(Vtrend.vn) Tốc Ca Ca là nick name của Nông Văn Chuyền – một vận động viên chạy bộ nghiệp dư nổi tiếng ở các giải marathon tại Việt Nam trong vài năm gần đây. Chuyền được nhiều người biết đến không chỉ vì chạy nhanh mà đơn giản bởi yêu chạy bộ và phải chạy bộ để… bán hàng.
Không giống với các ứng viên giành podium khác, ngoài tham gia giải, Chuyền còn phải tranh thủ bán hàng nên hành trang luôn lỉnh kỉnh hàng hóa.
Khi còn học phổ thông ở tỉnh Lạng Sơn, Nông Văn Chuyền được cử tham gia giải chạy ở Hội khỏe Phù Đổng. Chuyền được chọn không phải vì từng có thành tích xuất sắc về môn chạy so với các bạn khác, mà đơn giản bởi không mấy ai thích môn này và cậu gần như bị ép tham dự. “Ở quê em lúc đó, chạy bị coi là môn phá sức, không được tích sự gì. Thay vì chạy lẽ ra làm việc khác thì có ích hơn”, Chuyền cho biết.
Và kết quả thi chạy ở Hội khỏe Phù Đổng của Nông Văn Chuyền cũng không mấy khả quan. Cậu được vào Top nhưng là nhóm của những vận động viên đứng cuối cùng. Nhưng cũng kể từ đó, cậu bắt đầu thấy thích môn chạy bộ, thích tốc độ và thích làm cái gì cũng nhanh… và có biệt danh là Tốc Ca Ca.
Năm 2013, mối duyên với chạy bộ quay lại với Chuyền khi cậu đang làm việc tại Sài Gòn với nghề massage. Đó là năm đầu tiên giải Marathon TPHCM được tổ chức và Tốc Ca Ca tham dự ở cự ly 10km. Về đích với thành tích 44 phút, cậu khá phấn khích. Cũng từ đó, buổi tối Chuyền đi làm massage, còn ban ngày tham gia luyện tập chạy bộ thường xuyên cùng với nhóm bạn yêu thích môn thể thao này.
Được một người anh trong đội chạy bộ khuyến khích, Tốc Ca Ca thi vào hệ tại chức Đại học Thể dục thể thao TPHCM. Thế nhưng, sự nghiệp học hành của Chuyền chỉ được vài tháng thì bỏ ngang bởi biến cố gia đình.
Trở về Lạng Sơn, Nông Văn Chuyền đi buôn bán ở cửa khẩu và lấy vợ. Việc lấy vợ của chàng thanh niên mê chạy bộ cũng rất… tốc độ. Chỉ sau vài tháng làm quen với cô gái gần nhà vừa tốt nghiệp PTTH là Tốc Ca Ca “đưa nàng về dinh”.
Thế nhưng, thời gian ở Lạng Sơn của Chuyền cũng không được lâu. Cảm thấy đầu óc luôn bị ám ảnh bởi chạy bộ và công việc buôn bán ở cửa khẩu không khiến mình thích thú, Tốc Ca Ca quyết định tìm một công việc khác. “Ở nhà làm, em không tìm thấy cái gì khiến mình thích cả, mà cái môn chạy nó cứ âm ỉ trong người, khó chịu lắm. Ở nhà thì điều kiện tập luyện cũng không tốt, tính em lại thích lang thang thích đi đây đi đó…”, Chuyền tâm sự về quyết định của mình.
Rời Lạng Sơn, cậu tìm được việc làm tại một nhà máy giấy của Malaysia tại khu công nghiệp VSIP (Bắc Ninh). Chuyền tiết lộ, lý do chọn nhà máy này đơn giản là vì “gần đó có đường chạy rất đẹp nên có thể đi làm và chạy bộ thoải mái”.
Cùng với việc tập luyện, Nông Văn Chuyền đăng ký tham gia nhiều giải chạy bộ phong trào ở phía Bắc và trở thành một vận động nghiệp dư nổi tiếng với nick name Tốc Ca Ca (tên trước đây trên facebook). Và tới nay, Nông Văn Chuyền đã trở thành một elite runner tại các giải chạy bộ phong trào ở Việt Nam và có hơn 40 lần “đứng bục” (có huy chương) ở các cự ly.
