Theo Tổ chức Nông Lương Liên Hợp Quốc (FAO), chỉ số giá lương thực của thế giới vào tháng 9/2021 đã tăng tháng thứ hai liên tiếp, lên mức cao nhất trong 10 năm qua.
Chỉ số giá lương thực thực phẩm của FAO (theo dõi giá trên toàn cầu của các loại thực phẩm được giao dịch quốc tế nhiều nhất) đã tăng 130 điểm vào tháng 9, lên mức cao nhất kể từ tháng 9/2011. Tổng cộng giá lương thực thực phẩm tăng 32,8% so với cùng kỳ năm 2020.
Theo phân tích của Tổ chức Nông Lương Liên Hợp Quốc, thực trạng giá lương thực tăng này chủ yếu do giá dầu thực vật, ngũ cốc và đường tăng cao. Nguyên nhân là bởi những khó khăn trong thu hoạch và nhu cầu gia tăng đối với các loại thực phẩm này.
Chỉ số giá dầu thực vật đã tăng 1,7% chỉ trong tháng 9/2021, với mức tăng so với cùng kỳ năm 2020 là khoảng 60%, dẫn đầu là giá dầu cọ cao hơn do lo ngại về tình trạng thiếu lao động ở Malaysia.
Chỉ số giá ngũ cốc tăng 2%, trong đó lúa mì tăng nhiều nhất do nguồn cung xuất khẩu giảm trong bối cảnh nhu cầu toàn cầu tăng mạnh. FAO dự báo, sản lượng ngũ cốc cao nhất trên toàn thế giới là 2,8 tỷ tấn vào năm 2021, nhưng lưu ý rằng mức tiêu thụ sẽ còn vượt xa sản lượng này.
Chỉ số giá đường tăng 0,5%, chủ yếu do thời tiết xấu ở Brazil, nước xuất khẩu đường lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, tình trạng giảm sản lượng đường ở Brazil có thể được bù đắp bởi triển vọng sản xuất đường thuận lợi ở Ấn Độ và Thái Lan, FAO cho biết.
Chỉ số giá các sản phẩm sữa trong tháng 9 cũng tăng lên, với sữa bột gầy và bơ có mức tăng lớn.
Chỉ số giá thịt tiếp tục tăng trong tháng thứ 12 liên tiếp, trong đó tăng giá thịt cừu và thịt bò đứng đầu. Giá gia cầm giảm do nguồn cung trên thị trường toàn cầu tăng. Giá thịt lợn trên toàn cầu cũng giảm do nhu cầu nhập khẩu thấp từ cả Trung Quốc và châu Âu.