(Vtrend.vn) Để rác thải không làm nghẹt cống gây ngập, các công nhân phải trầm mình dưới nước hôi thối, bị bỏng hoá chất hay nhiều lần đạp phải kim tiêm.
Tại chương trình Lắng nghe và trao đổi về Vấn đề ngập nước tại TP HCM: nguyên nhân và giải pháp do HĐND TP HCM tổ chức ngày 1/7, nhiều ý kiến cho rằng, việc người dân xả rác bừa bãi xuống cống làm nước không thể thoát là lý do gây ngập.
Anh Ngô Chí Hùng (công nhân Công ty thoát nước đô thị) cho biết, không ít lần vớt rác dưới cống anh bị bỏng rộp da bởi hóa chất từ những tòa nhà xây dựng tuồn thẳng xuống.
“Có những hôm lần mò trong cống tôi đạp phải kim tiêm và vật kim loại tứa máu, đau thấu tim. Hay khi đang loay hoay đưa rác ra ngoài tôi bị nước thải của các nhà vệ sinh xối thẳng vào đầu… Vì công việc, tôi cắn răng mà chịu”, anh Hùng nói và bày tỏ mong muốn người dân để rác đúng nơi đúng chỗ, đừng xả hết xuống cống.
Công nhân thoát nước vớt rác thải dưới cống ở Sài Gòn. |
“Thay mặt chính quyền TP HCM, tôi xin lỗi về những vất vả, nguy hiểm mà công nhân thoát nước như anh Hùng phải đối mặt”, Chủ tịch HĐND TP HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm nói bằng giọng nghèn nghẹn.
Theo bà Tâm, việc để rác đúng nơi quy định không chỉ góp phần giảm ngập mà còn làm cho thành phố xanh sạch hơn. Giải pháp này không phải tốn tiền nhưng thời gian qua chính quyền thành phố, các đoàn thể chưa làm tốt.
“Vừa đau lòng, vừa đáng trách những hành vi vô ý thức của một bộ phận người dân. Khi nghe tâm sự của anh, mỗi người sẽ có cảm nhận riêng và tôi tin rằng với lòng tự trọng mọi người sẽ tự điều chỉnh hành vi để góp phần làm cho thành phố đẹp hơn, giúp cho những người công nhân như anh đỡ vất vả hơn”, bà Tâm nói.
Chủ tịch HĐND thành phố cũng đề nghị UBND TP HCM xem xét giải quyết ngay những phản ánh của cử tri về tình trạng ngập nước tại đường Huỳnh Tấn Phát, Chiến Lược, Cây Trâm, Lê Đức Thọ…; đồng thời tính toán lại thời gian thu gom rác và đẩy nhanh việc nạo vét, khơi thông dòng chảy. Đối với những nơi, khu vực cần có lộ trình giảm ngập phải thông tin cụ thể tiến độ để người dân được rõ.
Hàng chục m3 rác được các công nhân thoát nước vớt lên từ các miệng thu trên đường Nguyễn Hữu Cảnh, quận Bình Thạnh. Duy Trần. |
Đề cập việc xả rác bừa bãi, Phó giám đốc Trung tâm chống ngập Nguyễn Hoàng Anh Dũng nói, dù cống thoát nước có làm thêm bao nhiêu, to cỡ nào nhưng rác cứ bít các miệng hố ga thì nước không thoát được. Tình trạng ngập của thành phố vì thế mà không cải thiện.
“Hàng năm chúng tôi có làm việc với các hội đoàn, tổ dân phố để tuyên truyền chống xả rác nhưng việc kiểm tra xử lý thời gian qua các địa phương làm chưa đạt hiệu quả. Có những con rạch rác nhiều tới mức có thể đi bộ qua được…”, ông Dũng cho hay.
Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Vĩnh Tuyến, không phải chính quyền đồng cảm không đủ, bảo hộ không đủ, mà đòi hỏi sự chung tay và ý thức của mỗi người dân. Thành phố đang tính toán áp dụng công nghệ để xử lý chuyện này, hạn chế việc công nhân phải trực tiếp xuống cống vớt rác.
Ông Tuyến cũng yêu cầu các dự án chống ngập phải đặc biệt quan tâm tới vấn đề công nghệ, nhân rộng việc thiết kế miệng hố ga ngăn được mùi, ngăn được xả rác.
Theo vnexpress.net
Minh Xuan.