“VICAM được tổ chức với mong muốn để nhiều người tiếp cận với phẫu thuật thẩm mỹ tiên tiến trên thế giới”, Phó Giáo sư-Tiến sĩ Lê Hành chia sẻ.
Hội Nghị Khoa học Quốc tế – Triển lãm Thẩm mỹ nội khoa (VICAM) lần I/2023 do Chi hội Thẩm Mỹ nội khoa Việt Nam (AMVS) và Hội Phẫu thuật Tạo hình thẩm mỹ Việt Nam (VSAPS) phối hợp tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 23-24/6 tại trung tâm hội nghị và triển lãm SECC (quận 7. TPHCM).
Sự kiện sẽ có sự tham gia của trên 700 tiến sĩ bác sĩ, chuyên gia đầu ngành thẩm mỹ và da liễu cùng 75 báo cáo khoa học từ các chuyên gia thẩm mỹ đầu ngành.
“Nếu chúng tôi chỉ tổ chức các báo cáo khoa học trong các buổi lễ trang trọng, sẽ có rất ít người được tiếp cận với những thông tin mới, những kiến thức mới, song nếu tổ chức báo cáo khoa học các nghiên cứu trong khuôn khổ các cuộc triển lãm, thì tất cả mọi người, kể cả sinh viên, người đang có nhu cầu thẩm mỹ đều có thể tiếp cận, tìm hiểu, cân nhắc”, Tiến sĩ, bác sĩ Lê Tôn Dũng, Chủ tịch Chi hội Thẩm mỹ nội khoa Việt Nam (AMSV) chia sẻ.
Tiến sĩ Lê Tôn Dũng cũng cho biết, Hội Nghị Khoa học quốc tế – Triển lãm Thẩm mỹ nội khoa được tổ chức với mong muốn đưa kiến thức về phẫu thuật thẩm mỹ đến với tất cả mọi người bởi cùng với sự phát triển của xã hội, nhu cầu làm đẹp đã trở nên thiết yếu thì việc có kiến thức bài bản trên diện rộng sẽ giúp ngành phẫu thuật thẩm mỹ phát triển có định hướng. Từ đó, đem lại nguồn thu không nhỏ đóng góp cho ngân sách quốc gia”.
Cũng trong khuôn khổ sự kiện, khu triển lãm thẩm mỹ nội khoa có diện tích 6.000m2 với trên 100 gian hàng của các doanh nghiệp thẩm mỹ trong nước và quốc tế để khách tham quan tìm hiểu, tiếp cận kỹ thuật thẩm mỹ để làm đẹp cho bản thân. Dự kiến mỗi ngày sẽ có khoảng 8.000 lượt khách tham quan.
Ban tổ chức cũng chia sẻ sẽ cố gắng để Hội Nghị Khoa học quốc tế – Triển lãm Thẩm mỹ nội khoa thành hội nghị thường niên, sao cho mỗi năm, mọi người đều có thể tiếp cận được những kiến thức thẩm mỹ mới nhất, tiên tiến nhất.
Phó giáo sư- tiến sĩ-bác sĩ Lê Hành cho biết thêm hiện số lượng người yêu cầu phẫu thuật thẩm mỹ và thẩm mỹ nội khoa đang tăng mỗi năm, tuy nhiên, trong số đó, có rất nhiều trường hợp người thực hiện không có chuyên môn hay chưa có giấy phép hành nghề.
“Viêc buôn bán filler (chất làm đầy) quá dễ dàng. Ai cũng có thể mua, ai cũng có thể tiêm số lượng nhiều hay ít tùy theo yêu cầu nhưng không nghĩ đến hậu quả mà người được tiêm phải chịu. Laser cũng vậy, một chiếc máy laser có khá nhiều công năng mà chỉ những người được đào tạo mới có thể tận dụng hết, thế nhưng cũng có một số người tự nhận là chuyên gia, mua và thực hiện việc bắn tia laser mà không tận dụng hết chức năng hoặc thực hiện sai chức năng”, ông nhận định.
Hoàng Hằng