Nhiều nhà hàng, quán ăn liên kết với app công nghệ than phiền về chính sách chiết khấu phải trả khá cao, từ 12-25% giá trị mỗi đơn hàng, chưa kể các chương trình khuyến mãi theo yêu cầu của app khiến doanh thu thực tế của các cơ sở này bị giảm.
Trong khi đó, các tài xế công nghệ cũng “tố” rằng đã bị các app cắt xén tiền ship với đơn hàng ghép, do quãng đường đi dài hơn, thời gian chờ lâu hơn nhưng tiền ship tăng không bao nhiêu, nhưng khách hàng vẫn trả tiền ship cho app như một đơn hàng bình thường.
Liên tục tăng chiết khấu
Hơn 15 năm kinh doanh phở, ông Bằng – chủ một quán phở trên đường Nguyễn Biểu (quận 5, TP.HCM) – cho biết rất không hài lòng với cách mà các ứng dụng giao đồ ăn đang chèn ép “đối tác”.
Dù thừa nhận việc liên kết với app giúp số lượng đơn hàng tăng nhưng theo ông Bằng, đi kèm với đó là những rủi ro, do cách ứng xử của các app.
Chẳng hạn, trước đây ShoppeFood chào mời vào hợp tác với mức chiết khấu 10%/đơn hàng, nhưng nay đã nâng lên 12-25% tùy quán. “Sau khi hết hạn hợp đồng, app gửi ngay hợp đồng mới với tỉ lệ chiết khấu cho app được nâng lên và yêu cầu ký ngay, không cho thời gian xem xét. Nếu không ký là app hủy kèo”, ông Bằng nói.
Ngoài việc phải tăng chiết khấu cho app, quán còn được yêu cầu tăng khuyến mãi để thu hút khách.
Theo ông Bằng, giá một tô phở bò tái, nạm quán bán trên app là 50.000 đồng, nhưng quán được đề nghị khuyến mãi thêm 10-15%, chưa kể app thu phí 12%. “Như vậy, chỉ riêng chi phí trên app đã “ăn hết” 20-27% doanh thu trên mỗi tô phở. Trong khi đó, nguyên liệu gì cũng tăng giá gây khó cho quán ăn trong việc điều chỉnh giá”, ông Bằng than.
Chị Nguyễn Thị Hương Ngọc – chủ của 6 cửa hàng kinh doanh đồ uống tại TP.HCM – cũng than khó khi chi phí nguyên liệu tăng cao cộng với mức chiết khấu của các app điều chỉnh tăng tới mức 25% cho mỗi đơn hàng, khiến việc kinh doanh trở nên khó khăn hơn. Với một đơn hàng 100.000 đồng, quán nước trả cho ứng dụng 25.000 đồng, tăng 5% so với 2 năm trước.
“Khi thực hiện chương trình giảm giá 30-40% theo khuyến cáo của các app, hệ thống của chúng tôi nhận được lượt đặt hàng rất nhiều nhưng doanh thu mang lại kém hơn.
Khi chương trình khuyến mãi kết thúc, khách hàng không tìm đến chúng tôi nữa, sức mua yếu hẳn. Dần dần, quán của chúng tôi lại phụ thuộc vào các app nhưng càng kết hợp với app, lợi nhuận càng giảm”, chủ một quán ăn tại Bình Thạnh cho biết.
Chèn ép tài xế quá tinh vi
Các app công nghệ với dịch vụ giao thức ăn như ShoppeFood, GrabFood… đang đẩy mạnh tính năng “đơn hàng ghép” dành cho tài xế. Tính năng này cho phép tài xế nhận 2 – 3 đơn hàng cùng lúc, trong đó mỗi nhà hàng sẽ là một đơn hàng riêng lẻ.
Các đơn hàng này có cùng lộ trình di chuyển. Hầu hết các app triển khai tính năng trên đều lý giải mục đích giúp tăng thu nhập cũng như tối ưu quãng đường di chuyển.
Tuy nhiên, nhiều tài xế cho biết việc ghép đơn đã ảnh hưởng đến thu nhập của cánh tài xế. Theo anh Hữu Bình – shipper giao thức ăn, với quãng đường dưới 3km, thông thường phí giao hàng khoảng 14.000 đồng/đơn hàng, hai đơn là 28.000 đồng (tùy thời điểm).
Với đơn hàng ghép, hãng chỉ ra cho tài xế 19.000 – 22.000 đồng/đơn. Trong khi đó, nhiều đơn ghép có khoảng cách di chuyển giữa hai quán gần 5km, bất lợi cho tài xế.
“Tôi từng nhận một đơn 5,2km được 22.500 đồng nhưng ghép thêm đơn tổng quãng đường 6,4km nhưng chỉ thêm được 8.000 đồng. Trong khi tôi mất rất nhiều thời gian chờ đơn thứ 2 khiến khách hàng đơn thứ nhất gọi điện giục liên tục. Ghép đơn, đáng lẽ tài xế được hưởng tiền của 2 đơn, sao lại tính từ điểm lấy đầu đến giao cuối?”, tài xế Bình đặt câu hỏi.
Trên nhóm mạng xã hội của tài xế công nghệ, nhiều shipper cho biết tính năng đơn hàng ghép mà app triển khai chẳng qua chỉ là một hình thức chèn ép tài xế, đẩy thiệt thòi cho khách hàng và tăng thu cho app.
Trong thực tế, app không hỏi ý kiến của khách hàng có đồng ý sử dụng dịch vụ đơn hàng ghép hay không vì thời gian giao hàng lâu hơn, nhưng vẫn thu tiền như một đơn hàng bình thường. Còn tài xế bị giám sát khi nhận đơn hàng, app buộc phải lấy thức ăn ở 2 – 3 quán rồi mới bắt đầu giao cho khách.
