(Vtremd.vn) Trước bối cảnh thị trường cạnh tranh, cuộc đua giành thị phần trên thị trường BĐS diễn ra ngày càng khốc liệt, đặc biệt với nhiều tên tuổi mới nổi.
Theo các chuyên gia, thị trường BĐS bước vào thời kì sôi động từ năm 2014 đến nay, đồng nghĩa với việc nhiều doanh nghiệp BĐS tham gia thị trường hoặc mở rộng quy mô phát triển, từ đó thị phần bị xẻ lẻ.
Đặc biệt, trong năm 2017 – 2018, nhiều doanh nghiệp BĐS tham vọng mở rộng quy mô, phạm vi phát triển và đặt những mục tiêu đầy tham vọng.
Mới đây, tại Lễ ra mắt nhận diện thương hiệu và công bố chiến lược mới, đại diện DKRA Việt Nam đã đặt mục tiêu chiến lược đến năm 2020 sẽ phát triển lên 12 sàn giao dịch (hiện có 6 sàn giai dịch) với 7.000 sản phẩm hàng nằm, trong đó mục tiêu 15.000 tỉ đồng giá trị giao dịch và 1.000 tỉ đồng doanh thu dịch vụ. Đặc biệt, doanh nghiệp này đặt tham vọng mở rộng thị trường trên toàn quốc thay vì chỉ trong phạm vi Tp.HCM.
Trước đó, vào năm 2015, DKRA Việt Nam đã mở rộng phạm vi hoạt động sang lĩnh vực nghiên cứu thị trường. Đơn vị này hiện đang phát triển hệ thống các công ty thành viên như DKRA Luxury, DKRA Vega, DKRA Property Management,… bổ sung các mảnh ghép trong chiến lược hoàn thiện chuỗi giá trị dịch vụ toàn diện và đồng bộ gồm nghiên cứu thị trường, tư vấn phát triển – tiếp thị – phân phối – quản lý, vận hành dự án.
Vừa qua, Công ty CP Đầu tư LDG cũng công bố kế hoạch phát triển 5 năm tới với việc đầu tư phát triển BĐS. DN này đặt mục tiêu trở thành tập đoàn tỉ đô la với tổng tài sản khoảng 30.000 tỉ đồng (tương đương hơn 1,3 tỉ đô la Mỹ). Theo kế hoạch, đến năm 2020, LGD Group dự kiến doanh thu đạt gần 10.000 tỉ đồng, vốn điều lệ đạt mức 5.800 tỉ đồng.
Bên cạnh đấy, nhiều DN địa ốc Tp.HCM cũng có tham vọng mở rộng phạm vi phát triển dự án ra ngoại tỉnh.
Chẳng hạn, Tập đoàn Novaland phát triển BĐS nghỉ dưỡng ra các thành phố du lịch: Đà Nẵng – Hội An, Nha Trang – Cam Ranh, Đà Lạt, Bình Thuận – Phan Thiết, Bà Rịa – Vũng Tàu – Côn Đảo, Cần Thơ và Phú Quốc. Cũng ấp ủ kế hoạch lấn sân sang thị trường BĐS nghỉ dưỡng, tại đại hội cổ đông thường niên diễn ra cuối tháng 3/2018, Công ty cổ phần phát triển BĐS Phát Đạt công bố quyết định chấp thuận mua lại 99% vốn góp của các cổ đông đang sở hữu tại Công ty cổ phần ĐK Phú Quốc.
Doanh nghiệp bày tỏ quyết tâm thực hiện kế hoạch đầu tư phát triển và kinh doanh dự án BĐS tại Phú Quốc. Dự án này sẽ góp phần tích cực vào việc gia tăng doanh thu của Phát Đạt lên cột mốc 2.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 800 tỷ đồng trong năm 2018. Tại đại hội cổ đông thường niên vừa diễn ra trong tháng 4/2018, Công ty cổ phần đầu tư Nam Long tiết lộ kế hoạch nới rộng địa bàn phát triển đô thị về hướng Long An và cả phía Bắc.