Do tập luyện và tham gia chạy giải thường xuyên, Nông Văn Chuyền sử dụng khá nhiều đồ chạy bộ và hiểu biết khá sâu. Cộng với máu kinh doanh có sẵn của một thanh niên cửa khẩu, Chuyền bắt đầu viêc kinh doanh đồ chạy bộ online trên facebook cá nhân của mình. Và từ việc phải làm các công việc khác để chạy bộ, Tốc Ca Ca chuyển hẳn sang kinh doanh đồ thể thao chạy bộ để kiếm sống.
Nhờ am hiểu về môn chạy, tìm nguồn hàng tốt, giá bán của Tốc Ca Ca khá rẻ với các runner muốn mua đồ phổ thông. Nhưng quan trọng nhất, chàng thanh niên người dân tộc bán hàng tốt nhờ tư vấn có chuyên môn, nhiệt tình, phù hợp cho từng người mua và đặc biệt là… thật thà.
Trong số những người kinh doanh đồ chạy bộ online, Nông Văn Chuyền là trường hợp hiếm hoi khuyên nhiều khách đừng mua món đồ này, đừng mua món đồ kia ở cửa hàng của mình vì không phù hợp.
“Em muốn mỗi món đồ mà khách mua đều đúng với nhu cầu và mục đích của họ: một đôi giày phải phù hợp với phom chân và nhu cầu chạy cụ thể của từng người, quần áo cũng vậy… Nhưng vậy thì có nhiều lúc đồ của cửa hàng em không hợp với khách và em tư vấn nên đợi lấy hàng khác sẽ hợp hơn chứ không nói theo kiểu để họ mua đồ đang sẵn ở cửa hàng. Có người nói như vậy là em ‘đuổi khách’ nhưng không phải em đuổi đâu…”, Nông Văn Chuyền tâm sự.
Vài tháng trở lại đây, nhiều người từng đến cửa hàng của Nông Văn Chuyền ở phố Đào Tấn rất ngạc nhiên khi quay lại. Thay vì một mớ đồ thể thao được bày lộn xộn trong căn nhà thuê bé xíu là một kệ giày Do-win được đóng ngay ngắn, các mặt hàng quần áo có giá treo nghiêm chỉnh… và hàng hóa đều được quét mã khi thanh toán giống một cửa hàng bán đồ thể thao chuyên nghiệp lớn. Và cửa hàng của Nông Văn Chuyền đã có thêm nhân viên bán hàng chứ không chỉ là ông bà chủ bán như trước.
Chưa hết, một trang fanpage với tên gọi Tốc Sport cũng ra đời và newsfeed của những người chạy bộ thường xuyên thỉnh thoảng sẽ hiện lên quảng cáo dẫn tới cửa hàng của Tốc Ca Ca trên đường Đào Tấn, Hà Nội. Một trang web bán hàng online với tên miền tương tự cũng xuất hiện với đầy đủ các đồ của cửa hàng. Cả trang web và fanpage đều có chatbot giúp tương tác với khách hàng.
Trao đổi với chúng tôi, Nông Văn Chuyền cho biết, trong quá trình đi chạy, cậu có quen một số doanh nhân và cùng hợp tác để mở công ty cổ phần. Tất cả các quy trình, fanpage, website, phần mềm… và các hoạt động marketing “được các anh hỗ trợ” nhưng “việc kinh doanh, tư vấn, tìm nguồn hàng… thì vẫn là vợ chồng em là chính”. Nhưng cũng kể từ khi kinh doanh theo kiểu mới, cửa hàng bán đồ chạy bộ của Tốc Ca Ca không còn rẻ như trước mà đã về mặt bằng giá chung.
Kể từ khi quyết định “làm ăn lớn chứ không order lặt vặt như ngày xưa”, Nông Văn Chuyền gặp cú sốc lớn. Nếu như trước đây, chàng Tốc Ca Ca chỉ cần bán đồ để đủ sống và đi chạy thì giờ khối lượng công việc hoàn toàn khác trước. “Chóng hết cả mặt, tự nhiên mọi thứ đảo lộn hết” là tâm sự của Chuyền khi hợp tác cùng với “các ông anh” trong việc kinh doanh đồ thể thao chạy bộ.
