(Vtrend.vn) “Trong hoạt động của hiệp hội hiện nay, chúng tôi rất bận rộn khi phải tiếp các đoàn từ các quốc gia, đặc biệt 2 vùng quốc gia rất quan tâm đến Việt Nam, là châu Âu và Mỹ. Họ đang chuyển dịch dần các đặt hàng từ bên Trung Quốc sang Việt Nam”.
Cơ hội thành nhà cung cấp cho Walmart, IKEA
Ông Hồ Đức Lam là Chủ tịch HĐQT Nhựa Rạng Đông, đồng thời là Chủ tịch Hiệp hội Nhựa Việt Nam. Là người trong nghề nên ông Lam đã cảm nhận được những ảnh hưởng của chiến tranh thương mại Mỹ – Trung đến doanh nghiệp Việt dù “về mặt con số chưa thể hiện nhiều”.
“Trong hoạt động của hiệp hội hiện nay, chúng tôi rất bận rộn khi phải tiếp các đoàn từ các quốc gia, đặc biệt 2 vùng quốc gia rất quan tâm đến Việt Nam, là châu Âu và Mỹ. Họ đang chuyển dịch dần các đặt hàng từ bên Trung Quốc sang Việt Nam”, ông Lam chia sẻ tại Hội thảo “Chiến tranh thương mại: Tương lai doanh nghiệp sản xuất?” do Thời báo Kinh tế Sài Gòn phối hợp cùng Công ty TNHH Bluescope Steel Việt Nam tổ chức ngày 23/11 tại TPHCM.
Ông Lam cho biết, nhiều công ty đa quốc gia như Walmart, IKEA phải đi gia công các sản phẩm để cung cấp cho các hệ thống bán lẻ của họ. Trước đây các tập đoàn này vốn đặt hàng gia công ở Trung Quốc, nhưng theo ông, “trong cuộc chiến thương mại này họ nhìn thấy nó không ngắn hạn, mà nó là dài hạn, và chắc chắn sẽ ảnh hưởng lâu dài”. Kết quả là sự chuyển dịch sang các nước khác, trong đó có Việt Nam.
Ông Hồ Đức Lam chia sẻ tại sự kiện
Nhận định đang có các nhu cầu về nhà cung cấp “chuyển dịch dần sang Việt Nam rất nhiều”, nhưng chủ tịch Hiệp hội nhựa Việt Nam cũng nói thêm: “Tuy nhiên, hiện nay không nhiều doanh nghiệp Việt Nam có thể đáp ứng được các yêu cầu của họ”.
Theo ông Lam, các tập đoàn kể trên có yêu cầu về mặt kỹ thuật, từ khâu thiết kế đến sản phẩm cuối cùng rất chặt chẽ.
“Theo như thống kê, hiện nay các tập đoàn lớn đánh giá Việt Nam chưa chuẩn bị tốt cho điều này. Chúng ta thấy cơ hội rất lớn nhưng phải có chuẩn bị cho chu đáo, vì khi làm cho các tập đoàn như vậy thì cần cam kết rất chặt chẽ. Chúng tôi phải làm sao được bắt kịp cơ hội, nâng cấp, cải tạo cách quản trị, hoạt động của mình thì mới có thể đáp ứng được”, ông Hồ Đức Lam nhìn nhận.
Ngoài ra, dù hiện tại chưa có nhiều thay đổi trong con số thống kê về sự chuyển dịch này, ông Lam nhấn mạnh việc thay đổi nhà cung cấp cần có một độ “trễ” nhất định, khoảng từ 1 – 2 năm. “Chưa có con số ảnh hưởng nhưng 2 năm nữa nó sẽ ảnh hưởng rất nhiều”, ông Lam dự đoán.
Nguy cơ hàng Trung Quốc dán nhãn “made in Vietnam” để né thuế của Mỹ
Một thách thức với ngành nhựa mà ông Lam chỉ ra, là việc các doanh nghiệp Trung Quốc đưa hàng hóa vào Việt Nam hoặc “thông qua” Việt Nam để xuất khẩu.
