(Vtrend.vn) Nhiều người trẻ đang bày tỏ sự hoang mang trước dự thảo luật Thuế tài sản vừa được công bố. Việc sở hữu một căn nhà trên 700 triệu đồng sẽ bị tính thuế khiến giấc mơ mua nhà riêng đã xa còn xa hơn….
Giấc mơ có nhà riêng với nhiều người đã khó lại khó hơn nếu luật thuế tài sản được áp dụng
Chị Nguyễn Mai Ngọc, 26 tuổi, đang làm việc tại Q.3, TP.HCM, hiện đang thuê nhà thở dài sau khi đọc trên báo chí về dự thảo luật Thuế tài sản. Chị Ngọc chia sẻ: “Tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM, nhà có giá từ 700 triệu tới 1 tỉ đồng khá hiếm, chủ yếu là căn hộ chung cư theo diện nhà ở xã hội hoặc xa trung tâm dành cho người trẻ hoặc thu nhập thấp. Nếu áp dụng việc thu thuế 0,3 hoặc 0,4% với phần chênh lệch ngoài 700 triệu hoặc 1 tỉ đồng sẽ tiếp tục là một áp lực lớn cho đối tượng này. Nói cách khác với đối tượng người trẻ như chúng tôi, mua nhà đã khó lại thêm gánh nặng thuế này sẽ gây khó khăn hơn nữa”.
Anh Vũ Hồng Nguyên, 29 tuổi, làm freelancer, thuê nhà tại quận 7, TP.HCM bày tỏ: “Tôi tích cóp trong nhiều năm trời chưa được 500 triệu đồng, dự định sẽ phải vay mượn của nhiều người thân trong gia đình nữa mới có thể mua một căn hộ hơn 1 tỉ đồng. Để có thể có 500 triệu đồng trên, tôi đã phải đóng rất nhiều loại phí, thuế, đến mua xăng dầu cũng phải có thuế bảo vệ môi trường trong đó, tại sao đến khi mua nhà, tôi vẫn phải đóng thêm thuế tài sản?”.
Anh H.N.T (đề nghị được giấu tên, 28 tuổi, trú đường Đức Giang, quận Long Biên, Hà Nội) làm việc trong lĩnh vực tài chính nêu quan điểm cá nhân: “Không thể xác lập quyền tài sản trên đất, chỉ có quyền sử dụng đất mà giờ tính thu thuế tài sản là oái oăm. Vì ở Việt Nam đất đai thuộc sở hữu toàn dân. Còn hiện tại chúng ta đều biết ở các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM không có nhà mức giá 700 triệu đồng, nhà ở xã hội thấp nhất là 1 tỉ đồng, chưa kể phí thuế liên quan. Nếu nói ảnh hưởng dự thảo này đến việc mua nhà với cá nhân tôi là hơi quá, vì mọi người hiểu phần bị đánh thuế tài sản là phần nhiều hơn số 700 triệu hay 1 tỉ đồng kia nhân với 0,3 % hoặc 0,4 %. Và sắp tới có thể điều chỉnh một loạt sắc thuế từ VAT, bảo vệ môi trường, sẽ tác động lớn đến người thu nhập thấp”.
Thuế hay tận thu?
Trong khi đó, nhà báo Trần Trọng An, Phó tổng biên tập Tạp chí điện tử Gia đình mới thẳng thắn: “Đây là dự thảo luật thuế thể hiện tính bòn rút người dân. Bởi, nếu tính giá nhà từ 700 triệu đồng trở lên phải nộp thuế thì thử hỏi mấy ai có nhà không phải nộp thuế?”
“Khi mua nhà, người dân đã chịu thuế trước bạ và rất nhiều loại phí rồi. Giờ thêm một loại thuế, gọi là thuế tài sản, thu hằng năm cho ngôi nhà đầu tiên là cực kỳ vô lý. Ngôi nhà đầu tiên là khát vọng, là ước mơ của bất kỳ người dân Việt Nam nào. Để mua được nhà, hầu hết những người Việt trẻ nào cũng phải tích cóp hàng chục năm, có sự hỗ trợ của gia đình nội ngoại, rồi vay mượn khắp nơi mới mua được. Ở một góc độ nào đó, tôi nghĩ dự thảo này nhằm mục đích bòn rút tài sản chứ không phải là một chính sách thuế nhằm điều tiết khoảng cách giàu nghèo hay làm lành mạnh hóa thị trường bất động sản”, nhà báo Trần Trọng An cho biết.
