10 năm bất động sản qua bức tranh quá khứ, tương lai trong bối cảnh hậu Covid-19 sẽ được các doanh nhân bàn thảo và đưa ra dự báo, đề xuất vào ngày 6/6 tới.

Bong bóng bất động sản năm 2010 và giai đoạn đóng băng 2011-2013 đã thay đổi căn bản thị trường địa ốc Việt Nam, trong đó có tư duy của chủ đầu tư lẫn người mua nhà. Thị trường ít chứng kiến cảnh mua nhà trên giấy, chủ đầu tư phát triển sản phẩm bắt đầu từ nhu cầu thực của người dân. Ở hầu khắp các phân khúc: văn phòng, căn hộ, nghỉ dưỡng… đều có các sản phẩm mới lạ bắt xu hướng thế giới. Việt Nam không ít lần được quốc tế đánh giá có thị trường bất động sản nhiều tiềm năng. Đang trên đà tăng trưởng, đầu năm nay Covid-19 lan rộng ảnh hưởng tiêu cực đến mọi phân khúc thị trường bất động sản Việt Nam: nguồn cung hạn chế, giao dịch ngưng trệ, nhân sự thất nghiệp, chuyển nghề..

Ads FLC Samson Beach & Golf Resort.

ất 

Tuy vậy, từ cuối tháng 4, khi Việt Nam chứng minh khả năng ứng phó dịch bệnh hiệu quả, một số giao dịch địa ốc tại nhiều phân khúc đã ghi nhận tăng trưởng trở lại. Nhiều dự án bung hàng ngay giữa mùa dịch và có lượng tiêu thụ khả quan.

Trong trạng thái bình thường mới, bức tranh bất động sản sẽ tiếp tục thay đổi theo chiều hướng nào? Các doanh nghiệp cần làm gì để tận dụng cơ hội phục hồi? Những giải pháp nào sẽ thúc đẩy địa ốc phát triển? Chặng đường 10 năm của thị trường bất động sản Việt Nam có những dấu mốc nào đáng nhớ?… Đây sẽ là những chủ đề được các chuyên gia, đại diện hiệp hội và doanh nghiệp bàn thảo tại tọa đàm “Thăng trầm bất động sản 2010-2020 và những xu hướng sắp tới” do Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, CLB Doanh nhân Sao Đỏ phối hợp tổ chức. Sự kiện diễn ra vào 15h ngày 6/6 tới, tại FLC Sầm Sơn (Thanh Hóa) và truyền tải trực tiếp trên VnExpress với sự tham dự của các diễn giả là chuyên gia, lãnh đạo doanh nghiệp, Hiệp hội bất động sản…

Thông qua lăng kính và những câu chuyện chia sẻ từ thực tế từ các doanh nghiệp, ban tổ chức mong muốn phân tích, làm rõ những vấn đề thiết thực đang ảnh hưởng đến thị trường bất động sản 2020 sau đại dịch như xu hướng, quy hoạch, chính sách, cơ chế cũng như xác định nhu cầu thị trường và những khuyến nghị cần thiết với nhà đầu tư trong nước và quốc tế. Từ đó, các bên cùng đưa ra những công cụ, nền tảng để tạo bệ phóng phục hồi cho thị trường, không chỉ trở lại mà còn khởi sắc hơn trước dịch bệnh. Các ý kiến thảo luận, kiến nghị sẽ được ban tổ chức tổng hợp để gửi lên Chính phủ nhằm đề xuất các biện pháp cụ thể hỗ trợ doanh nghiệp.

Hội thảo gồm 2 phiên, trong đó phiên 1 có chủ đề “Bất động sản Việt Nam – một thập kỷ thăng trầm” nhìn lại các dấu mốc, xu hướng, thị hiếu cùng những chính sách thúc đẩy bất động sản của Việt Nam. Bên cạnh đó là câu chuyện kinh doanh và trải nghiệm thực tế của các doanh nhân trong nỗ lực kiến tạo thị trường trong gần một thập kỷ qua. Tại phiên hai, các diễn giả phân tích bức tranh toàn cảnh thị trường hiện nay; đưa ra khuyến nghị về cơ hội đầu tư, đồng thời thảo luận vướng mắc cơ chế chính sách và đề xuất giải pháp đến cơ quan quản lý nhắm phát triển thị trường thời gian tới.

Đinh Phương