(Vtrend.vn) Dẫn chứng đến những người nông dân một nắng hai sương, những gia đình chính sách, hộ nghèo, lương cán bộ chỉ 1,3 triệu đồng/tháng, đại biểu Quốc hội nhấn mạnh: “Bảo sao người dân không chua xót khi nghe đến các đại án tham nhũng nghìn tỷ, các dự án thua lỗ nghìn tỷ”.
Thảo luận về kinh tế – xã hội trên nghị trường sáng nay 26/5, đại biểu Phan Thị Mỹ Dung (Long An) nhận định, thời gian qua việc đấu tranh phòng chống tham nhũng có nhiều chuyển biến tích cực, thể hiện sự kiên quyết của Đảng, sự điều hành của Chính phủ.
Tuy nhiên, đại biểu Mỹ Dung cho biết, cử tri vẫn lo ngại tình trạng tham nhũng xảy ở nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều lĩnh vực, gây thiệt hại tiền của của Nhà nước và nhân dân rất lớn.
“Tình trạng tham nhũng vẫn còn nghiêm trọng, chưa bị đẩy lùi, kết quả chưa đáp ứng được yêu cầu. Việc xử lý một số đối tượng chưa đủ sức răn đe, thu hồi tài sản đạt rất thấp”, bà nói.
Bà Dung dẫn chứng, cử tri đã so sánh người lao động nông thôn một nắng hai sương, góp nhặt vài nghìn đồng, vài chục nghìn đồng, có khi mất trắng do thiên tai dịch bệnh. Rồi tới những gia đình chính sách, cách mạng, hộ nghèo, hộ khó khăn… hay lương cán bộ ở cơ sở một tháng chỉ 1,3 triệu đồng, dù thấp nhưng họ vẫn góp công cùng Nhà nước xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới.
“Bảo sao người dân không chua xót khi nghe đến các đại án tham nhũng nghìn tỷ, các dự án thua lỗ nghìn tỷ”, đại biểu nói.
Bà Dung cho rằng, hiện thể chế chính sách quản lý kinh tế, xã hội trên nhiều lĩnh vực còn nhiều vướng mắc. Chính vì vậy mới tạo thành điều kiện để dung dưỡng và làm nảy sinh tham nhũng, nhất là quản lý đất đai, đầu tư xây dựng, quản lý ngân sách vốn Nhà nước, công tác cán bộ.
“Khi phát hiện tham nhũng, phần lớn tài sản đã tẩu tán cũng do thể chế, quy định mang tính nguyên tắc. Do đó, cần hoàn thiện thể chế và nhanh chóng thông qua Luật phòng chống tham nhũng vào kỳ họp thứ 6, sớm đưa vào thực thi”, bà nói.
Tại phiên thảo luận hôm qua (24/5), nhiều đại biểu cũng cho rằng, phòng, chống tham nhũng là một trong nhiều giải pháp tạo động lực cho sự phát triển đất nước.
Đại biểu Trần Văn Lâm (Bắc Giang) cho biết: “Chưa bao giờ công cuộc đấu tranh chống tham nhũng không có vùng cấm và có kết quả như hiện nay”, đại biểu bày tỏ.
Tuy nhiên, đại biểu Trần Văn Lâm băn khoăn về vấn đề tiết kiệm và chống lãng phí. Việc kiểm tra, ngăn chặn, xử lý vẫn được làm đều đặn, thường xuyên nhưng các cơ chế chính sách, chế độ tiêu chuẩn, định mức, phương pháp quản lý chưa có sự thay đổi căn bản thì xem ra việc chống lãng phí vẫn phần nhiều chỉ ở bề nổi.
Còn theo đại biểu Phan Viết Lượng (Bình Phước), quản lý sử dụng tài chính, tài sản nhà nước, luôn là vấn đề nhức nhối, xảy ra nhiều vụ việc nổi cộm. Nhiều địa phương, cơ quan, doanh nghiệp nhà nước buông lỏng quản lý, để hoang, sử dụng sai mục đích nhiều khu đất có giá trị. Bán, cho thuê nhiều nhà đất công không đúng đối tượng, giá thành quá thấp gây thất thoát, lãng phí lớn. Tình trạng định giá tài sản công không đúng trong cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.
“Triển khai dự án chậm tiến độ, tăng vốn đầu tư xảy ra ở nhiều nơi. Quản lý trụ sở, mua sắm tài sản, chi ngân sách nhà nước tại các cơ quan, doanh nghiệp còn nhiều vi phạm. Trong điều kiện dư địa tăng trưởng kinh tế dần bị thu hẹp như hiện nay, việc quản lý sử dụng tài chính, tài sản vào các nguồn lực khác của Nhà nước phải là nhiệm vụ cấp thiết và có giải pháp đột phá, tạo chuyển biến thực chất”, đại biểu Lượng cho biết.
Đại biểu Mai Sỹ Diến (Thanh Hóa) thì cho rằng, việc chấp hành kỷ luật tài chính, ngân sách chưa nghiêm. Công tác quản lý sử dụng kinh phí thường xuyên của nhiều đơn vị không đúng tiêu chuẩn, định mức, chế độ gây thất thoát, lãng phí ngân sách nhà nước các mức độ khác nhau ở các cơ quan quản lý sử dụng tài chính, ngân sách khác nhau. Tình trạng vi phạm chính sách pháp luật về đất đai, khai thác khoáng sản, khai thác cát, đá gây thất thoát nguồn tài nguyên khoáng sản quốc gia và gây nhiều khiếu kiện trong nhân dân.
Theo Dân Trí
Minh Xuân