Tòa án Singapore sắp xét xử vụ bà Lê Hoàng Diệp Thảo giả mạo chữ ký ông Đặng Lê Nguyên Vũ để chiếm đoạt Công ty Trung Nguyen Singapore

Phía Trung Nguyên cáo buộc bà Lê Hoàng Diệp Thảo giả mạo chữ ký của ông Đặng Lê Nguyên Vũ để chuyển nhượng bất hợp pháp toàn bộ tài sản (7,5 triệu cổ phần) của Công ty Trung Nguyen Singapore PTE.LTD sang cho cá nhân mình làm chủ sở hữu với giá 1 đô la Singapore.

Theo phía Trung Nguyên, chính bà Lê Hoàng Diệp Thảo là người tự gửi tài liệu có dấu vết cắt ghép và tự yêu cầu Cơ quan chức năng giám định chính tài liệu của mình, nhằm kéo dài thời gian giải quyết vụ án, để chiếm giữ trái phép chi nhánh Trung Nguyên IC tại Bắc Giang để hưởng lợi càng lâu càng tốt. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín và hoạt động sản xuất kinh doanh hợp pháp của Trung Nguyên.

Cũng trong thông cáo, phía Trung Nguyên tiết lộ thêm thông tin về việc tranh chấp tại Công ty Trung Nguyen Singapore PTE.LTD.

Theo Trung Nguyên, hành vi mang tính chất vu cáo, giả mạo tài liệu của bà Lê Hoàng Diệp Thảo không chỉ được thực hiện một lần mà đã được thực hiện ở vụ việc chuyển nhượng bất hợp pháp và chiếm đoạt công ty Trung Nguyen Singapore.

Trong vụ việc này, bà Lê Hoàng Diệp Thảo đã giả mạo chữ ký của Nhà sáng lập – Chủ tịch – Tổng giám đốc Tập đoàn Trung Nguyên Đặng Lê Nguyên Vũ để chuyển nhượng bất hợp pháp toàn bộ tài sản (7,5 triệu cổ phần) của Công ty Trung Nguyen Singapore PTE.LTD sang cho cá nhân mình làm chủ sở hữu với giá 1 SGD.

Vụ án đã được tòa án tối cao Singapore thụ lý giải quyết trên cơ sở kết luận giám định chữ ký giả mạo ngày 7/4/2016 của Cơ quan giám định Singapore.

Phía Trung Nguyên cho biết, đã rất nhiều lần, cá nhân ông Đặng Lê Nguyên Vũ và Tập đoàn Trung Nguyên rất cân nhắc, không yêu cầu xử lý hình sự đối với hành vi sai phạm của bà Thảo, để bà Thảo có cơ hội sửa sai. Tuy nhiên, các hành vi sai phạm từ năm 2015 đến nay của bà Thảo vẫn tiếp diễn với mức độ và cường độ ngày càng nghiêm trọng, do đó tòa án Singapore đã có thông báo đưa vụ việc ra xét xử vào ngày 24 và 30/7/2019.

1.

Cửa hàng Trung Nguyên tại Singapore

Hồ sơ vụ tranh chấp công ty Trung Nguyen Singapore (dịch từ tài liệu lưu tại website SingaporeLaw.sg của Học viện tư pháp Singapore – một cơ quan đóng vai trò xúc tiến và phát triển ngành tư pháp tại quốc đảo này)

Nguyên đơn: Công ty CP Tập đoàn Trung Nguyên. Chủ tịch kiêm người đại diện theo pháp luật là ông Đặng Lê Nguyên Vũ. Phía văn bản của toà án Singapore có ghi rõ, nguyên đơn là doanh nghiệp sản xuất, chế biến và phân phối cà phê.

Bị đơn: Công ty TNHH TNI (Trung Nguyên International) và bà Lê Hoàng Diệp Thảo – vợ của nguyên đơn đồng thời là người đại diện theo pháp luật của Công ty TNHH Trung Nguyen International (Singapore).

Văn bản của toà án ghi rõ, công ty này được thành lập năm 2008 chuyên cung cấp các sản phẩm cà phê của phía nguyên đơn cho thị trường quốc tế.

Nội dung khiếu nại của phía nguyên đơn:

Trung tâm của hành động này là tranh chấp về cổ phần do bà Thảo nắm giữ tại Trung Nguyên International sau một hành động chuyển giao vào ngày 15/7/2015.

Trong đơn kiện gửi lần thứ 2 ngày 29/3/2016, nguyên đơn đã kiện Trung Nguyên International và bà Thảo với 3 cáo buộc chính. Một trong 3 cáo buộc đó là: Chuyển giao trái phép và gian lận 7.520.800 cổ phần của nguyên đơn tại Trung Nguyên International sang bà Thảo vào tháng 7/2015.

Cụ thể, cổ phần của Trung Nguyên International do bà Thảo nắm giữ khi công ty này được thành lập lần đầu vào tháng 4/2008. Vào ngày 11/1/2011, bà Thảo đã đồng ý chuyển nhượng số cổ phần của mình cho nguyên đơn là ông Vũ với số tiền 372.000 USD.

