Trịnh Kim Chi chủ trì lễ dâng hương, Thúy Nga, Tấn Beo, Thanh Thúy… quây quần ở sân khấu Phú Nhuận làm lễ tổ, ôn chuyện nghề.
10/9 (tức ngày 12/8 âm lịch) là ngày giỗ tổ nghề sân khấu. Nhiều điểm diễn, đơn vị cả nước, nhất là ở TP HCM và Hà Nội, diễn ra hoạt động biểu diễn, tri ân.
Buổi sáng, tại sân khấu mang tên mình, nghệ sĩ Trịnh Kim Chi dậy sớm để tự tay chuẩn bị buổi lễ có sự tham gia của nhiều học trò, đồng nghiệp. Chị mặc áo dài, khăn đóng, chủ trì lễ thỉnh kiệu của tam vị thánh tổ ngành sân khấu, theo quan niệm dân gian. Trịnh Kim Chi kể dù gặp nhiều khó khăn, chị cố gắng duy trì mô hình sân khấu xã hội hóa. “Hàng năm, chúng tôi làm lễ giỗ tổ để nhớ về các nghệ sĩ tiền bối, những người đã xây đắp nên nhiều giá trị văn hóa, nghệ thuật của dân tộc. Tôi mong muốn góp phần giữ gìn tình yêu sân khấu, truyền lửa nghề cho các bạn trẻ”, chị nói.
Trịnh Kim Chi làm lễ giỗ tổ ở sân khấu của chị. Ảnh: Ngân Phạm. |
Tại sân khấu Trịnh Kim Chi, nhiều nghệ sĩ cùng dâng hương như Vũ Thanh, vợ chồng ca sĩ Lâm Khánh Chi, ca sĩ Cindy Thái Tài, thành viên đoàn lô tô Phương Nam… Vũ Thanh đánh giá năm nay, lễ cúng tổ nghiệp diễn ra long trọng, đông vui hơn mọi năm. “Tôi đến từ sáng sớm nhưng không khí đã rất rộn ràng. Trước bàn thờ, tôi mong tổ nghiệp phù hộ để những nghệ sĩ sân khấu tỏa sáng hơn, bớt chật vật trong nghề diễn”, Vũ Thanh cho biết.
Ở sân khấu kịch Hồng Vân, các nghệ sĩ thân thuộc với “bà bầu” đều góp mặt, như Ngân Quỳnh, Tấn Beo, Hồng Sơn, vợ chồng Thanh Thúy – Đức Thịnh, Thúy Nga, Minh Nhí… Năm nay, sân khấu Hồng Vân tổ chức lễ đơn giản hơn các năm trước nhưng không kém phần trang nghiêm.
Diễn viên Thanh Thúy bế con mới sinh dự giỗ tổ. Ảnh: Ngân Phạm. |
Thắp nén hương tạ ơn tổ nghiệp, Tấn Beo nói năm nào cũng vậy, dù bận đến đâu, tới ngày giỗ tổ, anh đều đến sân khấu Phú Nhuận cùng nhiều điểm diễn trong thành phố. Những năm gần đây, anh ít đi diễn, chủ yếu truyền kinh nghiệm cho lớp trẻ. Mỗi năm, trước bàn thờ tổ, anh đều tâm niệm sẽ cống hiến cho nghề diễn đến cuối đời. “Những nghệ sĩ làm sân khấu chân chính chủ yếu làm vì yêu nghề, chứ không phải vì tiền. Thu nhập của nghề diễn, nhất là từ sân khấu kịch, cải lương rất ít ỏi”, Tấn Beo cho biết.
Diễn viên Thúy Nga kể trong ba ngày giỗ tổ, chị hầu như không nhận show. Dù đã làm lễ tại nhà, chị vẫn đến các sân khấu, nhà thờ tổ khác. Trong đó, sân khấu kịch Hồng Vân là “chiếc nôi” giúp tên tuổi chị được nhiều khán giả biết tới. “Những ngày này, ngoài thành tâm tưởng niệm, các anh chị em nghệ sĩ cùng nhau quây quần, ôn lại chuyện cũ, hỏi thăm cuộc sống, động viên nhau làm nghề”, Thúy Nga nói.
Sau một năm về nước hoạt động, Thúy Nga buồn vì sân khấu kịch bị hạn chế trong bối cảnh game show bùng nổ. “Cả thành phố, chỉ có vài sân khấu lớn, lâu đời là bám trụ được. Vào thời của tôi, muốn nổi tiếng phải cật lực diễn. Còn hiện giờ, nhiều người chỉ cần tham gia game show, đăng video gây chú ý trên Youtube là sẽ được biết đến. Nhưng chúng tôi tin với nghề diễn, chuyện nổi tiếng lâu dài hay không, được khán giả yêu thích hay không đều phụ thuộc vào tài năng mỗi người”, Thúy Nga nói.
Trước đó, ngày 9/9, nhiều nơi làm lễ giỗ tổ trong không khí rộn ràng. Có mặt tại buổi dâng hương ở Nhà văn hóa Thanh niên (quận 1), nghệ sĩ Kim Xuân cho biết chị ấm lòng khi thấy đông đảo nghệ sĩ tề tựu. “Công việc diễn xuất vốn nhiều vất vả nhưng tôi luôn hạnh phúc vì được cống hiến”, Kim Xuân cho biết.
Lễ cúng tổ của nghệ sĩ Hoài Linh tại đền thờ Tâm Linh Việt (quận 9) thu hút các nghệ sĩ và hàng trăm khán giả vào chiều 9/9. Hai ngày 10 và 11/9, danh hài tiếp tục mở cửa nhà thờ đón tiếp khách thập phương. Tại Trung tâm văn hóa quận 5, Minh Vương và Thanh Tuấn cũng tổ chức lễ giỗ tổ để mừng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân cả hai vừa nhận.
Tại Hà Nội, các nghệ sĩ tập trung ở Nhà hát Tuổi trẻ từ sáng 10/9 để tham gia lễ giỗ tổ. Dù mưa lớn, nhiều diễn viên như Thu Quỳnh, Bảo Thanh, Đặng Minh Cúc… có mặt đông đủ. Chương trình diễn ra trang nghiêm với nhiều tiết mục múa, hát mang đậm tính dân gian. Diễn viên Thanh Tú được cổ vũ khi biểu diễn bài Dạ cổ hoài lang của nhạc sĩ Cao Văn Lầu – người được xem là tác giả của bản cổ nhạc nổi tiếng. Là gương mặt quen thuộc của làng hài phía Bắc, Thanh Tú khiến khán giả bất ngờ khi hát luyến láy ngọt ngào bài cải lương kinh điển. Ngoài ra, tiết mục múa lân của Đoàn lân Sư Rồng Huy Anh góp phần tạo không khí rộn ràng.
Chủ trì buổi lễ – nghệ sĩ Chí Trung – Quyền Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ cho biết – giỗ tổ nghề sân khấu trước kia là hoạt động của giới cải lương ở phía Nam. Nhiều năm nay, nghi thức lan tỏa ra miền Bắc, thu hút các nghệ sĩ thuộc nhiều lĩnh vực như kịch nói, múa, hát tham gia. Nhà hát Tuổi Trẻ duy trì hoạt động này để khơi gợi lớp nghệ sĩ trẻ về lòng biết ơn các bậc tiền hiền, sự nhiệt huyết, tình yêu nghề.
Diễn viên Bảo Thanh thuộc Nhà hát Tuổi trẻ, thành công với phim “Về nhà đi con” trong năm nay. |
Theo Vnexpress