Hương, chú Hùng ban đầu không thích con trai theo nghiệp “quần đùi, áo số”. Trọng thích bóng, mê bóng là một chuyện, chuyện còn lại phụ thuộc nhiều vào gia đình.
Để nói về đam mê, cậu bé Đình Trọng của năm lên 2, lên 3 cũng không thể định nghĩa được. Trọng chỉ biết, trái bóng đã theo cậu từ những ngày đầu thơ bé. Bé đá bóng bé, lớn đá bóng lớn.
Hiện, Đình Trọng là cầu thủ thuộc biên chế CLB Hà Nội. Năm 10 tuổi, cậu từng tham gia Hội khoẻ phù đổng toàn quốc và may mắn lọt vào “mắt xanh” của các HLV tại Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ. Lớn hơn chút nữa, Trọng có lối chơi chững chạc ở giải hạng nhì trong màu áo Công an Nhân dân khi mới 17 tuổi, trở thành trụ cột trong 2 mùa cho mượn tại Sài Gòn FC. Và tiếp tục gây ấn tượng khi trở lại Hà Nội FC để khoác lên mình biệt danh “Trọng săn Tây”.
Lứa cầu thủ năm ấy lớn lên cùng Trọng có những cái tên thân quen như Quang Hải, Duy Mạnh, Đức Huy. Tất cả đều đang cùng phát triển trong màu áo đội tuyển Quốc gia.
Trọng xa nhà từ năm 10 tuổi cho cái tạm gọi là “sự nghiệp”, mà chính chú bé khi đó cũng không mường tượng nổi. Trọng muốn đi, đơn giản chỉ vì thích bóng đá quá.
“Cho hay không cho con đi, chuyện này không ai quyết được. Mà thật ra, chả ai muốn con xa nhà, nhất là khi nó mới 10 tuổi. Thế nhưng chính lòng đam mê và sự quyết tâm của Trọng đã giúp chú thay đổi suy nghĩ. Con muốn thử, nếu đá được thì con đá, không được thì con về. Chú biết, ai có đam mê thì mình không nên “gàn” cái đam mê đó của họ, bởi nếu thành công, bóng đá sẽ là cuộc sống của con sau này. Và quả thực sau 11 năm, Trọng đã chứng minh suy nghĩ ban đầu của chú là sai” – bố Hùng nhớ lại.
Nhà có 4 thành viên, sau Trọng là một cậu em trai cách tới 6 tuổi. Gia đình vốn ít người, Trọng lại đi học xa, bố mẹ buồn một phần mà lo lắng phần nhiều hơn. Họ tự hỏi, con mình mới 10 tuổi, đời sống sinh hoạt sẽ như thế nào? Liệu con có chịu được không? Có nhớ nhà không? Chấp nhận tạm xa nhau, cả Trọng và bố mẹ đều chở theo nhiều trăn trở.
– “Bố mẹ từ chối nhiều. Ngay cả bố mẹ các bạn cũng vậy thôi, con 10 tuổi, không nỡ đành lòng nào cho con rời xa mình. Nhưng thực sự mình rất thích bóng đá. Thời gian đầu, mình hạnh phúc với trái bóng. Khoảng 1, 2 tháng sau, mình bắt đầu có chút nhớ nhà, cũng tủi thân, nhưng ngại chia sẻ, ngại nói”.
– “Bố mẹ thực sự lo. Sau một vài lần đón con, thấy con gọn gàng, sạch sẽ, chứng tỏ con đã dần dần làm quen với môi trường sống mới. Cô chú cũng an tâm, tự động viện nhau, rồi nỗi lo cũng tan biến”.
Trọng của ngày xưa, ăn cùng bóng đá, ngủ cùng bóng đá. Nói chung là đam mê, đến nỗi không chú tâm quá nhiều vào việc học hành. Trọng thường sẽ nghĩ, sau giờ học mình sẽ làm gì nhỉ? Chắc chắn là chơi bóng, rồi chạy ù ra sân vận động của xã.
“Mình thích chơi bóng nên mình không tập trung học” – Trọng cười.
Hết cấp 3, Đình Trọng đứng giữa “ngã 3 đường”, khi mà xung quanh cậu, Quang Hải, Duy Mạnh được gọi lên đội 1 thi đấu V-league. Trọng vẫn không có tên trong danh sách, đầy trăn trở: “Hay là về nhà làm một công việc khác?”.
“Con cứ từ từ. Có thể các bạn có chuyên môn tốt hơn nên được gọi lên trước, con lên sau”, an ủi con, chú Hùng động viên.
Không phải chờ lâu. 2 ngày sau, Trần Đình Trọng được chọn lên đội 1 đá tranh hạng nhất. Một năm sau, Trọng tiếp tục được thăng hạng trước khi chuyển vào TPHCM thi đấu cho CLB Sài Gòn 2 năm. Đến nay, Trọng quay về với Hà Nội, dưới trướng của CLB chủ quản. Những năm tháng thi đấu xa nhà, cũng có những tình huống bị chấn thương, va chạm với đội bạn, bố mẹ Trọng lo lắng nhiều.
