(Vtrend.vn) Trước những biến động mạnh của TTCK từ đầu năm, nhiều nhà đầu tư ôm cổ phiếu các doanh nghiệp lớn đang phải chịu thua lỗ nặng vì đà suy giảm của giá cổ phiếu.
6 tháng đầu năm 2018 là giai đoạn đầy biến động của thị trường chứng khoán (TTCK) Việt với những cú tăng, giảm rất mạnh của thị trường cũng như thị giá cổ phiếu doanh nghiệp.
Nếu tính từ đầu năm, chỉ số thị trường VN-Index mới giảm 8%, nhưng so với vùng đỉnh 1.204,33 điểm hồi tháng 4, VN-Index đã lao dốc 24% với những cú sụt giảm tỷ USD như phiên 3/7 vừa qua.
Cháy tài khoản vì ôm cổ phiếu “ông lớn”
Trong giai đoạn thị trường đi lên, nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn thay nhau là đầu tàu kéo chỉ số VN-Index đi lên như VRE (Vincom Retail); VNM (Vinamilk) hay GAS (PV Gas)… cùng với nhóm cổ phiếu ngân hàng. Tuy nhiên, 3 tháng trở lại đây, những cổ phiếu này lại trở thành nhóm giảm giá mạnh nhất.
Cổ phiếu vốn hóa lớn giảm giá mạnh nhất gần đây chính là ROS của Công ty cổ phần Xây dựng FLC Faros khi mất tới 70% giá trị từ đầu năm. Hiện ROS chỉ còn được giao dịch với giá 41.000 đồng/cổ phiếu, chưa tới 1/3 so với vùng giá hơn 140.000 đồng/cổ phiếu (đã điều chỉnh) hồi đầu năm. Đà giảm của ROS không chỉ khiến các nhà đầu tư ôm cổ phiếu này “cháy” tài khoản mà khiến chính ông chủ doanh nghiệp cũng bốc hơi hàng tỷ USD tài sản.
|
10 cổ phiếu vốn hóa trên 20.000 tỷ trên sàn HOSE giảm mạnh nhất từ đầu năm |
Từ vị trí người giàu nhất sàn chứng khoán Việt với khối tài sản hơn 58.000 tỷ đồng cuối 2017, ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch FLC và FLC Faros đã rớt xuống vị trí thứ 4, với khối tài sản “teo nhỏ” còn hơn 17.000 tỷ đồng. Trong đó, riêng đà giảm của ROS đã khiến đại gia này mất gần 41.000 tỷ đồng chỉ trong nửa năm, tương đương 1,8 tỷ USD.
2 doanh nghiệp có vốn sở hữu Nhà nước là PV Gas và Habeco (BHN) cũng giảm rất mạnh lên tới 38%. Trong khi, GAS biến động trồi sụt tăng trần, giảm sàn nhiều phiên liên tục, thì BHN lại có giảm một mạch từ vùng giá 160.000 đồng/cổ phiếu xuống nay chỉ còn 75.600 đồng.
Đặc biệt, nhà đầu tư sở hữu nhóm cổ phiếu ngân hàng sẽ chịu thua lỗ rất nhiều trong giai đoạn biến động thị trường này. Cuối 2017, đầu 2018, cổ phiếu ngân hàng luôn là nhóm “đầu tàu” kéo thị trường đi lên nhưng 3 tháng trở lại đây, ngân hàng lại là nhóm cổ phiếu giảm mạnh nhất. Bình quân nhóm cổ phiếu ngân hàng đã giảm 30% giá trị trong 3 tháng gần đây với những BID (BIDV) giảm 48%; CTG (Vietinbank) giảm 40%; VPB (VPBank), STB (Sacombank), MBB (MBBank) cùng mất 34-36% giá trị, thậm chí cổ phiếu đầu ngành như VCB (Vietcombank) cũng khiến nhà đầu tư “bốc hơi” 25% tài khoản trong thời gian qua.
|
10 cổ phiếu ngân hàng giảm giá mạnh nhất 3 tháng vừa qua |
Ngoài ra nhiều cổ phiếu ông lớn có đà giảm rất mạnh ảnh hưởng tới TTCK chung từ đầu năm như PNJ (Vàng Phú Nhuận) giảm 33%; NVL (Novaland) giảm 32%; MSN (Masan) mất 31%; BVH (Tập đoàn Bảo Việt) giảm 30%…
Vua cá Hùng Vương và “cú ngã” 71% giá trị
Tính trên toàn TTCK, cổ phiếu HVG của Công ty cổ phần Hùng Vương chính là cổ phiếu có đà giảm giá mạnh nhất khi đã mất tới hơn 71% giá trị chỉ trong nửa năm. Hiện cổ phiếu này chỉ còn được giao dịch với giá 2.360 đồng/cổ phiếu, trong khi thị giá đầu năm là gần 10.000 đồng.
“Cú ngã” của HVG đến từ việc kết quả kinh doanh gặp khó khăn do đầu tư ngoài ngành và vay nợ quá nhiều.
Kinh doanh đi xuống, nợ vay tăng cao khiến Hùng Vương rơi vào tình trạng mất cân đối tài chính và đã phải bán hàng loạt công ty con tâm huyết như Việt Thắng, các dự án bất động sản, dự án nuôi heo và kho lạnh…
Việc bán công ty con giúp Hùng Vương có đủ tài chính để cơ cấu lại hoạt động kinh doanh. Hiện lỗ lũy kế toàn tập đoàn còn gần 424 tỷ đồng; tổng tài sản và nguồn vốn còn khoảng 13.876 tỷ đồng, giảm 16% so với năm 2016, vốn chủ sở hữu giảm 24% còn 2.498 tỷ.
|
Cổ phiếu HVG là mã giảm giá mạnh nhất từ đầu năm 2018 đến nay trên TTCK. Nguồn: VNDirect. |
Nửa đầu 2018 không phải là giai đoạn thuận lợi với nhóm cổ phiếu họ FLC khi có tới 2 cổ phiếu nhóm này nằm trong top cổ phiếu giảm giá mạnh nhất gồm ROS và AMD (Khoáng sản FLC AMD). Trong khi ROS mất 70% giá trị thì AMD cũng đã mất 62% thị giá từ đầu năm, hiện chỉ được giao dịch với giá 3.340 đồng/cổ phiếu, trước đó thị giá cổ phiếu này dao động 8.000-9.000 đồng.
Ngoài ra, hàng loạt cổ phiếu cũng khiến nhà đầu tư thua lỗ nặng nửa đầu năm như APC (Chiếu xạ An Phú) giảm 67%; AGF (Thủy sản An Giang) mất 66% thị giá; PXT (Xây lắp Đường ống Bồn bể Dầu khí) giảm 63% hay NKG của Thép Nam Kim mất gần 55%…
Theo news.zing.vn
Minh Xuân.