Doanh nghiệp cần chuẩn bị tâm thế mới
Theo các chuyên gia, năm 2018 và cả thời gian tới nữa, thị trường BĐS phía Nam được đánh giá có nhiều cơ hội phát triển mới khi nhiều chính sách có tác động tích cực tới sự phát triển của thị trường được ban hành, triển khai.
Cụ thể, Quốc hội thông qua Nghị quyết thí điểm về cơ chế đặc thù phát triển Tp.HCM; Thành phố đang xây dựng 19 chương trình để cụ thể hóa đi đôi với mục tiêu xây dựng đô thị thông minh; Thành phố đang nghiên cứu chuyển mục đích sử dụng khoảng 1/3 quỹ đất nông nghiệp thành đất công nghiệp, dịch vụ, đất đô thị; chuyển hướng phát triển đô thị về khu vực cao phía Tây Bắc…
Bên cạnh đấy, tầng lớp trung lưu tại Tp.HCM đang gia tăng mạnh (dự kiến thu nhập GDP bình quân đầu người dự báo đạt khoảng 9.800 USD vào năm 2020) sẽ góp phần làm gia tăng nhu cầu tạo lập nhà ở, tạo động lực cho thị trường BĐS phát triển.
Ngoài ra, TP đang tập trung phát triển hệ thống hạ tầng đô thị mới như đường giao thông, cầu cạn trên cao, các tuyến metro, đường sắt trên cao, xe buýt chất lượng cao, buýt đường sông, nâng cấp, mở rộng Sân bay Tân Sơn Nhất, cùng với chương trình chỉnh trang đô thị cũ với 3 chương trình lớn là chỉnh trang nhà trên và ven kênh rạch, xây dựng lại chung cư cũ hư hỏng…, sẽ tạo ra cơ hội rất lớn cho thị trường BĐS phát triển cả trong trung hạn và dài hạn.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Tp.HCM cho hay, trong giai đoạn 2018 – 2020, thị trường BĐS sẽ tiếp tục có sự điều chỉnh lớn để giải quyết tình trạng lệch pha cung – cầu hiện nay, giúp cho thị trường trở lại hướng phát triển lành mạnh, bền vững hơn.
Tuy nhiên, theo ông Châu, dù trường BĐS đang đứng trước nhiều cơ hội phát triển mới, nhưng cũng đối mặt với không ít những thách thức mới. Theo Hiệp hội, các doanh nghiệp cần đảm bảo hiệu quả kinh doanh, trước hết là đảm bảo chỉ tiêu lợi nhuận, doanh thu; chuẩn bị được quỹ đất, dự án đầu tư phát triển, chất lượng công trình, tiến độ thực hiện dự án; tính minh bạch trong quản trị doanh nghiệp… để đủ điều kiện tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng ngân hàng và chuẩn bị sẵn sàng cho việc hạn chế tín dụng vào BĐS.
Hiệp hội cũng khuyến nghị các DN cần quan tâm phân khúc thị trường nhà ở vừa và nhỏ (1 – 2 phòng ngủ), có giá bán vừa túi tiền (khoảng trên dưới 1 tỷ đồng/căn), bởi đây đang là phân khúc chủ đạo của thị trường, có tính thanh khoản cao và bền vững.
Ngoài ra, các DN cũng nên chủ động, tích cực tham gia các chương trình xây dựng lại chung cư cũ hư hỏng nặng, chương trình chỉnh trang nhà trên và ven kênh rạch của thành phố, chương trình nhà ở xã hội của thành phố, chương trình phát triển các thiết chế nhà công nhân của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam.
Mặt khác, để có sự phát triển mạnh và bền vững, các doanh nghiệp cũng cần tăng cường M&A trong BĐS để phát triển dự án, tạo nguồn lực và nâng cao năng lực quản trị của DN.
Ông Trần Khánh Quang, Chủ tịch hội cà phê BĐS Sài Gòn nhấn mạnh: Để phát triển bền vững và đạt được mục tiêu dài hạn đặt ra, DN BĐS phải luôn luôn đặt lợi ích của khách hàng lên trên hết, giữ chữ tín, đảm bảo chất lượng công trình, tiến độ thi công, bàn giao nhà, hậu mãi tốt… có như vậy mới tạo ra chữ tín trước đối tác và khách hàng lâu dài.
Theo cafef.vn
Minh Xuan.