“Hiện nay hàng hóa Trung Quốc xuất qua Mỹ bị đắt hơn, các doanh nghiệp Trung Quốc tìm cách đẩy mạnh xuất khẩu qua các thị trường khác, trong đó có Việt Nam, khiến sức ép hàng Trung Quốc trở nên ‘khủng khiếp’ đối với thị trường Việt Nam”, bài trình bày của ông Lam ghi.
Ngoài ra, ông Lam dẫn tin tên tờ South China Morning Post cho hay, giới chức tỉnh Quảng Tây hiện đang thúc đẩy ý tưởng hình thành các “khu vực phát triển kinh tế biên mậu”, nơi các nhà xuất khẩu Trung Quốc có thể lắp ráp sản phẩm và dán nhãn “made in Vietnam” để né thuế của Mỹ.
Ông Hồ Đức Lam nói: “Việc các doanh nghiệp Trung Quốc làm biên mậu ở biên giới đã có hàng chục năm nay rồi chứ không phải bây giờ. Nhưng trước đây các doanh nghiệp người ta tự phát thôi”.
Còn hiện nay, theo ông Lam, “họ đặt hẳn chương trình như thế này, họ sẽ sản xuất tại các biên giới với Việt Nam, và không chỉ Việt Nam mà gần như tất cả các quốc gia có biên giới với Trung Quốc đều bị ảnh hưởng”.
“Họ không đưa hẳn cả chuỗi sản xuất vào Việt Nam và các nước đang phát triển, mà họ chỉ đưa phần cuối, tức 1/3 chuỗi sản xuất”, ông Lam nói. Chủ tịch Hiệp hội Nhựa Việt Nam nhận định đây là một thách thức rất lớn đối với doanh nghiệp trong nước.
Các “khu vực phát triển kinh tế biên mậu” là nơi các nhà xuất khẩu Trung Quốc có thể lắp ráp sản phẩm và dán nhãn “made in Vietnam” để né thuế của Hoa Kỳ. Ảnh minh họa.
Và trên hết, những thách thức trên sẽ ngày càng “gay go” hơn khi mà các doanh nghiệp nhựa trong nước vẫn “70% là doanh nghiệp vừa và nhỏ, và rất nhỏ, sức cạnh tranh yếu và chưa liên kết lại với nhau để tạo ra sức mạnh”, theo lời ông Lam.
“Đây là điểm yếu rất lớn của các doanh nghiệp nhựa Việt Nam”, ông Lam nói.
“Doanh nghiệp nên coi đây là một cơ hội để thay đổi thay vì cơ hội để kiếm chác”
Về cơ chế cơ bản của các tác động đến doanh nghiệp Việt thuộc ngành hàng nói chung, bà Nguyễn Thị Thu Trang – Giám đốc trung tâm WTO và hội nhập, VCCI đưa ra những dự đoán như sau:
Cơ hội: Cơ hội thị trường (như cơ hội thị trường ở Mỹ khi hàng Trung Quốc giảm năng lực cạnh tranh về giá ở thị trường Mỹ do bị áp thuế), cơ hội đầu tư (như cơ hội thu hút chuyển dịch đầu tư từ Trung Quốc)
Thách thức: Như chuyển hướng thương mại dẫn đến việc cạnh tranh ở thị trường trong nước, hay thách thức từ việc chuyển dịch đầu tư (với nguy cơ như “chuyển dịch giả mạo”, “gian lận thương mại”…)
Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS Trần Đình Thiên – Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, nhận định Việt Nam sẽ chịu “tác động mạnh, rất mạnh do Mỹ – Trung là 2 đối tác thương mại lớn nhất của VN ở cả 2 chiều (xuất siêu lớn sang Mỹ, nhập siêu lớn từ Trung Quốc, kèm theo đó là 30 tỷ USD hàng hóa tiểu ngạch, buôn lậu”.
