(Vtrend.vn) Cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung sẽ ảnh hưởng rất lớn đến VN. Bởi khi bị Mỹ áp thuế cao đối với hàng hóa, Trung Quốc sẽ xả hàng sang các nước khác, trong đó có VN. Sức ép hàng Trung sẽ rất lớn.
“Cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung chính thức diễn ra cách đây 1 ngày. Thực tế, là doanh nghiệp sản xuất trong nước, chúng tôi thực sự hoang mang. Vì hàng Trung Quốc sẽ tấn công thị trường chúng ta.
Nguy cơ hàng chục nghìn, thậm chí hàng trăm nghìn doanh nghiệp sẽ tạm ngừng sản xuất, người lao động mất việc khi hàng Trung Quốc phá giá vào VN”.
Trao đổi với Tuổi trẻ chiều 7-7, ông Đỗ Phương An, giám đốc công ty sản xuất thương mại kết cấu thép Hà Dương (Hà Nội) lo ngại.
Từ ngày 6-7, thuế nhập khẩu 25% của Mỹ lên số hàng hóa trị giá 34 tỉ USD của Trung Quốc chính thức có hiệu lực, báo hiệu cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới bắt đầu.
Phía Trung Quốc nhanh chóng trả đũa bằng gói thuế quan 25% tương tự nhằm vào 545 hàng Mỹ – từ ô tô tới nông phẩm, cũng trị giá 34 tỉ USD.
Hàng Trung Quốc sẽ tấn công VN
Ông An dẫn chứng năm 2015, thép Trung Quốc đã tràn sang VN khi họ tồn kho mặt hàng này. Có thời điểm giá thép Trung Quốc nhập về chỉ bằng 60-70% so với giá xuất kho của doanh nghiệp sản xuất trong nước. Hàng loạt doanh nghiệp sản xuất thép trong nước điêu đứng.
Đồng tình quan điểm này, TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng, lo ngại Trung Quốc phá giá nhân dân tệ đến nay hơn 3% đối với đồng USD nhằm đẩy mạnh xuất khẩu.
Ông Hiếu chỉ ra là hàng triệu nông dân VN sẽ bị thua thiệt, vì thị trường xuất khẩu chủ yếu của nông sản của VN là Trung Quốc. Giá trị hàng xuất khẩu là rau quả, cao su,… xuất sang Trung Quốc sẽ thu được giá trị thấp hơn.
Dưới góc độ doanh nghiệp xuất khẩu, ông Lương Văn Thư, Tổng giám đốc, kiêm chủ tịch Hội đồng quản trị công ty May Đáp Cầu (Bắc Ninh) cho biết khi Mỹ áp thuế cao hàng của Trung Quốc thì Trung Quốc phải đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường khác, trong đó có VN.
Để đẩy mạnh xuất khẩu, giảm giá hàng hóa, Trung Quốc đã phá giá đồng nhân dân tệ. Như vậy, doanh nghiệp xuất khẩu của VN đang nhập khẩu 70-80% nguyên liệu từ Trung Quốc như dệt may, da giày… sẽ được hưởng lợi chứ không bất lợi. Do đó, hàng VN xuất sang Mỹ sẽ có giá cạnh tranh hơn.
Song, cũng theo ông Thư, cái lợi của doanh nghiệp xuất khẩu trong nước thu được không đáng kể mà các công ty trung gian Hàn Quốc – đối tác xuất khẩu hàng dệt may của VN vào Mỹ sẽ hưởng phần lớn.
Cẩn thận không bị hàng Trung Quốc giả xuất xứ
Mặt khác, cũng theo ông Hiếu, Trung Quốc có thể lấy VN là nơi trung chuyển để ‘tuồn’ hàng Trung Quốc sang Mỹ, né áp thuế cao.
Thực tế, có tình trạng hàng Trung Quốc đã lợi dụng chính sách ưu đãi thuế của VN với một số đối tác thương mại mà đã chuyển hàng Trung Quốc sang nước ta rồi xuất đi. Do đó, cơ quan chức năng phải có những giải pháp ngăn chặn tình trạng này. Đặc biệt là các doanh nghiệp VN phải tỉnh táo, tránh để bị lợi dụng.
“Nếu chúng ra không kiểm soát tốt, để tình trạng này xảy ra, phía Mỹ sẽ trừng phạt, áp thuế, thậm chí không nhập hàng hóa từ VN. Khi đó, doanh nghiệp và người dân VN sẽ chịu ảnh hưởng, thiệt thòi”, ông Hiếu khuyến cáo.
TS Đinh Tuấn Minh, chuyên gia kinh tế, cho biết bùng nổ cuộc chiến thương mại này tác động đến kinh tế toàn cầu. VN đã hội nhập rất sâu rộng vào kinh tế toàn cầu và là đối tác thương mại của cả Mỹ và Trung Quốc. Nên việc kinh tế VN bị ảnh hưởng là chắc chắn.
Trung Quốc sẽ bán tháo hàng sang nhưng thị trường mà có sự bảo hộ không được tốt như VN. VN có thể là nơi mà Trung Quốc bán phá giá hàng hóa… Diễn biến sẽ rất khó lường.
Để bị tác động tiêu cực mức thấp nhất từ cuộc chiến này, Chính phủ, cơ quan chức năng của VN phải theo dõi sát sao và có những kịch bản với những phương án đối phó.
Để tránh tác động xấu đến doanh nghiệp sản xuất trong nước, ổn định kinh tế vĩ mô, theo ông Hiếu, chúng ta có thể xem xét phá giá đồng nội tệ cả năm khoảng 3% để bù trừ cho đồng nhân dân tệ phá giá đối với đồng USD.
Ước tính từ đầu năm đến nay, đồng VND phá giá 1% so với USD. Như năm 2015, chúng ta đã phải phá giá đồng VND khi Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ.
Tuấn Kiệt
Theo Vnexpress