(Vtrend.vn) Các khu vui chơi với đủ trò điện tử hiện đại, các siêu thị điện máy, di động… trở thành nơi trông giữ con lý tưởng của rất nhiều phụ huynh thành phố khi hè về.
Trước giờ đi làm, chị Lê Khánh M., ngụ ở Linh Đông, Thủ Đức, TPHCM chở Tuấn, cậu con trai học lớp 2 qua một cửa hàng điện thoại di động có tiếng. Chị vừa dừng xe, Tuấn nhảy xuống chào mẹ rồi chạy thẳng vào bên trong, nhân viên cửa hàng mở sẵn cửa đón.
Không một chút ngỡ ngàng, cũng không cần hỏi han ai, Tuấn tiến ngay vào khu vực trải nghiệm sản phẩm, nơi đó đã có ba bạn nhỏ khác đứng, ngồi… tất cả tập trung vào chiếc điện thoại. Tuấn với chiếc iPad, nhón chân nhảy phóc lên chiếc ghế cao và chỉ trong tích tắc, cậu đã mở ra trò game bắn nhau quen thuộc của mình.
Chị M. cho biết, con mình học tiếng Anh, học võ và bơi trong hè nhưng lịch trong tuần vẫn rất trống. Trong khi hai vợ chồng đều đi làm, không thể nào thu xếp được việc ở nhà với con. Cửa hàng này gần nhà, trước đây vợ chồng hay dẫn con theo ra mua sắm nên cháu đã quen. Khu vực dùng thử rất thoải mái, ngồi bao lâu thì nhân viên vẫn vui vẻ nên những buổi trống trong tuần, chị đành chở con thả ở đây.
Đến trưa, bố hoặc mẹ sẽ quay về đón ăn cơm để chiều đi học tiếng Anh hoặc đến nhà thiếu nhi học bơi, vẽ. Có những hôm cháu không có lịch học buổi chiều, bố mẹ không kịp đón thì cháu ăn bánh mỳ, cơm hộp rồi nghỉ xuyên trưa… tại cửa hàng.
Chị kể, nếu để cháu ở nhà thì cháu cũng sẽ chơi game nhưng chị không yên tâm để con ở nhà một mình. Chị lo ở nhà nhỡ có người lạ, con đi đâu hay xảy ra sự cố chuyện gì bố mẹ không kịp biết. Ngồi ngoài cửa hàng còn có nhân viên quan sát và chị tin, đã ngồi vào máy… cháu chẳng rời đi đâu nữa, nhiều khi chị đón mà còn lần lữa để chơi thêm chút. Hơn nữa, với chị, chí ít ra đây con chị có gặp gỡ, giao tiếp với mọi người.
Biết là không hay nhưng chị M. cho rằng đó vẫn cách “giữ con” an toàn của gia đình trong những ngày hè. Và không chỉ Tuấn mà còn có những đứa trẻ khác cũng được phụ huynh “gửi gắm” tại đây với mục đích là “trông con”. Có những đứa trẻ ngồi từ sáng đến trưa mới được đón về, chiều lại lò dò xuất hiện.
Không chỉ tại trung tâm này mà nhiều trung tâm điện máy, điện thoại di động khác ở TPHCM trong những ngày hè gần như lúc nào cũng có những “khách hàng nhí” chăm chỉ, tập trung cao độ trải nghiệm những sản phẩm đời mới, cao cấp nhất.
Chúng gần như ngồi yên một chỗ trong thời gian đó, chỉ lật đật thả máy xuống, túm quần chạy vội… khi cần vào nhà vệ sinh. Giao tiếp duy nhất của những đứa trẻ này là lâu lâu ngước mặt lên nói chuyện, trao đổi với đứa bên cạnh về những thứ mình đang chơi, đang xem.
Chúng hơn cả “thượng đế” vì không hề bị nhân viên hỏi han tư vấn hay làm phiền. Để cạnh tranh trong dịch vụ, các trung tâm điện máy đã chiều chuộng khách hàng ở mức tối đa có thể. Khu trải nghiệm được bố trí vô cùng tiện lợi, mát mẻ. Điện thoại, iPad được gắn dây bảo hiểm, kết nối sẵn wifi, có sẵn ghế ngồi… Và nhân viên thì luôn cười tươi với cả những khách hàng ngày nào cũng đến để “thử” chứ không mua.
Sự yêu chiều đó cùng với sự “mặc kệ” của phụ huynh đã biến nơi đây thành “sân chơi lý tưởng” của nhiều đứa trẻ – sân chơi không tốn kém, không mất tiền. Ở đó, hầu hết phụ huynh tự trấn an, tin tưởng con sẽ không rời nửa bước. Với họ, những hiểm họa từ những trò chơi, thông tin, hình ảnh con tiếp cận từ chiếc điện thoại còn an toàn hơn những nguy hiểm trong đời thực.
Ngoài các siêu thị điện máy thì các khu vui chơi với nhiều trò bạo lực, cờ bạc thắng thua cũng là nơi thu hút rất nhiều trẻ nhỏ trong các dịp hè. Nhiều phụ huynh đưa con đến, mua cho con một bịch xèng (dùng để chơi game) là hoàn thành nghĩa vụ đưa con đi chơi. Thật khó tin nhiều đứa trẻ ở độ tuổi mầm non đã chen chân, thuần thục, say sưa cùng rất nhiều người lớn chơi những trò như đua xe, bắn súng, bắn cá ăn tiền…
Chúng ta đang có chương trình giáo dục quá tải, chúng ta đang có nạn dạy thêm – học thêm tiêu cực với áp lực khủng khiếp và cũng phải nhìn nhận chúng ta cũng đang có rất nhiều phụ huynh dần mất khả năng tương tác thật với con trẻ.
Có người nào đó nói rằng, muốn hủy hoại cuộc đời một đứa trẻ, cách nhanh nhất là đưa cho chúng cầm chiếc điện thoại cả ngày. E rằng, chỉ mấy tháng hè, nhiều bố mẹ đã làm được việc này…
Theo dantri.com.vn
Minh Xuân.