(Vtrend.vn) Với chính sách mới, chủ trọ có thể bị phạt đến 10 triệu đồng nếu thu tiền điện giá cao, nhiều sinh viên vẫn lo ngại vì chủ trọ có thể tăng tiền nhà, tiền nước, thậm chí là những khoản phụ phí chẳng mấy liên quan khi giữ mức điện giá nhà nước.
Ngày 20/5, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có buổi gặp gỡ công nhân các khu công nghiệp vùng Đồng bằng sông Hồng năm 2018. Tại buổi gặp gỡ, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam cũng như các địa phương khác, phối hợp tiến hành kiểm tra việc các nhà trọ cho công nhân thuê.
Theo đó, tại Điều 10 của Thông tư số 16/2014/TT-BCT ngày 29/5/2014 của Bộ Công Thương về việc hướng dẫn thực hiện giá bán điện đã quy định, trường hợp chủ nhà trọ đứng tên ký hợp đồng mua bán điện sẽ được cấp định mức hoặc áp 1 giá theo mức giá bán lẻ điện sinh hoạt của bậc 3 (nếu không xác định được số hộ). Chủ nhà trọ nào mà thu tiền điện của người thuê trọ cao hơn giá quy định sẽ bị xử phạt từ 7 – 10 triệu đồng.
Theo quy định về giá điện hiện nay, đối với một hộ gia đình thông thường, nếu chỉ sử dụng ít hơn hoặc bằng 100 kWh/tháng, giá điện sẽ là 1.600 đồng/kWh. Từ 101 – 400kWh, giá điện là 2.615 đồng/kWh. Sử dụng trên 400kWh sẽ có giá gần 2.702 đồng/kWh.
Tiền điện gần bằng một nửa tiền nhà
Hiện nay, ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, hầu hết những người thuê trọ (nhất là sinh viên) đều bị chủ trọ áp dụng giá bán lẻ điện sinh hoạt ở mức 3.500 – 4.000 đồng/kWh ngay từ những số điện đầu tiên, thậm chí cao hơn. Điển hình ở những địa bàn gần các trường đại học, chủ trọ sẵn sàng hét giá 4.500 – 5.000 đồng/kWh.
Thông thường với nhiều sinh viên, nhất là sinh viên năm nhất, do chưa tìm hiểu kỹ cộng thêm tâm lý “ngại” tìm nhà trọ đều sẵn lòng với mức giá “trên trời”. Thành thử, chi phí tiền điện mỗi tháng của một phòng trọ sinh viên (hai người) bằng một hộ gia đình (bốn người với nhiều thiết bị sử dụng điện).
Để kiểm soát việc dùng điện của mỗi phòng trọ, những hộp công – tơ điện đều được gắn bên ngoài mỗi phòng. Cứ cuối tháng, chủ nhà sẽ dựa vào công – tơ điện tổng và từng công – tơ điện cá nhân để tính khoản chênh lệch, sau đó nhân với mức giá đã niêm yết để thu tiền.
Nhưng có những tháng, giá điện bỗng dưng tăng “bất ngờ”. Minh Hiền (20 tuổi, trọ tại khu vực Thanh Xuân, Hà Nội) cho hay, những lúc như thế chủ trọ thường lý giải do công tơ điện nhảy “áp” nên giá tháng đó cao hơn, sang tháng sau sẽ “bù trừ”.
“Mình và em gái thuê trọ, ngoài tiền nhà gần 3 triệu mỗi tháng còn phải gánh thêm khoản tiền điện khá “chát”. Cô chủ bảo đây là giá điện “dịch vụ” chung rồi, tức là khu trọ nào cũng thế. Nếu không đồng ý mình có thể chuyển đi chỗ khác” – Hiền chia sẻ.
Không riêng gì ở Hà Nội, “kịch bản” giá dịch vụ chung cũng được các chủ trọ ở Sài Gòn áp dụng cho sinh viên và công nhân đi thuê nhà. Chị Hữu Duyên (nhân viên văn phòng) kể lại: “Hiện tại thì phòng chị thu với giá 3.000 đồng/kWh. Hồi trọ ở bên đường Kỳ Đồng (Tân Bình) chủ phòng trọ còn thu với giá 4.000 đồng/kWh. Phàn nàn thì bà chủ bảo là Nhà nước thu chứ bà ấy có thu đâu mà phàn nàn, với lại tiền điện lên thì tốn tiền bơm nước, nên tăng luôn tiền nước. Nói chung là chủ nhà thích tăng thì tăng thôi, mình không ý kiến được”.
Bạn Châu Mỹ Hạnh (công nhân khu công nghiệp Nhơn Trạch, Đồng Nai) cho biết, ở khu nhà trọ của bạn hiện tại thu tiền điện với mức giá 3.000 đồng/kWh. “Xung quanh đây các nhà trọ đều thu mức giá đó, rẻ nhất thì cũng 2.500/kWh. Người thuê trọ cũng ít khi phàn nàn vì chênh lệch có 500 đồng cũng không bao nhiêu. Mà cơ bản là nhà trọ nào cũng thu mức đó nên chấp nhận giá đó thôi” – Hạnh chia sẻ.
Hạnh nói thêm: “Chủ nhà trọ bảo họ mua đi bán lại, chứ có ăn lời đâu. Với lại tính tổng số điện của cả khu giá cao, dưới 100kWh và trên 100kWh là tính giá khác rồi nên họ tính giá trung bình thôi”.
