(Vtrend.vn) Trên thực tế có rất nhiều việc được phép ủy quyền, nhưng lại có những việc không được ủy quyền trong Dân sự và Hình sự.
Dươi đây là những trường hợp không được phép ủy quyền theo pháp luật Việt Nam:
Đăng ký kết hôn
Theo điều 8 Quyết định 3814 của Bộ Tư pháp về thủ tục hành chính, đăng ký hộ tịch, khi đăng ký kết hôn, hai bên nam, nữ phải có mặt theo quy định.
Trong thủ tục này, đại diện UBND cấp xã yêu cầu hai bên cho biết ý muốn tự nguyện kết hôn. Nếu đồng ý kết hôn, cán bộ Tư pháp hộ tịch ghi vào Sổ đăng ký kết hôn và Giấy chứng nhận kết hôn. Hai bên nam, nữ ký vào Giấy chứng nhận kết hôn và Sổ đăng ký kết hôn.
Ly hôn
Bạn có thể nhờ luật sư hoặc người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình để làm một số thủ tục khi ly hôn. Tuy nhiên, bạn nhất thiết phải có mặt tại phiên tòa để giải quyết việc ly hôn và ký tên vào các biên bản, tờ khai.
Điều 85 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 về người đại diện quy định: Đối với việc ly hôn, đương sự không được ủy quyền cho người khác thay mặt mình tham gia tố tụng.
Trả lời chất vấn
Người bị chất vấn không được ủy quyền cho người khác trả lời thay mình tại kỳ họp Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng nhân dân và Thường trực Hội đồng nhân dân. Đây là quy định tại Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND 2015.
Gửi tiền tiết kiệm
Điều 8 Quy chế về tiền tiết kiệm ban hành kèm theo Quyết định số 1160 của Ngân hàng nhà nước quy định, việc gửi tiền tiết kiệm lần đầu phải trực tiếp thực hiện giao dịch gửi tiền tại tổ chức nhận tiền và xuất trình chứng minh thư hoặc hộ chiếu nếu là người nước ngoài.
Sau lần này, người gửi tiền có thể thực hiện trực tiếp hoặc gửi thông qua người khác theo quy định của tổ chức nhận tiền gửi tiết kiệm.
Với người gửi tiền là người giám hộ hoặc người đại diện theo pháp luật, ngoài việc xuất trình chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu, phải xuất trình các giấy tờ chứng minh tư cách của người giám hộ hoặc người đại diện theo pháp luật của người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người hạn chế năng lực hành vi dân sự.
Đăng ký nhận cha, mẹ, con
Điều 25 Luật Hộ tịch 2014 quy định, người yêu cầu đăng ký nhận cha, mẹ, con nộp tờ khai theo mẫu quy định và chứng cứ chứng minh quan hệ cha con hoặc mẹ con cho cơ quan đăng ký hộ tịch. Khi đăng ký nhận cha, mẹ, con các bên phải có mặt.
Trong ba ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ giấy tờ, nếu thấy việc nhận cha, mẹ, con là đúng và không có tranh chấp, công chức tư pháp – hộ tịch ghi vào Sổ hộ tịch, cùng người đăng ký nhận cha, mẹ, con ký vào Sổ hộ tịch và báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã cấp trích lục cho người yêu cầu.
Trường hợp cần phải xác minh thì thời hạn được kéo dài thêm không quá 5 ngày làm việc.
Người có quyền, lợi ích đối lập
Điều 87 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 nêu, nếu người được ủy quyền cũng là đương sự trong cùng một vụ việc với người ủy quyền mà quyền, lợi ích hợp pháp của người được ủy quyền đối lập với quyền, lợi ích của người ủy quyền.
Công chứng di chúc
Điều 56 Luật Công chứng 2014 nêu rõ, người lập di chúc phải tự mình yêu cầu công chứng di chúc và không được ủy quyền cho người khác thực hiện thay.
Thủ tục này được thực hiện tại tổ chức hành nghề công chứng. Trường hợp nghi ngờ người lập di chúc bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức và làm chủ được hành vi của mình hoặc có căn cứ cho rằng việc lập di chúc có dấu hiệu bị lừa dối, cưỡng ép, công chứng viên đề nghị người lập di chúc làm rõ. Nếu người đó không làm rõ được, công chứng viên có quyền từ chối công chứng di chúc.
Trường hợp tính mạng bị đe dọa, người yêu cầu công chứng không phải xuất trình đầy đủ giấy tờ quy định nhưng phải ghi rõ trong văn bản công chứng.
Thời hạn công chứng không quá hai ngày làm việc. Đối với hợp đồng, giao dịch có nội dung phức tạp thì thời hạn công chứng có thể kéo dài hơn nhưng không quá 10 ngày làm việc.
Cấp phiếu lý lịch tư pháp số 2
Theo Luật Lý lịch tư pháp 2009, phiếu lý lịch tư pháp là phiếu do cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp cấp có giá trị chứng minh cá nhân có hay không có án tích; bị cấm hay không bị cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã trong trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã bị tòa án tuyên bố phá sản. Phiếu lý lịch tư pháp gồm có phiếu lý lịch tư pháp số 1 và số 2.
Phiếu lý lịch tư pháp số 2 cấp cho cơ quan tiến hành tố tụng cơ quan tiến hành tố tụng có quyền yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp để phục vụ công tác điều tra, truy tố, xét xử và cấp theo yêu cầu của cá nhân để người đó biết được nội dung về lý lịch tư pháp của mình.
Cá nhân yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp số 2 không được ủy quyền cho người khác làm thủ tục.
Các trường hợp không được ủy quyền trong tố tụng hình sự
Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định:
– Thủ trưởng, Phó thủ trưởng Cơ quan điều tra không được ủy quyền cho Điều tra viên thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình.
– Cấp trưởng, cấp phó cơ quan của Bộ đội biên phòng, Hải quan, Kiểm lâm, lực lượng Cảnh sát biển, Kiểm ngư được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, Công an nhân dân, Quân đội nhân dân không được ủy quyền cho cán bộ điều tra thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình.
– Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát không được ủy quyền cho Kiểm sát viên thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình.
– Chánh án, Phó Chánh án Tòa án không được ủy quyền cho Thẩm phán thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình.
Đinh Phương