PGS.TS Trần Đình Thiên nhận định về tác động đối với doanh nghiệp Việt: “Lợi hại đều có cả. Ngắn hạn có thể tốt, bây giờ đầu tư của các nước dồn về Việt Nam khá nhộn nhịp. Nhưng mà tôi xin nói, không có cái gì là “ngon” cả. Vấn đề là ông có năng lực để hưởng thụ dòng đầu tư, ông có biết chọn lựa dòng đầu tư, ông có tận dụng được không”.
Và vị chuyên gia kinh tế này cũng nhận định tương tự với cơ hội xuất khẩu hàng sang Mỹ của hàng Việt: “Đầu ra với Mỹ cũng vậy, chúng ta có thay được Trung Quốc không, cái đấy tùy thuộc vào năng lực của chúng ta”.
Trên thực tế, về phía riêng ngành nhựa, bên cạnh những giải pháp ngắn hạn như kiểm soát hàng hóa từ phía biên giới với Trung Quốc, ông Hồ Đức Lam cũng nhấn mạnh về việc doanh nghiệp phải gia tăng sức cạnh tranh như một định hướng dài hạn.
“Xây dựng doanh nghiệp có sự liên kết với nhau, và có hệ thống quản trị, sản xuất làm sao đáp ứng được yêu cầu của các tập đoàn lớn, Khi họ vào họ yêu cầu mà ta không đáp ứng được thì gần như chúng ta mất cơ hội này”, ông Lam nói.
PGS.TS Trần Đình Thiên tại hội thảo
Có mặt tại sự kiện, ông Võ Minh Nhựt – Tổng giám đốc BlueScope Việt Nam – đại diện doanh nghiệp trong lĩnh vực thép, cũng cho hay với bối cảnh kinh tế phức tạp, với chu kỳ kinh tế thay đổi rất nhanh như hiện nay, các doanh nghiệp nên xem xét kỹ lưỡng chiến lược kinh danh, thay vì nhìn vào những lợi ích ngắn hạn trước mắt.
“Để phát triển bền vững thì tạo ra giá trị thật sự cho khách hàng, hoặc là một phân khúc nhất định nào đó để thỏa mãn khách hàng của mình, đầu tư nhiều hơn vào R&D để nghiên cứu những sản phẩm mới, đi vào phân khúc mới làm gia tăng nhu cầu”, ông Nhựt nói.
Bên cạnh đó, PGS.TS Trần Đình Thiên ví việc đối phó với những tác động từ chiến tranh thương mại như “trò chơi đi trên dây”, và ông khuyên các doanh nghiệp, “nên coi đó là một cơ hội để thay đổi thay vì cơ hội để kiếm chác” từ những lợi ích ngắn hạn trước mắt.
Bà Nguyễn Thị Thu Trang – VCCI cũng đồng tình: “Có một điểm là dĩ bất biến ứng vạn biến. Đó là năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp càng tốt thì trong mọi trường hợp đều có thể tận dụng được tốt nhất cơ hội. Và nếu có khó khăn thì cũng có thể vượt qua được”.
Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, đến thời điểm hiện tại, với quy mô áp thuế đối với lượng hàng hóa trị giá 50 tỉ đô la Mỹ của mỗi nước thì tác động tới Việt Nam là tương đối nhỏ do phạm vi các biện pháp hiện nay còn hạn chế, diện mặt hàng chịu tác động chưa nhiều. Trong tương lai gần nếu trường hợp chiến tranh thương mại leo thang, phạm vi thuế quan mở rộng ra toàn bộ kim ngạch song phương giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ thì tác động tới kinh tế Việt Nam trở nên khá lớn.
Hội thảo “Chiến tranh thương mại: Tương lai doanh nghiệp sản xuất?” nhằm cập nhật và phân tích những tác động của chiến tranh thương mại đến doanh nghiệp nói chung, đến doanh nghiệp sản xuất nói riêng, và thảo luận các biện pháp ứng phó của doanh nghiệp trong tình hình mới. Hội thảo do Thời báo Kinh tế Sài Gòn phối hợp cùng Công ty TNHH Bluescope Steel Việt Nam tổ chức, thu hút gần 300 doanh nghiệp sản xuất tại TPHCM tham dự và trao đổi.
Đinh Phương
Theo cafef.vn