Nêu thực tế trên mạng xã hội xảy ra việc tranh chấp, nói xấu nhau liên quan từ thiện, đại biểu Quốc hội đề nghị các cơ quan vào cuộc mạnh mẽ, làm rõ để trả lời cho công luận.
Sáng 24/10, Quốc hội thảo luận trực tuyến về báo cáo của các cơ quan tư pháp, báo cáo công tác phòng chống tội phạm và phòng, chống tham nhũng của Chính phủ.
Đề xuất tổ chức phiên tòa trực tuyến do Chánh án TAND Tối cao trình trước Quốc hội cũng là vấn đề được đại biểu thảo luận trong phiên làm việc buổi sáng.
Không thể để tranh chấp dai dẳng
Đại biểu Phan Thái Bình (Quảng Nam) góp ý vào báo cáo về phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm. Với số liệu gia tăng tỷ lệ tội phạm chống người thi hành công vụ, ông Bình đề nghị phân tích rõ nguyên nhân để có giải pháp phù hợp.
Trong công tác phòng, chống dịch bệnh, thiên tai, bên cạnh sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đại biểu tỉnh Quảng Nam nhắc đến hoạt động nhân đạo, từ thiện mà vừa qua có nhiều ý kiến khác nhau.
Đại biểu Phan Thái Bình nêu thực tế trong quá trình hoạt động này diễn ra, đã có tranh chấp, nói xấu nhau trên mạng xã hội, làm ảnh hưởng đến an ninh trật tự, thuần phong mỹ tục, văn hóa truyền thống.
“Đề nghị cơ quan chức năng, đặc biệt là cơ quan điều tra và cơ quan tư pháp vào cuộc mạnh mẽ, kịp thời, làm rõ để trả lời cho công luận, cho cử tri là ai đúng ai sai”, ông Bình nói.
Đặc biệt, ông kiến nghị Chính phủ, Quốc hội có hành lang pháp lý minh bạch để làm tốt hơn công tác nhân đạo, từ thiện trong thời gian tới, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội. “Không thể để tranh chấp diễn ra dai dẳng mà không có câu trả lời cuối cùng”, ông Bình nêu quan điểm.
Góp ý vào việc xử lý những vụ việc và đối tượng tham nhũng liên quan đến hỗ trợ an sinh xã hội và phòng, chống dịch bệnh Covid-19, đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy (Bến Tre) đề nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo xử lý kịp thời, dứt điểm, không áp dụng tình tiết giảm nhẹ.
Lý do, theo bà Thủy, hậu quả của những vi phạm này không chỉ đơn thuần về kinh tế mà còn hậu quả về tinh thần, về ý chí và tác động không nhỏ đến lòng tin của nhân dân.
Ngoài ra, hành vi này còn ảnh hưởng đến việc huy động sự đóng góp của toàn xã hội cho công tác phòng, chống dịch bệnh, dự báo sẽ còn khả năng diễn biến phức tạp và kéo dài.
Còn tham nhũng trong cơ quan bảo vệ pháp luật
Tiếp cận với báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) ghi nhận sự quyết liệt của Đảng, Nhà nước.
“Tham nhũng, lãng phí từng bước được ngăn chặn, tạo sự tin tưởng của cán bộ, đảng viên và nhân dân, góp phần làm lành mạnh, trong sạch bộ máy Nhà nước”, ông Hòa nói.
“Đặc biệt, trong lĩnh vực vũ trang, ngành y, các cơ quan bảo vệ pháp luật – những nơi mà nhân dân nghĩ rằng là nơi liêm khiết, trong sạch nhất vẫn còn một bộ phận tham nhũng nghiêm trọng, tới mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự, gây bức xúc và làm giảm lòng tin trong nhân dân”, đại biểu tỉnh Đồng Tháp nêu thực tế.
Ông đồng thời cũng đưa ra nhận định lợi ích nhóm, sân sau còn tồn tại trong lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản, mua tài sản công…
Do đó, đại biểu Hòa đề nghị tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng cho công chức, viên chức, người lao động.
Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị tiếp tục với tinh thần tiến công trong công tác thanh tra, kiểm toán, giám sát trên các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, nhất là thời gian gần đây, dư luận quan tâm nhiều về mua sắm trang thiết bị y tế, các gói hỗ trợ an sinh xã hội, các khoản đóng góp của nhân dân trong hoạt động từ thiện.
Theo ông Phạm Văn Hòa, cơ quan có thẩm quyền cần sớm ban hành quy định cụ thể về kiểm soát tài sản thu nhập của công chức, viên chức, người đứng đầu nhằm khắc phục hạn chế của công tác này trong thực tế. Vì khi sự việc xảy ra, cơ quan chức năng rất khó xử lý dẫn tới tài sản tham nhũng thu hồi thấp do vướng về mặt pháp lý.
Gia tăng tội phạm lợi dụng chính sách chống dịch để trục lợi
Giải trình về nội dung phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật trong năm 2021, đại tướng Tô Lâm (Bộ trưởng Công an) nêu bối cảnh từ khi bắt đầu bùng phát đợt dịch Covid-19 lần thứ 4, đất nước đối diện áp lực lớn về mọi mặt, cả nước chuyển sang trạng thái mới. Tình hình vi phạm pháp luật vì thế cũng có những thay đổi.
“Giãn cách xã hội làm hạn chế điều kiện hoạt động của tội phạm nhưng có một số loại tội phạm gia tăng như tội phạm chống người thi hành công vụ, lợi dụng chính sách phòng chống dịch để trực lợi, lừa đảo qua mạng”, Bộ trưởng Công an nêu thực tế.
Cùng với nhiều bộ, ngành liên quan, đại tướng Tô Lâm khẳng định Bộ Công an đã triển khai nhiều giải pháp đảm bảo an ninh trật tự, nhất là ở các địa phương giãn cách xã hội, không để xảy ra tình trạng bị động, bất ngờ. Dự báo tình hình tới đây còn phức tạp, người đứng đầu ngành công an nhận định hoạt động của các loại tội phạm có xu hướng gia tăng nên nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự, phòng chống tội phạm thời gian tới là nặng nề, cấp bách.
Đinh Phương
Theo Zing