Bạn K.T (Cựu sinh viên trường ĐH HUTECH) từng thuê một căn trọ nhỏ giá 2 triệu/tháng trên đường Nguyễn Kiệm (Quận Phú Nhuận) cho biết, vào những tháng nóng bức ở Sài Gòn, T. phải bật máy điều hòa suốt đêm để ngủ. Đến cuối tháng khi tính tiền thì phát hoảng với giá điện gần 1 triệu/ đồng.
Để tiền điện không trở thành nỗi ám ảnh của sinh viên, nhiều nhóm bạn chọn thuê nhà nguyên căn vì lúc đó họ sẽ được trả tiền điện, nước theo giá Nhà nước.
Nếu không tăng tiền điện, chủ trọ sẽ còn nhiều “chiêu thức” khác
Sau khi thông tin chủ trọ có thể bị phạt tiền đến 10 triệu đồng nếu thu tiền điện giá cao, nhiều bạn sinh viên, anh chị em công nhân khá “hí hửng”. Nếu có thể thu giá điện với mức Nhà nước đã niêm yết thì khoản tiền này có thể giảm đi đáng kể.
“Hiện tại thì phòng mình thu giá 3.500 đồng/kWh. Hôm qua mình có xem thông tin về việc chủ phòng trọ sẽ bị phạt 10 triệu nếu thu tiền điện giá cao hơn mức quy định. Để xem cuối tháng này bên phòng mình có giảm giá không, hay lại phép vua thua lệ làng” – Minh Tuấn (sinh viên ở TPHCM) cười bảo.
Nếu không thể đăng ký sống trong ký túc xá, sinh viên buộc phải thuê nhà bên ngoài với giá điện, nước khá cao. Ảnh: Minh Nhân
Bên cạnh đó, nhiều người lo ngại về việc chủ trọ sẽ sử dụng nhiều chiêu thức “bóc lột” khác để thu tiền của sinh viên. Nếu không được phép tăng tiền điện, họ sẽ nâng giá phòng hoặc giá nước, thậm chí sẽ phát sinh những khoản phí “đâu đâu” để bù lỗ.
“Dù sao thì đây vẫn là “sân chơi” của chủ trọ, luật của họ. Nếu tiền điện giảm thì tiền phòng lại tăng, tiền nước lại lên, chốc chốc tiền rác “bay cao” một ít, rồi lại phát sinh thêm phí gửi xe… Suy cho cùng thì chủ trọ vẫn có đủ cách để không bị phạt mà sinh viên vẫn phải chịu mức giá trên trời” – Khánh Linh (SV Ngoại Thương Hà Nội) chia sẻ.
Cùng quan điểm với Khánh Linh, Anh Tuấn (SV Đại học Bách Khoa Hà Nội) than thở: “Tiền phòng đã đắt lại còn thêm tiền điện tận 5.000 đồng/kWh, nước 100 nghìn đồng/người. Nếu giờ giá điện giảm chắc tiền phòng sẽ tăng thêm “đôi chút” để các bác chủ nhà không bị thiệt”.
Chủ nhà trọ: “Vậy tiền điện cầu thang, máy bơm, tiền điện chung… ai chịu?”
Lý giải về mức giá điện khá cao đối với sinh viên, công nhân đi thuê nhà, các chủ trọ đều có chung một câu trả lời. Họ cho rằng phải thu tiền điện cao hơn mức thực tế để bù lỗ cho khoản đầu tư xây nhà. “Sao không nghĩ chúng tôi phải vay lãi ngân hàng để xây dựng nhà cho các bạn thuê. Nếu giờ thu mức giá như thường thì không biết đến khi nào chúng tôi mới trả xong nợ. Hơn nữa, chúng tôi chỉ thu tiền điện theo mức công tơ điện mỗi phòng, vậy tiền điện cầu thang, tiền điện chung, tiền máy bơm,… ai chịu?” – cô Lan (Hà Nội) giãi bày.
Anh Long (chủ dãy trọ ở quận 6 – TPHCM) cũng cho biết: “Bên mình thu tiền điện theo giá trung bình của nhà trọ, bây giờ nhà trọ nào cũng thu mức 3.000 – 3.500 đồng/kWh. Chủ nhà trọ phải đăng ký kinh doanh nhà trọ thì mới được tính giá hỗ trợ cho người thuê trọ, còn bình thường thì các chủ nhà trọ chỉ thu theo giá trung bình thôi”.
Nhiều chủ trọ khẳng định, việc họ thu tiền điện mức giá cao hơn so với giá dân là do đã có “niêm yết” giữa các khu trọ với nhau. Một dãy đã thu 3.500 đồng/kWh thì dãy khác hoặc là thu bằng giá, không thì phải cao hơn chứ không có đường “rút lui”.
“Từ dãy nhà này qua dãy khác đều cùng một mức tiền điện, giờ mình giảm đi thì còn ai thuê trọ nữa. Còn nếu muốn thu giá điện rẻ thì có thể nhờ ngành điện lực đến lắp công tơ điện cho các phòng rồi tự thu tiền điện của sinh viên. Chủ trọ chúng tôi khỏi phải dính líu đến chuyện tiền điện. Nếu bây giờ đề ra mức phạt 10.000 triệu đồng thì chúng tôi cũng không biết xoay xở như nào, dẫu sao cũng là chuyện kinh doanh lâu dài” – chú Hùng (quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho hay.
Theo Kenh14.vn
Minh Xuân