(Vtrend.vn) Thật không ngoa khi gọi người đàn ông này là người phục chế sách chứ không phải là thợ đóng sách. Bởi công việc của ông đòi hỏi sự tỉ mỉ, kinh nghiệm và lòng yêu sách của một nghệ nhân chứ không phải một người thợ.
Người đàn ông ấy là ông Võ Văn Rạng (56 tuổi). Tiệm đóng sách của ông nằm cuối con hẻm 152, đường Lý Chính Thắng, quận 3, TPHCM.
Đóng sách cũ
Ở những tiệm photocopy có dịch vụ đóng sách, mọi người sẽ thấy phần việc chính của họ là in ấn, so bìa, đóng gáy… Ở chỗ chú Rạng, bạn sẽ phải ngạc nhiên khi tận mắt chứng kiến hàng loạt công đoạn đóng sách thủ công vô cùng tỉ mỉ. Công việc của chú Rạng đòi hỏi sự tỉ mỉ cao là do hàng của chú toàn là sách cổ. Trong đó, có những quyển sách tuổi đời gấp bảy tám lần tuổi của chú.
Với tay lên trên giá sách lấy một quyển vừa may xong, ông khoe từng đường kim mũi chỉ trên sách. Sách mà may nghe có vẻ hơi lạ, nhưng đó là thật. Vì để giữ chặt những trang sách cũ, ông buộc phải may từng trang lại với nhau rồi mới dán gáy sách.
Trước khi may, ông phải tháo trang, bìa để riêng, gỡ những miếng băng dính khách hàng tự dán để bảo quản. Những trang nào dán băng dính, ông phải bốc ra hết. Nếu để, khi may xong, quét hồ sẽ không tác dụng. Khi may phải thật cẩn thận do những trang sách thường mục và cũ. Nếu mạnh tay sẽ rách giấy, nếu lỏng tay thì sách dễ bị bung. Công đoạn này đòi hỏi sự tỉ mỉ và kinh nghiệm đánh giá chất liệu sách, độ cứng từng trang sách của người thợ.
Theo ông Rạng, có khoảng bốn kỹ thuật may để may sách. Ông thường may theo cách lần theo mối cũ và cưa sóng để tạo rãnh, định hình cho đường may. Trong quá trình may, ông phải luôn để ý số trang từng trang một. Ông bảo: “ Điều này rất quan trọng, bởi nếu sắp không đúng sẽ phải làm lại từ đầu.Vừa mất thời gian vừa bị khách hàng phàn nàn”.
Khi đã xong phần kim chỉ, một lớp hồ sẽ được quét dọc theo bề mặt gáy sách và để gió cho khô. Ông thường phơi gió, không dùng máy sấy.Ông cho rằng: “Đóng một quyển sách phải có thời gian, không nên vội.Vả lại, nếu sấy bằng máy thì độ bền của hồ sẽ không cao, dễ khô cứng và bong tróc”.
Trong lúc may trang, ông còn phải kiểm tra từng trang sách xem có tỳ vết hay lỗ thủng hay không. Nếu có, ông sẽ dùng giấy vá lại lỗ thủng. ông nói: “Việc vá lỗ thủng hay vết rách, có một nguyên tắc cần phải tuân thủ là chỉ vá những chỗ không có chữ”.
Sau khi may và quét hồ, ông sẽ xử lý bìa. Nếu ai muốn “khoác” cho quyển sách một chiếc bìa mới, thì ông sẽ đặt in một bìa mới. Còn ai muốn giữ bìa gốc thì ông sẽ xử lý, chỉn chu lại trang bìa và thêm bên ngoài một lớp giấy bảo vệ.
Chỉ vào cuốn sách cũ vừa phục chế, ông cười tươi khẳng định: “Bảo hành năm mươi năm!”. Ông tự tin vào điều đó vì mỗi trang sách đều được ông tỉ mẩn khâu vá, phục hồi bằng của tâm huyết của một con người yêu sách và yêu nghề.
Mỗi lần phục chế 1 quyển sách, ông lấy tiền công từ khoảng ba mươi đến một trăm ngàn. Cái giá này khiến cả chủ nhân những quyển sách cảm thấy bất ngờ vì không ai nghĩ với tiền công vài chục ngàn mà có người bỏ công sức tỉ mẩn cả ngày để phục chế 1 quyển sách như vậy.
Nhưng với ông rạng, phục chế sách không chỉ là 1 cái nghề sinh nhai mà còn là để giữ gìn những quyển sách cũ, cái mà ông yêu thích. Còn chủ nhân của những quyển sách, ông không chỉ xem như là khách hàng mà còn là những người tri kỷ có cùng thú vui đọc sách và lưu giữ vốn quý của dân tộc. Ý thức được giá trị của những quyển sách hàng trăm tuổi nên ông vô cùng cẩn thận khi phục chế. bởi ông biết, mình quý một, chủ nhân quyển sách quý mười.
Ngoài ra, với ông, bao năm qua, ông đã có một món hời hơn cả khoảng thù lao nhận lại, đó chính là kiến thức qua từng trang sách.
Nhan Thục Đài
(Doanh nghiệp viết)