Chia sẻ với
Thanh Niên, nhà báo Trần Trọng An cũng nêu rõ quan điểm cá nhân: “Tôi cho rằng nếu thuế tài sản thực sự muốn áp dụng, cần tính từ ngôi nhà thứ 2, hoặc như
ô tô, trong dự thảo ghi là trên 1,5 tỉ đồng có thể chấp nhận được. Vì đánh vào ôt ô đắt tiền là thu thêm của người giàu, hạn chế phương tiện cá nhân, hoặc đánh vào ngôi nhà thứ 2 để tránh đầu cơ”.
Ở một góc độ khác, chị Đoàn Thanh Huyền, Giám đốc kinh doanh dự án ParkCity Hà Nội, người có 12 năm trong lĩnh vực kinh doanh và đầu tư bất động sản nêu ý kiến: “Về mặt tích cực của dự thảo giúp điều tiết tránh việc đầu cơ trong lĩnh vực bất động sản, giảm thiểu cho thị trường xảy ra hiện tượng bong bóng, nhất là trong thời điểm bất động sản đang có các bước điều chỉnh nhiều quy hoạch về cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên về mức áp thuế với nhà có ngưỡng 700 triệu hoặc 1 tỉ đồng sẽ ảnh hưởng tới đa số người dân khu vực nông thôn, cũng như đến những đối tượng nhà ở thu nhập thấp”.
Chị Huyền nói với Thanh Niên: “Vì với mức sở hữu nhà giá trị từ 700 triệu đến 1 tỉ đồng ở Việt Nam rất nhiều. Nhất là khu vực nội thành giá nhà trên 1 tỉ chiếm đa số, tuy nhiên không phải tất cả đều có đủ tài chính để sở hữu một căn nhà như vậy, họ phải sử dụng sự hỗ trợ cho vay của ngân hàng. Về thị trường sẽ ảnh hưởng đến giá cả cho thuê (chắc chắn tiền thuế sẽ cộng vào tiền cho thuê hằng tháng và người tiêu dùng trực tiếp sẽ phải trả phần thuế đó), việc chuyển nhượng bất động sản sẽ có mức tăng để đáp ứng được kỳ vọng các nhà đầu tư, như vậy cũng sẽ đẩy giá của bất động sản lên một mức cao hơn, dẫn tới làm giảm kỳ vọng sở hữu nhà đất, cũng như tính thanh khoản của bất động sản”.
Quan điểm cá nhân của chị Huyền ủng hộ việc thu thuế tài sản nhưng mức sàn áp thuế nên thay đổi. “Có thể điều chỉnh giảm mức thu thay vì 0,3% với ngưỡng nhà ở 1 tỉ đồng và 0,4% với ngưỡng nhà trên 700 triệu đồng. Hoặc phân theo địa giới hành chính vùng thành thị có một mức và nông thôn một mức thuế sao cho phù hợp”, chị Huyền nói.
Trong buổi họp báo chuyên đề về dự thảo luật Thuế tài sản chiều 13.4, Bộ Tài chính đưa ra 2 phương án về ngưỡng không chịu thuế với nhà là 700 triệu đồng hoặc 1 tỉ đồng. Bộ Tài chính cũng đưa ra 2 phương án về thuế suất là 0,3% hoặc 0,4%. Đồng thời, những người sở hữu sẽ phải nộp thuế 0,3% đến 0,4% đối với phần đất.
Với phương án 1, tức là thuế suất 0,3%, dự kiến số thu thuế sẽ được khoảng 22.700 tỉ đồng, nếu áp dụng với nhà có giá trị hơn 1 tỉ đồng. Hoặc 23.300 tỉ đồng nếu áp dụng mức 700 triệu đồng.
Đối với phương án 2, tức đánh thuế 0,4%, dự kiến mức thu sẽ lần lượt là 30.300 tỉ đồng và 31.000 tỉ đồng.
Bộ Tài chính đề nghị áp ngưỡng không chịu thuế là 700 triệu đồng.
|
PT
Theo Thanh Niên