“Theo chính sách của ShoppeFood, nếu vẫn cố tình thực hiện đơn hàng sai lộ trình, tài xế sẽ bị tính lỗi chuyển trạng thái đơn hàng không đúng thực tế dẫn đến shipper bị giảm điểm thưởng hoặc khóa tài khoản.
Do đó, nhiều tài xế đã yêu cầu app phải xem lại cách phân chia phí ship cho hợp lý. Cũng có một số tài xế cho biết đã tắt app, chuyển sang công việc khác phù hợp hơn”, anh Thành, một tài xế công nghệ lâu năm, cho biết.
Vỡ mộng làm đối tác với app công nghệ
Đứng chờ khách trên đường Nguyễn Xí (quận Bình Thạnh), anh Nguyễn Quang Thuấn – tài xế chạy xe công nghệ 4 bánh – cho biết giá xăng tăng là nỗi ám ảnh với giới tài xế, đặc biệt là tài xế chạy xe công nghệ 4 – 7 chỗ càng chịu áp lực lớn vì phần nhiều là chạy thuê hoặc còn nợ tiền ngân hàng khi mua xe. Và với đợt điều chỉnh mới nhất vào ngày 1-6, giá xăng cán mốc 31.000 đồng/lít, thu nhập của tài xế càng giảm.
Theo anh Thuấn, một ngày chạy giỏi được 1 triệu đồng nhưng tốn hơn 400.000 đồng tiền xăng, khấu hao 20% cộng chi phí chiết khấu cho ứng dụng là 25%, không còn bao nhiêu. Nếu không kẹt xe, tiết kiệm tiền xăng, số tiền còn lại chỉ khoảng 200.000 – 300.000 đồng/ngày.
“Giá xăng tăng gấp đôi chỉ trong một năm, sức chi tiêu của khách hàng giảm, trong khi lực lượng tài xế khá đông nên hầu hết đều chật vật lắm”, anh Thuấn than.
Ông Nguyễn Việt Linh – giám đốc truyền thông Be – cho biết để hỗ trợ và cũng nhằm giữ chân tài xế, hãng đã phối hợp với ngân hàng số Cake by VPBank triển khai gói vay tiêu sử dụng, tài xế có thể vay từ 3 – 20 triệu đồng trong thời gian từ 3 – 24 tháng mà không tốn phí hồ sơ cũng như không cần thế chấp bất cứ tài sản, giấy tờ nào.
“Mục tiêu với gói vay tiêu sử dụng này là muốn đồng hành tối đa cùng các đối tác tài xế, giúp các tài xế phần nào ổn định cuộc sống, tránh được bẫy tín dụng đen”, ông Linh gợi ý.
Tương tự, đại diện Gojek cũng cho hay hãng này thường xuyên triển khai các chương trình phúc lợi nhằm hỗ trợ tài xế.
Chẳng hạn, với chương trình “Chạy 1 tuần, lãi 7% doanh thu”, dựa vào số ngày hoạt động, số chuyến hoàn thiện và hiệu suất trong vòng 1 tuần, các tài xế sẽ đạt được mức ưu đãi tương ứng. Với các tài xế có hiệu suất hoạt động tốt sẽ được hỗ trợ chi phí xăng dầu…
App có thị phần tha hồ thu vén
Theo ghi nhận của chúng tôi, các quán ăn uống từ nhỏ đến lớn đều liên kết với các ứng dụng như GrabFood, GoFood, BeFood và Baemin, ShoppeFood. Lợi ích của các app mang đến cho các quán là nguồn khách đặt qua mạng, shipper tới lấy hàng tận nơi và thanh toán trước.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Ngọc Luận – tổng giám đốc Công ty Liên kết thương mại toàn cầu (chuyên gia trong lĩnh vực F&B) – khuyến cáo rằng việc liên kết này chỉ có lợi trong thời gian ngắn ban đầu.
Khi chiếm lĩnh được thị phần, doanh nghiệp công nghệ từng bước làm nhiều cách để có lợi nhằm thu tiền, nhất là với các nhà hàng, quán ăn đã bị lệ thuộc vào app. “Khi đó, quán ăn phải chấp nhận cuộc chơi, vào app mới có khách hàng và duy trì khuyến mãi, còn không sẽ khó cạnh tranh”, ông Luận nói.
Cũng theo ông Luận, giá xăng dầu tăng cao là áp lực cho cả app, tài xế và khách hàng khi mọi chi phí rủ nhau tăng giá. Tuy nhiên, các app cần san sẻ, cân đối lợi nhuận ở mức vừa phải, thực hiện các chương trình giảm giá, hỗ trợ tài xế và khách hàng, điều này mang lại giá trị nhiều hơn về mặt thương hiệu cho hành trình lâu dài.
* Ông Tạ Long Hỷ (tổng giám đốc Vinasun):
Giá xăng tăng làm khó doanh nghiệp
Giá xăng tăng chắc chắn sẽ gây ra nhiều khó khăn cho doanh nghiệp vận tải, vận chuyển. Trong thời gian tới, những chi nhánh nào hoạt động không có lãi sẽ phải tạm đóng cửa để giảm áp lực tài chính.
Kế hoạch của hãng là thu hút được 500 lái xe nghỉ việc trở lại bằng chính sách hỗ trợ 1-3% doanh thu để bù giá xăng và tăng mức chia phần doanh số vượt định mức.
Đinh Phương
Theo Tuổi Trẻ