(Vtrend.vn) Trong thời kỳ đầu của báo chí quốc ngữ Việt Nam, phụ nữ tham gia chưa nhiều nhưng lại có vai trò không hề nhỏ. Lịch sử báo chí nước ta trang trọng ghi nhận tên tuổi, sự nghiệp một nữ chủ bút nổi tiếng cùng quá trình tồn tại, giá trị to lớn của tờ báo phụ nữ Việt Nam đầu tiên.
Bà Sương Nguyệt Anh tên thật là Nguyễn Ngọc Khuê (có nơi ghi là Nguyễn Xuân Khuê hay Nguyễn Xuân Hạnh), sinh ngày 8/3/1864 tại Ba Tri (Bến Tre). Bà là con gái thứ tư của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu và được sinh ra vào thời kỳ nhà thơ về Bến Tre nương mình “cho tròn phận tóc da” trong những ngày chạy giặc. Lớn lên giữa cảnh đất nước đang rên xiết dưới gót quân thù; bên người cha – nhà thơ, chí sĩ tài năng, giàu khí tiết, suốt đời cùng ngọn bút không mệt mỏi đấu tranh vì nhân đạo, vì tự do và người mẹ hiền thục, tảo tần, bà sớm thừa hưởng được chí cha, đức mẹ, có bản lĩnh hơn người và luôn nuôi ước vọng tạo nên “một sự nghiệp”. Từ nhỏ đã nổi danh tài sắc nhưng bước vào đời, bà không gặp may mắn. Lấy chồng năm 24 tuổi, được mấy năm thì chồng chết, bà ở vậy nuôi con gái. Lúc này cha mẹ đều đã qua đời, cảnh ngộ cô đơn lại càng thêm neo đơn, người góa phụ Ngọc Khuê điểm thêm một chữ “Sương” trước tên hiệu “Nguyệt Anh” là vì thế!…
Sương Nguyệt Anh đã toan an bài với số phận, không màng tới thế sự, nhưng tài năng, nhiệt huyết của bản thân cùng cảnh đời đau thương mà sôi động lại chẳng thể làm bà dửng dưng. Những năm đầu thế kỷ XX, khi Phan Bội Châu phát động phong trào “Đông du” bà nhiệt tình hưởng ứng, bán cả đất vườn lấy tiền gửi giúp du học sinh. Phong trào bị đàn áp rồi thất bại, bà vẫn không nản lòng, tiếp tục tìm mọi cách góp sức mình vào công cuộc cứu nước…
Năm 1917, được một nhóm chí sĩ ái quốc mời ra làm chủ bút tờ báo Nữ giới chung (Tiếng chuông của nữ giới) – tờ báo đầu tiên của phụ nữ Việt Nam, bà vui vẻ nhận lời. Tòa soạn báo đặt tại số nhà 15 đường Taberd, Sài Gòn (nay là đường Nguyễn Du, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh). Ngày 1/2/1918, tờ báo ra số đầu tiên và bà chính thức trở thành nữ chủ bút đầu tiên trong lịch sử Việt Nam. Báo phát hành định kỳ vào ngày thứ Sáu hàng tuần, in typô, khuôn khổ 41 x 29 cm, với 18 trang nội dung và 8 trang quảng cáo, giá bán mỗi số là 40 xu. Báo có các chuyên mục là phần xã thuyết, phần văn nghệ, phần dạy gia chánh, phần học nghề, cùng các trang cách ngôn, lời hay ý đẹp và mẹ con nói chuyện.
Có thể nói, Nữ giới chung là tờ báo đầu tiên ở nước ta chú trọng đến việc dạy nữ công, đức hạnh phụ nữ và phê phán luật lệ khắt khe đối với nữ giới thời đó, đồng thời chủ trương đấu tranh mạnh mẽ cho vấn đề bình đẳng nam – nữ (thể hiện ngay từ các câu thơ khẳng định tôn chỉ của tờ báo: Vang lừng nữ giới những hồi chuông/ Thúc bạn quần thoa thoát cửa buồng…). Suốt hơn hai chục số báo, bà dành trọn cả tâm huyết và tài năng của mình để góp phần chấn hưng tinh thần nữ giới nước nhà. Bà chẳng những có vai trò rất lớn trong việc làm thức tỉnh và cổ vũ các độc giả nữ trước thời thế mới, mà còn làm đa dạng, phong phú, hoàn thiện thêm nền báo chí non trẻ của Việt Nam khi đó, đồng thời tạo tiền đề tốt cho hàng loạt báo chí về phụ nữ sau này xuất hiện như Phụ nữ tân văn, Phụ nữ thời đàm… Đến tháng 7/1918, tờ Nữ giới chung phải đình bản, bà lại về Ba Tri, theo gương cha ngày trước – dạy học, bốc thuốc và sáng tác thơ văn cho tới ngày tạ thế (9/1/1922).
Bằng tất cả tài năng, tâm huyết, suốt đời phấn đấu vì sự nghiệp chung, Sương Nguyệt Anh đã để lại trong tâm trí người Việt Nam hình ảnh đẹp về một nữ chủ bút đầu tiên, một nhà báo, nhà thơ đa tài và một người tiên phong trong công cuộc đấu tranh vì quyền lợi, địa vị của phụ nữ nước ta. Ngày nay, tên bà được đặt cho nhiều đường phố, trường học, hội bút, câu lạc bộ… với niềm trân trọng, tự hào sâu sắc.
Theo Kiểm sát