Nhiều cặp vợ chồng ở Trung Quốc không hào hứng khi chính phủ cho phép sinh 3 con, do áp lực xã hội và gánh nặng chăm sóc trẻ em quá lớn.
Jia Shicong là một nhà quản lý dự án giáo dục 31 tuổi. Cô đã kết hôn với Hu Xuancheng, một kỹ sư bằng tuổi. Họ có một bé gái 1 tuổi 7 tháng. Cả gia đình hiện đang sinh sống ở Tây An, miền trung Trung Quốc. Jia Shicong cho biết, khi cô và các đồng nghiệp của mình biết tin chính phủ Trung Quốc cho phép các cặp vợ chồng sinh 3 con, họ tỏ ra thờ ơ.
Jia Shicong chia sẻ: “Các đồng nghiệp của tôi còn nói đùa rằng, trừ khi chính phủ thưởng một căn hộ và một cái bằng đại học cho mỗi đứa trẻ mà chúng tôi sinh ra thì có lẽ chúng tôi sẽ quan tâm đến vấn đề này, còn đâu, chính sách mới này chẳng liên quan gì tới chúng tôi”.
Hiện nay, các cặp vợ chồng Trung Quốc – đặc biệt là phụ nữ – không mặn mà trong việc sinh con, đẻ cái. Lý do là cuộc sống hiện đại khiến họ ngày càng phải chịu nhiều áp lực. Jia Shicong nói: “Sau khi sinh con, là phụ nữ, bạn khó có thể sớm quay trở lại làm việc vì phải chăm sóc con cái. Bạn càng sinh nhiều con, bạn càng phải hy sinh nhiều hơn trong sự nghiệp của mình”.
“Ngoài ra, khi trở thành cha mẹ, bạn sẽ phải suy nghĩ – và lo lắng – về việc giáo dục con cái trong tương lai. Các bậc cha mẹ muốn mọi thứ tốt nhất cho con cái của họ, nhưng sự cạnh tranh ở Trung Quốc ngày nay quá khốc liệt. Nói tóm lại, thế hệ người Trung Quốc của tôi khá khác so với thế hệ của cha mẹ tôi. Thế hệ của cha mẹ tôi sống vì con cái họ, nhưng thế hệ của tôi sống cho chính mình”, Jia Shicong bổ sung.
Anh Wang Zhenyu là một nhà nghiên cứu 33 tuổi, kết hôn với chị Miao Dong, một nhà văn tự do 26 tuổi. Họ sống ở Chu Hải, tỉnh Quảng Đông và vẫn chưa sinh con.
“Nếu chính phủ nghiêm túc, họ nên cải thiện việc chăm sóc trẻ em. Ở Trung Quốc bây giờ có rất ít người định sinh nhiều hơn hai con. Ngay cả với những người dự định sinh nhiều con như thế, việc nuôi dạy chúng quá tốn kém với một đôi vợ chồng trẻ”, anh Wang nói.
Theo anh Wang, tuyên bố của lãnh đạo cấp cao nhất là tín hiệu cho thấy chính quyền trung ương đang lo lắng về xu hướng nhân khẩu học hiện nay, một thách thức lớn với Trung Quốc.
“Tôi sinh ra ở nông thôn năm 1987. Dù Trung Quốc khi đó duy trì chính sách một con, nhà tôi vẫn có hai anh em. Gia đình tôi đã nộp phạt để sinh con. Còn vợ tôi sinh ra ở thành phố, là con một. Tôi thích trẻ con, nhưng cạnh tranh ở Trung Quốc bây giờ quá khốc liệt. Tôi còn rất nhiều điều phải lo lắng: làm sao để gia đình nhỏ của mình sống tốt hơn, tôi cũng phải lo cho gia đình lớn nữa”, anh Wang chia sẻ.
Wang cho hay, vợ anh không muốn sinh con vì muốn tập trung cho công việc. Hai vợ chồng cũng quan niệm rằng có quá nhiều gánh nặng khi nuôi dạy một đứa trẻ, cũng như còn rất nhiều nỗi lo khác trong cuộc sống.
Bất chấp những nỗ lực của chính phủ nhằm khuyến khích sinh con, số ca sinh hàng năm của Trung Quốc tiếp tục giảm mạnh xuống mức thấp kỷ lục trong điều tra dân số được công bố đầu tháng này. Theo Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS), năm 2020, Trung Quốc có 12 triệu trẻ em ra đời, giảm so với 14,65 triệu năm 2019, đánh dấu mức giảm 18% so với cùng kỳ năm ngoái và tiếp tục xuống mức thấp nhất trong khoảng 60 năm qua.
Tỷ lệ sinh của Trung Quốc là 1,3 con/phụ nữ, thấp hơn mức 2,1 cần thiết để đảm bảo dân số ổn định. Số con trung bình mà một phụ nữ Trung Quốc muốn có trong năm ngoái là 1,8. Sự thay đổi nhân khẩu học ở Trung Quốc có ý nghĩa kinh tế và chính trị đối với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Chính phủ Trung Quốc ước tính dân số đạt mức cao nhất vào năm 2027. Tuy nhiên, các nhà nhân khẩu học tin rằng dân số Trung Quốc có thể sẽ bắt đầu giảm trong vài năm tới.
Tháng 5/2021, ông He Yafu, một chuyên gia độc lập về nhân khẩu học của Trung Quốc, đã dự đoán dân số sẽ bắt đầu giảm ngay trong năm tới, khi số lượng sinh giảm xuống dưới 10 triệu và số người chết vượt quá ngưỡng này. Nhiều chuyên gia dự đoán, đến năm 2050, Trung Quốc phải chi khoản ngân sách rất lớn để hỗ trợ cho hàng trăm triệu người già.
Trong khi đó, với Gloria Ai, 34 tuổi, người dẫn chương trình truyền hình ở Bắc Kinh, cô luôn mong muốn sẽ sinh thêm nhiều con. “Tôi là con một, sinh năm 1987 dưới thời chính sách một con. Khi còn nhỏ, tôi luôn khao khát có nhiều anh chị em. Tôi thích cảm giác có nhiều trẻ con xung quanh”, Gloria nói.
Gloria điều hành công ty truyền thông riêng trong vài năm qua, kinh tế khá giả, đủ để chăm lo một gia đình lớn. Vì vậy, theo Gloria, chính sách mới sẽ cho phép cô sinh nhiều con, khuyến khích cô làm việc chăm chỉ hơn vì con cái và gia đình.
“Ngày càng nhiều phụ nữ Trung Quốc thành công ở độ tuổi của tôi lên chức mẹ. Tôi cũng được bạn bè chia sẻ nhiều kinh nghiệm làm mẹ tốt hơn”, Gloria chia sẻ.
Nhưng ở Trung Quốc, không phải ai cũng dư dả như Gloria, đa phần họ phải cân nhắc thấu đáo mọi chuyện trước khi quyết định sinh con.