Chàng thanh niên người dân tộc giờ đã kinh doanh đồ thể thao chuyên nghiệp hơn cho biết: “Cuộc sống của vợ chồng em thì ổn hơn nhưng công việc chật vật hơn. Thời gian giờ không còn dư dả như trước mà làm việc có thể kéo dài không giới hạn, có thể đến 12h hôm trước và hôm sau 4-5h sáng đã phải dậy đi làm tiếp rồi”.
Ngoài công việc cá nhân thay đổi lớn, việc thuê nhân viên của Tốc Sport cũng không dễ dàng. Dù có phần mềm quản lý nhưng với việc có tới cả trăm mặt hàng và đồ chạy rất cần tư vấn nên một vài nhân viên đến làm việc cho cửa hàng của Chuyền bỏ việc chỉ sau vài ngày bởi “ngợp” với kiến thức cần nạp. “Nếu không hiểu chuyên môn để tư vấn cho người mua thì sẽ cảm thấy công việc rất nặng nề, khó tiếp tục”, ông chủ Tốc Sport nhận xét về những nhân viên bán hàng đã bỏ việc.
Bên cạnh việc bán ở cửa hàng, Nông Văn Chuyền còn tạo lập cộng đồng để phát triển khách hàng thông qua các lớp huấn luyện chạy bộ ở công viên Bách Thảo và hồ Gươm. Hàng tuần, vào tối mỗi thứ năm, Tốc Ca Ca lại đứng lớp để phổ biến các kiến thức chạy bộ cơ bản cho những người mới bắt đầu hoặc runner muốn nâng cao thành tích. Cậu đồng thời tư vấn thêm về các đồ thể thao, chế độ ăn uống thích hợp cho việc chạy. Một tháng, elite runner này tổ chức một buổi phổ biến kiến thức ở Hồ Gươm…
Mặc dù bận rộn hơn trước nhưng Nông Văn Chuyền vẫn cố gắng duy trình lịch tập luyện đều đặn. Buổi sáng, cậu thường chạy 14-16km, buổi chiều chạy khoảng 10km, cộng với khoảng 3-4 km chạy khởi động phục hồi cho các lần tập. Vợ của Chuyền cũng làm quen với việc chạy bộ kể từ khi lên Hà Nội bán hàng và thường chạy khoảng 6km/ngày. Khi sinh con xong, vợ của Tốc Ca Ca nặng tới 72 kg nhưng sau khi chạy bộ đều đặn giờ còn 52 kg.
Nông Văn Chuyền vẫn tham gia các giải chạy bộ, nhưng việc kiêm luôn “chân” tư vấn và ship hàng cho khách vào buổi đêm hôm trước thi đầu đã giảm bớt vì có nhân viên. Điểm khác nữa là việc tham gia các giải giờ đây cũng được Chuyền tính kỹ hơn vì liên quan đến việc quảng bá và bán hàng cho Tốc Sport. Thế nhưng, trong phần lớn các giải mà elite runner này tham dự, cậu đóng tiền cá nhân để chạy cho vui vì “mê không bỏ được” chứ không liên quan đến kinh doanh.
Lần đầu tiên tham gia một giải chạy quốc tế ở Trung Quốc, Chuyền kinh ngạc trước đường chạy rộng và “không một bóng người đi lại” ở đây. “Người ta cấm đường hoàn toàn và cứ 100m lại có một tình nguyện viên đứng rải rác suốt 42km, 500m lại có một nhóm cổ vũ mà là do người dân tự nguyện chứ không phải của ban tổ chức. Giá mà Việt Nam cũng có đường chạy như vậy…”, Tốc Ca Ca tâm sự.
Dự định tham gia Berlin Marathon – một trong những giải marathon danh tiếng nhất thế giới, Chuyền tạm dừng tham gia các giải chạy bộ trong nước. Runner này tâm sự: “Giờ công việc kinh doanh bận quá, em cần ổn định thì mới dành thời gian luyện tập tốt được. Chạy ở Berlin nếu không tập tốt thì chắc kết quả 42km dưới 3h chỉ hơn cụ ông hơn 70 tuổi chạy tốt nhất ở đó thì xấu hổ lắm. Em mới có hơn 20 tuổi mà…”
Theo cafef.vn
Minh Xuan.