(Vtrend.vn) Ông Doron Lebovich, Phó Đại sứ Israel tại Việt Nam đã chia sẻ với Trí Thức Trẻ cái nhìn đầy lạc quan về ngành nông nghiệp Việt. Ông nói rằng sự tăng trưởng của ngành sẽ diễn ra cả về chất và lượng trong tương lai.
Xu hướng lớn toàn cầu buộc các quốc gia phải có nông nghiệp thông minh
Không có rừng vàng, biển bạc, với 50% đất đai là sa mạc, chỉ 20% là đất nông nghiệp, khí hậu khắc nghiệt nhưng Israel được biết đến là đất nước phát triển nông nghiệp thành công, được coi là “thung lũng silicon” của thế giới trong nông nghiệp và công nghệ nước.
Vì điều kiện rất khó khăn, người Israel buộc phải thay đổi, theo ông Phó Đại sứ. Và kết quả của hiện tại, ông hào hứng nói rằng bộ mặt nông nghiệp đất nước thay đổi hoàn toàn nhờ vào việc ứng dụng công nghệ cao.
“Bởi ý chí của người dân Israel, sự hỗ trợ mạnh mẽ từ Chính phủ, chúng tôi đã áp dụng nhiều công nghệ hết sức quan trọng, phù hợp để đạt được các thành tựu như mọi người thấy”, ông nói.
Câu chuyện về nông nghiệp thông minh ở Israel không gói gọn trong đất nước 8,5 triệu dân này mà còn mở rộng ra với nhiều quốc gia khác, trong đó có Việt Nam, theo ông Doron. Nguyên nhân ngành nông nghiệp trên thế giới đã và đang thay đổi. Nhu cầu lương thực toàn cầu tăng nhanh, đến năm 2050, đòi hỏi này tăng thêm 70% trong khi đó nguồn cung cho nông nghiệp (đất đai, nước…) bị giảm sút mạnh.
“Năm 1985, ở Israel có 40% đất phù sa cho nông nghiệp, bây giờ chỉ còn 24%, xu hướng này diễn ra tương tự các quốc gia khác trên thế giới”, ông Doron nói. Việt Nam thực tế cũng đang đứng trước thách thức về biến đổi khí hậu toàn cầu, mà ảnh hưởng rõ rệt đang diễn ra tại vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Trong khi đó, lao động trong ngành nông nghiệp cũng có sự chuyển dịch. Người dân ở nông thôn trên thế giới dần chuyển sang khu vực thành thị do quá trình đô thị hoá diễn ra chóng mặt…
Những điều này được ông Phó Đại sứ khẳng định ngành nông nghiệp phải được triển khai hiệu quả hơn mà để làm được điều này, sự ứng dụng của công nghệ cao là cần thiết. “Công nghệ cao là một trong những lối thoát”, ông Doron nhấn mạnh.
Hệ sinh thái – Câu chuyện từ Israel
Dù công nghiệp nông nghiệp thông minh là một hướng đi đúng nhưng để thành công là không dễ. Nhiều doanh nghiệp, nông dân gặp vấn đề khi triển khai. Quá trình thử nghiệm, phát triển dài và tốn kém, rủi ro từ yếu tố mùa vụ, nguồn lực tài chính khan hiếm. Bên cạnh đó còn là sự bảo thủ trong nếp suy nghĩ của người dân khiến họ phản ứng ngược với công nghệ hay các luật lệ, chính sách chưa bắt kịp…
Nông nghiệp công nghệ cần có nhiều sự đầu tư, ông Doron nói và bật mý công thức thành công của Israel để trở thành quốc gia hàng đầu áp dụng công nghệ.
“Quan trọng nhất là hệ sinh thái”, ông cho biết và giải thích các thành tố trong hệ bao gồm Chính phủ, các viện nghiên cứu cũng như doanh nghiệp, người nông dân…
Viện nghiên cứu được ông Doron gọi là “trái tim của công nghệ cao”. Israel hiện có tỷ lệ kỹ sư trên bình quân đầu người rất cao, số lượng viện, trung tâm nghiên cứu ở mỗi tỉnh của đất nước. Tuy nhiên, để biến các ý tưởng, tri thức ở các viện này thành hiện thực, cần có sự tham gia của các thành tố khác mà tiêu biểu là Chính phủ.
