(Vtrend.vn) Giống như điện ảnh Hong Kong, phim truyền hình TVB khó lòng cự tuyệt sự can thiệp từ phía Trung Quốc đại lục. Những phẩm chất đặc trưng TVB chỉ còn là hoài niệm.
Năm 2017, sau vài năm lao đao vì “chảy máu chất xám”, đài TVB quyết tâm “chơi lớn”, đầu tư tiền của mời các diễn viên, giám chế kỳ cựu trở về làm phim.
Từ đó, một chuỗi dự án tầm cỡ ra mắt. Đó là Mất dấu 2 và Sóng gió gia tộc 3 đã lên sóng. Thâm cung kế, Đại soái ca cùng Tân thử thách nghiệt ngã chờ xếp lịch chiếu…
Thuộc những thể loại, đề tài khác nhau, song các tựa phim này cùng chung số phận là “con lai” giữa TVB với các hãng truyền hình mạnh sừng sỏ tại Trung Quốc.
Khó có thể chối cãi, phim hợp tác nay đã trở thành một trào lưu tất yếu của truyền hình Hong Kong. Ônng Tăng Tỉnh Minh – cựu Phó tổng giám đốc truyền thông của TVB – cũng không phủ nhận điều này.
Theo trang tin tức Jiemian, gần như toàn bộ dự án của TVB ra mắt năm 2017 đều dán nhãn sản phẩm hợp tác, chỉ khác nhau ở quy mô đầu tư và mức độ can thiệp từ phía thị trường đại lục.
Chẳng hạn, Mất dấu 2 quy tụ đạo diễn, biên kịch và nhà sản xuất đến từ mạng Tencent, Sóng gió gia tộc 3 và Bước qua ranh giới chịu sự chi phối mạnh mẽ của phía Trung Quốc trong khâu phát hành…
Thực tế, đây không phải lần đầu tiên TVB thực hiện hợp tác với các hãng đại lục. Vào năm 2007, đài truyền hình hàng đầu của Hong Kong từng chung tay với truyền hình trung ương CCTV cho ra đời series 60 tập Vòng xoay cuộc đời, kỷ niệm 10 năm thành phố cảng được trao trả về với Trung Quốc.
Hay như năm 2010, bộ phim Hành trình hái sao xoay quanh chủ đề gia tộc và thương trường cũng một lần nữa nối liền màn ảnh hai bờ. Có điều, việc hợp tác ở giai đoạn đó còn chưa trở thành một trào lưu, số lượng còn hạn chế và mật độ chưa trở nên dày đặc như hiện tại.
Nối tiếp năm 2017, hàng loạt bộ phim mang danh nghĩa phim hợp tác cũng được dự kiến trình làng trong năm nay như Phi hổ cực chiến, Thủ hộ thần, Huynh đệ, Đại soái ca, Vượt qua giới hạn sinh mệnh…
Không còn lựa chọn
Nhớ lại 20-30 năm về trước, TVB từng “làm mưa làm gió” tại thị trường đại lục, thậm chí có thể coi là con đường duy nhất để khán giả tại đây tiếp cận văn hoá Hong Kong.
Thời ấy, truyền thông Hoa ngữ vẫn thường lan truyền một câu nói: “Ở đâu có người Hoa, ở đó có chương trình của TVB”. Đáng tiếc, thời hoàng kim nào cũng có hạn.
Khoảng 6 năm qua, TVB dần đi vào bế tắc trước sự ra đi ồ ạt của nhiều nghệ sĩ, nhà làm phim đình đám, trong khi bản thân các bộ phim cũng rơi vào vòng luẩn quẩn về chủ đề hay phong cách dàn dựng. Giữa lúc đó, truyền hình Trung Quốc nổi lên như vũ bão, càn quét màn ảnh toàn bộ khu vực.
Tốc độ tăng trưởng doanh thu của TVB bắt đầu chững lại vào năm 2010, và tuột dốc nhanh chóng vào khoảng 4 năm sau đó. Trong hai năm 2016 và 2017, TVB giống như chiếc bánh lớn liên tục bị chia năm xẻ bảy, bị nhiều tập đoàn lớn xâu xé mua lại cổ phần.
Đối diện thực trạng này, nhà đài buộc lòng nối lại tình xưa với thị trường tỷ dân, bắt tay hợp tác với các hãng phim, hãng truyền thông hàng đầu tại đây.