Nhưng rồi chuyện gì cũng sẽ qua đi, như một thói quen, thấy con vùng dậy qua màn hình là bố mẹ lại an tâm.
“Điều buồn nhất trong sự nghiệp, là khi mình phải xa bóng đá rất lâu”
Cúp vàng với Trần Đình Trọng có quan trọng?
Trọng bước lên, ân cần mời chú Hùng cô Hương xuống sân cùng nâng cúp. “Đương nhiên rồi, đấy là việc làm đầu tiên”, Trọng nói, “Sau, mình cảm ơn người hâm mộ rất nhiều. Và thật hạnh phúc, vì mình có thể góp chút công sức mang tới cảm giác tự hào cho mọi người đêm hôm đấy”.
Chạy xuống ôm chầm lấy con trai, niềm vui dâng trào tột đỉnh trong lòng bố mẹ. Tất cả cùng bật khóc. Khóc vì vui sướng là cách thể hiện tuyệt vời nhất, hơn hẳn bất cứ ngôn từ nào.
Cô Hương rất lo, bởi những tình huống Trọng “gắt” với trọng tài, rồi cả tấm thẻ vàng không đáng có. Đội bạn tấn công như vũ bão, những pha “chặt chém” nguy hiểm phía khung thành, đến chú Hùng còn thót tim mấy đợt. Trọng phản ứng với trọng tài bao nhiêu phen, là bấy nhiêu lần cô Hương bật khóc. Đến lúc nhận cúp, cô vui sướng, nhảy cẫng hết cả lên.
“Giây phút cuối trận, cô cảm thấy nhẹ người. Em nó không bị “thẻ” nữa là cô vui rồi. Xuống sân cái cô bảo ngay: “Trọng làm cho mẹ ở trên kia nóng bừng bừng cả người. Trọng tài là cha là mẹ, con không nên như thế dù con đúng hay sai. Để mẹ lo, mẹ sợ… gần chết”. Sao ngoài đời nó ít nói mà trên sân nó nói nhiều thế…”.
Đình Trọng trên sân cỏ và ngoài đời là hai người hoàn toàn khác nhau. Tiếp xúc lần đầu, Trọng dè dặt, e ngại, không cáu gắt. Đặc biệt, chưa bao giờ Trọng to tiếng với em trai. Nhưng khi vào sân, Trọng “hoá” một con người khác, có vẻ chững chạc hơn, trưởng thành hơn. Như cách cậu tự nhận xét, “Một khi chiến đấu vì tập thể, có những lúc mình khá hung dữ, rất khác mình ngoài đời. Khoảnh khắc trên sân hôm đấy chỉ là nhất thời thôi. Đối thủ không fair-play với Văn Hậu, mình ức chế nên bùng phát một chút”.
Trong niềm vui chiến thắng tối 15/12, Đình Trọng được chẩn đoán bị rạn xương bàn chân. Đội tuyển Việt Nam gặp phải tổn thất lớn khi gần như sẽ vắng mặt trung vệ này tại Asian Cup 2019 tới đây. Thực chất, cách đây 5 tháng, Trọng bị chấn thương trong một trận đấu với Khánh Hoà. Cậu đã cố chịu đựng nỗi đau để được tham gia ASIAD 2018 và gần nhất là AFF Cup.
Trọng trên sân cực “gắt” trong những tình huống lỗi của đội bạn.
Vết thương theo nhận định là không quá nghiêm trọng, nhưng đủ để biến Đình Trọng từ một thanh niên vui vẻ trở nên buồn bã trong nhiều ngày, nhất là chặng đường phía trước. Mảnh xương sứt vẫn đang ở trong chân, gây đau nhức khi chạy hoặc va chạm mạnh. Nhưng khi bố mẹ hỏi thăm, Trọng luôn miệng bảo: “Con cũng đỡ đỡ rồi…”.
“Đã là cầu thủ, sinh ra là dành để đá bóng. Em nó bị chấn thương, không thể tham gia Asian Cup sắp tới. Thôi thì, cuộc đời cầu thủ còn dài, chứ không phải mỗi giải này. Dù sao đi nữa sự việc nó đã thế rồi, cứ chữa trị rồi mọi thứ sẽ qua đi, còn nhiều giải khác đang đợi” – chú Hùng động viên con trai.
“Mình không sao, có lẽ trong một vài ngày tới sang Hàn Quốc tiểu phẫu, và nghỉ thi đấu một thời gian. Có lẽ điều buồn nhất trong sự nghiệp là khi mình phải xa bóng đá rất là lâu…” – Trọng thủ thỉ, vẻ mặt đầy hối tiếc.
Với cuộc đời cầu thủ, thi đấu phục vụ tuyển Quốc gia đã là một giấc mơ được thực hiện hoá. Với Trọng, đá bóng hôm nay làm được cái này, cái kia, trong mục tiêu chung không phải thế là đủ. Cậu muốn phấn đấu cho những kỳ tích lớn lao hơn nữa, không dừng lại ở AFF hay U23 Châu Á, còn đó Sea Games, Olympic sắp tới.
