Từ thập niên 70 của thế kỷ trước, hình ảnh một cô gái trẻ theo người cô ra bán guốc ở cổng số 5 (cửa Tây) chợ Bến Thành trở nên quen thuộc. Cô gái ngày ấy bây giờ là cụ Nguyễn Thị Liên, nay đã 72 tuổi nhưng vẫn bám trụ với sạp guốc qua từng ấy thời gian…
“Bốp bốp, cạch cạch” là những âm thanh quen thuộc có thể nghe thấy nếu ai “hữu ý” muốn tìm sạp guốc. Sở dĩ có hai loại âm thanh khác nhau đó là do tính chất của công việc này. Quai và đế không được đóng trước, khách sẽ tự chọn quai riêng và đế riêng theo sở thích. Khi đã ưng, bà Liên cố định quai vào đế bằng đinh cút để khách tra bàn chân vào canh ni. Khi đo ni xong, quai sẽ được cố định bằng những chiếc đinh kiểu, phần đinh cút sẽ được nhổ ra. Sau đó, bà Liên cẩn thận gọt lại đoạn quai dư cho bằng với đế dưới.
Hai âm thanh khác nhau của việc đóng đinh cố định quai guốc có thể thấy lực tay cũng khác nhau. Khoan nhặt từng cú đóng thoạt nhìn có vẻ đơn giản, nhưng nếu không quen thì phần quai sẽ xấu vì vết đinh, đầu đinh kiểu cũng móp méo nếu tay búa không lành nghề. Cứ thế, những âm thanh cứ khoan nhặt, lặng lẽ trôi từng ngày theo từng nhịp hối hả của cuộc sống.
Trong ngần ấy năm gắn bó với nghề, bà Liên không thể nhớ nổi mình đã nâng niu bao nhiêu bàn chân của thượng đế. Bà chỉ biết, nhiều khách hàng đã quay lại cảm ơn vì món hàng chất lượng. Mỗi lần như thế, bà lại thấy vui, thấy trẻ hơn khi đã “làm đẹp” cho đời.
Tại sạp hàng của bà Liên, nhiều người đã đến đặt vấn đề thuê lại với mức giá gần 20 triệu một tháng nhưng bà đã từ chối. Cái nghề đã trở thành nghiệp, lại không có gia đình, không buôn bán bà thấy tù tay tù chân, khó chịu lại sinh bệnh. Cứ thế là ngày ngày, bà cụ vẫn lầm lũi đi về ở cái sạp hàng quen thuộc này.
Qua bao năm, những đôi guốc mộc đã làm đẹp cho không biết bao nhiêu đôi chân của “thượng đế”. Và sẽ mãi còn đấy hình ảnh của một người phụ nữ gầy gò hàng ngày với sạp guốc mộc, khoan nhặt từng nhịp búa trong ký ức của người Sài Gòn.