Trang Jiemian nhận định đây là một bước đi khôn ngoan của hãng truyền hình hơn 50 năm tuổi. Và trong lịch sử của nhà đài, chưa từng có cuộc đổ bộ vào thị trường nào lớn như vậy.
Còn lại gì khi phim TVB bị ‘đại lục hoá’?
Nhờ được Trung Quốc rót vốn hiệu quả, phim TVB hiện tại rõ ràng được chăm chút rất chỉn chu về nhiều phương diện. Bối cảnh không gói gọn trong xưởng phim, mà mở rộng tận dụng không gian thật nhiều hơn.
Trang phục của diễn viên được chuẩn bị và đa dạng. Đối với kỹ thuật hình ảnh, công nghệ 4K được vận dụng nhiều hơn, các góc máy flycam, ray, cẩu, steadycam cũng tràn ngập khuôn hình. Thế nhưng, đó chỉ là vẻ hào nhoáng ở bề nổi, còn sâu xa bên trong mỗi cuốn phim lại hiện hữu những điểm yếu gây nhiều thất vọng.
Về mặt lý thuyết, trong các dự án phim hợp tác, TVB chịu trách nhiệm toàn bộ nội dung và diễn viên, còn đối tác Trung Quốc phụ trách phát hành ở thị trường của họ. Song thực tế, các hãng truyền hình mạng chưa bao giờ từ bỏ ý định “Trung Quốc hóa” các cuốn phim gắn mác TVB.
Ra mắt gần như cùng thời điểm vào cuối năm ngoái, Mất dấu 2 và Sóng gió gia tộc 3 đều đánh mất bản sắc đặc trưng của các phần phim trước, trở thành những thước phim đậm màu ngôn tình thịnh hành trên màn ảnh nhỏ Trung Quốc.
Mất dấu 2 sở hữu những ngoại cảnh đẹp mắt tại Thái Lan, tập mở màn lại tràn ngập cảnh rượt đuổi, xe bay, bắn súng, đấu võ, cháy nổ rất hoành tráng. Nhưng càng về sau, phim càng thoát ly chủ đề nội gián, cũng như cuộc chiến cảnh sát – tội phạm, sa đà vào các mối tình tay ba rắc rối.
Sóng gió gia tộc 3 cũng gặp lỗi tương tự, quẩn quanh trong các chuyện tình nhiều nước mắt, trong khi chất liệu văn hoá bản địa thì hoàn toàn thiếu vắng. Phim khai thác nghề làm trà sữa nhưng rất hãn hữu cảnh quay pha trà sữa truyền thống.
Hai phim này đều gây tiếng vang lớn khi phát sóng, nhưng là cơn sốt được tạo ra ở Trung Quốc, chứ không phải từ màn ảnh Hong Kong.
Không nằm trong loạt phim được các nhà mạng chú trọng sản xuất, song Nam thần xuyên thời gian cũng không tránh được những ảnh hưởng nhất định từ nhà đầu tư Trung Quốc. Đôi khi, bộ phim được gài cắm một số chi tiết mang tính tuyên truyền cho nhà nước Trung Quốc.
Là trường hợp hy hữu còn giữ được hồn cốt TVB trong làn sóng này, Bước qua ranh giới (tên phát hành ở Trung Quốc là Đại luật sư mù) lại chịu nhiều thiệt thòi về lịch chiếu. Trên sóng TVB, phim được xếp lịch chiếu cuối tuần – thời điểm công chúng Hong Kong ít xem tivi nhất, rating mặc nhiên luôn thấp.
Cùng thời điểm, phim chia làm hai đợt trình chiếu trên mạng iQiyi của Trung Quốc, mỗi đợt có 14 tập ra mắt đồng thời. Nói cách khác, khán giả hoàn toàn có thể xem hết phim liền một mạch, không cần đợi từng tập trình chiếu ở Hong Kong.
Chịu ảnh hưởng từ biến động xã hội, màn ảnh TVB cũng không thể đứng bên lề cơn lốc “Trung Quốc hóa”. Đó là lựa chọn để duy trì sự sinh tồn cho TVB. Dù vậy, chế độ hợp tác thông thường chỉ áp dụng cho các siêu phẩm của năm, các dự án phim nhỏ vẫn duy trì phong cách bản sắc của truyền hình Hong Kong.
Đơn cử như phim Pháp sư bất đắc dĩ, một phim nhỏ nhưng “có võ” trình làng cuối năm ngoái, dùng yếu tố giả tưởng để phản ánh xã hội hiện đại, tôn vinh tình thân và tinh thần trượng nghĩa.
MIA
Theo Zing