Vụ chuyển nhượng đã được hoàn tất vào ngày 23/1/2013, kết quả là ông Vũ nắm giữ 520.800 cổ phần phổ thông. Đến tháng 8 năm 2014, số cổ phần này đã được tăng lên 7.520.800 cổ phần, với ông Vũ là cổ đông duy nhất.

Ngày 10/7/2015, một văn bản chuyển nhượng cổ phần được nộp cho Cơ quan quản lý doanh nghiệp và kế toán Singapore (ACRA) thực hiện việc chuyển giao 7.520.800 cổ phần phổ thông kể trên cho bà Thảo. Tuy nhiên, hành động này bị phía nguyên đơn cáo buộc là gian lận.

Vào ngày 8/7/2015, bà Thảo, từ Singapore đã gửi một mẫu chuyển nhượng trống cho một bị cáo thứ tư, tên Lê Thị Cẩm Tú ở Việt Nam yêu cầu đóng dấu của phía nguyên đơn mà không có quyền của nguyên đơn, trên văn bản chuyển nhượng cổ phần trống. Bị đơn Tú sau đó chuyển mẫu chuyển giao cổ phần này đến bà Thảo trong một phong bì dán kín.

Cũng theo đơn tố cáo, phía nguyên đơn khẳng định bị đơn thứ ba, tên Đoàn Thị Ánh Tuyết đã ký vào mẫu chuyển nhượng kể trên, phần nhân chứng, mặc dù bà này thừa nhận rằng không đích thân nhìn thấy ông Vũ ký vào mẫu chuyển nhượng.

Phía nguyên đơn khẳng định, chữ ký trên văn bản chuyển nhượng trống đó là giả mạo và nó được thực hiện trong khoảng từ ngày 8/7 đến ngày 10/7/2015. Người bị cho là làm giả chữ ký được thực hiện bởi bị đơn Thảo và /hoặc Tú và /hoặc Tuyết.

2.

Ông Vũ và bà Thảo nói gì về vụ Trung Nguyen Singapore?

Trong những lần gặp gỡ báo chí, ông Đặng Lê Nguyên Vũ đều cho biết, ông không muốn làm lớn chuyện tại Singapore, vì ông còn thương những đứa con và cũng không muốn bà Thảo phải dính vòng lao lý, bởi tội làm giả chữ ký ở Singapore sẽ bị phạt tù.

“Ở Singapore luật nghiêm lắm, làm giả chữ ký là đi tù nhưng mà Qua nói luật sư đừng làm vậy. Mấy anh em nhiều khi giận quá, muốn cho ở tù luôn là xong nhưng mà Qua không để như vậy, không nên. Qua còn những đứa con, để Qua chịu hết”, ông Vũ nói.

Trong khi đó, bà Diệp Thảo cho rằng, Trung Nguyen Singapore là công ty của bà và không có lý do gì để bà phải cươ’.p công ty của chính mình.

Bà Thảo từng kể rằng, năm 2008, với 50.000 đô la Singapore vốn khởi điểm, bà đã đăng ký thành lập công ty Trung Nguyen Singapore, một mình đứng tên và chịu trách nhiệm. Năm 2010, bà Thảo mang bầu con út. Bà Thảo cho biết, ông Vũ thương bà vất vả, đề nghị nhập chung Trung Nguyen Singapore vào Tập đoàn Trung Nguyên để thuận tiện quản lý.

“Không chút do dự, tôi chuyển hết cổ phần tại Trung Nguyen Singapore sang Tập đoàn Trung Nguyên. Ưu tiên lớn nhất của tôi lúc này là gia đình. Việc kinh doanh quốc tế khi đó rất thuận lợi, vốn điều lệ và cổ phần của Trung Nguyen Singapore tăng lên nhanh chóng, từ 50.000 lên 7.528.000 đôla Singapore.

Việc chuyển nhượng các công ty con vào công ty mẹ, mà tất cả đều là công ty gia đình, tương đối suôn sẻ, mặc dù chúng tôi gặp phải không ít vướng mắc do cách quản lý kiểu gia đình”, bà Thảo chia sẻ.

3.

Chia sẻ của bà Lê Hoàng Diệp Thảo về vụ việc Trung Nguyen Singapore hồi tháng 8/2018

Liên quan đến cáo buộc giả mạo chữ ký để chuyển nhượng cổ phần, bà Thảo từng khẳng định: “Tôi không bao giờ ký chữ ký của người khác. Việc tuân thủ pháp luật là việc cơ bản nhất mà một doanh nhân cần phải làm!”

Theo bà Thảo, việc bán các cổ phần với giá tượng trưng 1 đô la Singapore đã được 2 bên thỏa thuận. Giao dịch này hoàn toàn được chấp nhập ở nước ngoài, khi hai bên có mối q.ua n h.ệ đặc biệt là vợ chồng và đều sở hữu khối tài sản chung ở Tập đoàn Trung Nguyên.

Cơ quan ACRA của Singapore đã chấp thuận giao dịch này và chuyển lại cho bà là chủ sở hữu Trung Nguyen Singapore vào ngày 10/7/2015.

Theo : http://cafebiz.vn/toa-an-singapore-sap-xet-xu-vu-ba-le-hoang-diep-thao-gia-mao-chu-ky-ong-dang-le-nguyen-vu-de-chiem-doat-cong-ty-trung-nguyen-singapore-20190711174451218.chn