Ông Doron cho biết Chính phủ Israel đã tham gia vào các hoạt động của ngành nông nghiệp, đứng ở vai trò cùng gánh vác giữa các bên, “làm sao để dung hoà được các rủi ro cho các sáng tạo, ý tưởng ở giai đoạn đầu”. Theo đó, Chính phủ hỗ trợ về mặt tài chính, chính sách cho các viện, các công ty tham gia.
“Chính phủ Israel đảm nhận rủi ro về mặt đầu tư ban đầu cho các công ty công nghệ. Nhờ vậy, đã giảm thời gian, chi phí cho các doanh nghiệp để họ tạo ra các ý tưởng và đầu tư mạnh vào nông nghiệp”, ông Doron giải thích.
Bên cạnh đó, ông Doron còn cho biết có sự kết nối chặt chẽ giữa người nông dân với các viện nghiên cứu. Mỗi tỉnh có trung tâm phát triển nghiên cứu riêng mà mỗi nông dân có thể đến và yêu cầu sự giúp đỡ để có được các giải pháp tuy nhỏ, nhưng hiệu quả mà tức thời, cụ thể, phục vụ cho việc sản xuất.
Bài học cho Việt Nam là gì?
Ngài Phó Đại sứ tỏ ra hào hứng khi nói về ngành nông nghiệp Việt Nam. Ông nói rằng các con số không biết nói dối, mà thông qua đó, ông thấy rằng Việt Nam đang có sự tăng trưởng tốt, không chỉ ở nông nghiệp mà còn nhiều lĩnh vực khác.
Đối với nông nghiệp, trước vấn đề đặt ra của Trí Thức Trẻ là chỉ khoảng 1% doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực này, ông Doron nói rằng Việt Nam không phải là thiểu số, trên thế giới, số công ty tham gia vào nông nghiệp công nghệ cao là không nhiều.
Tuy nhiên, trước xu hướng nhu cầu về thực phẩm toàn cầu tăng cao trong các năm tiếp theo, các công ty dẫn hiểu nông nghiệp là quan trọng như thế nào, tự họ sẽ tham gia nhiều hơn, ông Doron phân tích.
Mặt khác, trong 2 năm làm việc tại Việt Nam, ông Doron quan sát rằng người dân đã được giáo dục và khuyến khích nhiều hơn trong lĩnh vực nông nghiệp. “Việt Nam là thị trường rộng mở, nhiều nhà đầu tư nước ngoài đang dần vào Việt Nam, tôi tin rằng sẽ có nhiều hơn các công ty tham gia vào lĩnh vực nông nghiệp cao”, ông nói.
Sự quan tâm, hợp tác của các doanh nghiệp nước ngoài, tất nhiên là có sự tham gia của doanh nghiệp đến từ Israel. Theo Phó Đại sứ, nhiều công ty của Israel trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao đã đến Việt Nam, nhiều doanh nghiệp lớn Việt Nam cũng đang sử dụng công nghệ của Israel như tưới tiêu, hệ thống lọc nước, phần mềm quản lý…
Israel có thể hỗ trợ Việt Nam bằng cách mang công nghệ, tri thức và kinh nghiệm đến, Phó Đại sứ bày tỏ. Tuy nhiên, ông cũng lưu ý, làm nông nghiệp thông minh không chỉ là việc mang thiết bị từ nước ngoài về lắp đặt mà còn phải biết sử dụng thiết bị như thế nào, có những sáng tạo gì, linh hoạt với điều kiện tại Việt Nam để có những sáng tạo đột phá.
Ông Doron Lebovich cũng lạc quan khi cho rằng với những điều kiện hiện có của Việt Nam, cùng với sự chuyển đổi phù hợp của hiện tại, Việt Nam hoàn toàn có khả năng trở thành vựa lương thực của thế giới.
Theo cafef.vn
Minh Xuân.