Con số 21 – cái duyên ngay từ lần đầu tiên đá chuyên nghiệp
“Mình hay đóng thùng vào mọi lúc, chẳng phải mê tín gì, mà nó giúp mình tự tin hơn”, Đình Trọng vui vẻ nói về thói quen giản dị này của bản thân. Đúng kiểu “thanh niên nghiêm túc”, ra sân không sợ đối thủ mạnh, chỉ lo quần áo thi đấu không… sơ vin được. Trọng chính xác là một kẻ nghiện sơ vin bởi tính cách chỉn chu, gọn gàng từ bé. Bao giờ cũng thế, nghiêm túc từ vẻ bề ngoài tới cách đối nhân xử thế.
Trong mắt chú Hùng, 11 năm để con trai tự lớn trong môi trường bóng đá, đó là cả một sự trưởng thành vượt bậc. “Nói chung, mỗi một người đến tuổi 18, đôi mươi đã là trưởng thành rồi. Nhưng theo cảm nhận của riêng chú, đến giờ phút này, 21 tuổi, Trọng mới là một người đàn ông chững chạc về tất cả, suy nghĩ, tính cách, chứ không phải riêng mỗi đá bóng”.
“Mình nghĩ mình trưởng thành về mặt chuyên môn thôi, chứ cách sống vẫn còn hạn chế lớn”, trong câu chuyện với chúng tôi, chàng trung vệ gốc Gia Lâm tự đánh giá bản thân. “Tính cách mình ổn, chỉ là hơi ngại tiếp xúc, ngại va chạm”.
Trọng gần gũi với tất cả thành viên trong đội. Để nói thân với ai nhất, cậu cũng chẳng trả lời được. Có thể là với Tiến Dũng 04, đó là một câu chuyện khác “nhiều kì” trên mạng xã hội. Trọng cười khúc khích, khẳng định chắc nịch: “Mình men 100% nhé. Nhưng nếu gán ghép mình với Dũng làm mọi người vui vẻ thì đó cũng không có gì quá nghiêm trọng”.
Nhưng sao vẫn tình cảm quá với Tư Dũng thế này!!!
Trung vệ Trần Đình Trọng mang số áo 21. Lần đầu tiên bắt đầu đá giải chuyên nghiệp cho tới bây giờ, 21 là con số may mắn của Trọng, là cái duyên theo cậu suốt 11 năm qua. Ít ai biết, trung vệ Trọng đáng nhẽ có tên đầy đủ là Trần Bình Trọng – một người anh hùng trong lịch sử. Nhưng khi làm giấy khai sinh, người ta viết nhầm Bình Trọng thành Đình Trọng. Dẫu sao, vẫn là Trọng, trọng tình, trọng nghĩa nên bố mẹ quyết định giữ nguyên vẹn tên này như một mối lương duyên cho con trai.
Trọng sát cánh cùng những Duy Mạnh, Quang Hải từ bé, nhưng không vì thế cậu lấy bất cứ ai để so sánh với bản thân. Trọng cứ lẳng lặng phấn đấu, không ghen tỵ người này người kia đá hay hơn, không bao giờ. Trọng thích sự cố gắng trong âm thầm, để nỗ lực bằng người, và hơn người.
Nghiệp bóng đá vốn chỉ đến một mức độ nào đấy, và cuộc đời người cầu thủ vốn ngắn. Đến một thời điểm, tất sẽ bị lắng xuống như những thế hệ đi trước. Từ bao đời cầu thủ, nếu không giữ được mình, kết cục có thể không mấy khả quan.
“Chính vì nỗi sợ đó, chú luôn nhắc Trọng: Con theo nghiệp này rồi con phải tự chịu, nó ngắn lắm, không thể dài được. Trọng đủ lớn để tự định hướng và quyết định cuộc đời. Mọi lúc, mọi nơi, kể cả khi không chơi bóng nữa, con phải làm sao giữ được phong độ. Thực ra ai cũng sợ nghiệp cầu thủ, có những người không giữ được mình, sự nghiệp bỗng ngắn hơn nữa chứ không phải dăm mười năm”.
Để nói về ước mơ, hoài bão, sự kì vọng mà bố mẹ dành cho Trọng, thì nhiều lắm. Nhưng đến giờ phút này, sau giấc mơ vàng AFF Cup 2018, chú Hùng cô Hương đều cảm thấy toại nguyện và tạm hài lòng. Trọng còn quá trẻ và đương nhiên còn cả cuộc đời lẫn sự nghiệp phía trước. Bố mẹ đã chấp nhận để Trọng trưởng thành từ năm 10 tuổi, thì có lẽ, trên con đường sau này vẫn sẽ là một Đình Trọng biết cách xoay sở, tự cứu và tự biết giữ lấy chính mình.
“Bóng đá có thể mang đến cho mình tất cả, nhưng cũng có thể lấy đi tất cả. Ví như những giây cuối cùng chung kết U23 châu Á vừa rồi, nó lấy đi rất nhiều, cả chức vô địch danh giá. Nhưng với AFF lần này, bóng đá mang lại cho mình tất cả sự vinh dự, tự hào nhất”.
Trọng từng nói, huy chương là thứ quý giá nhất cuộc đời cậu.