(Vtrend.vn) Doanh nghiệp thiếu minh bạch, trình độ quản trị yếu, không có tài sản đảm bảo, khuôn khổ pháp luật chưa thât sự khơi nguồn cho đầu tư, ngân hàng chưa linh hoạt trong cho vay… là những nguyên nhân khiến doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) khó tiếp cận nguồn vốn vay.
Việt Nam mặc dù được xếp hạng thứ 29/190 quốc gia về chỉ số tiếp cận tín dụng, cùng với đó, năm 2017, DNNVV cũng chiếm 21% tổng dư nợ tín dụng. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, vẫn có đến 60% DNNVV chưa tiếp cận được nguồn vốn.
Đó là nhận định của ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại Diễn đàn “Giải pháp thúc đẩy các nguồn vốn cho DNNVV” do Báo Diễn đàn doanh nghiệptổ chức, chiều 7/8, tại Hà Nội.
Trách nhiệm của cả “3 nhà”
Tại diễn đàn này, một số giải pháp nhằm đẩy mạnh sự phát triển của doanh nghiệp, tăng khả năng tiếp cận nguồn vốn của DNVVN, đặc biệt là doanh nghiệp khởi nghiệp cũng được các chuyên gia bàn thảo, gợi ý.
Diễn đàn có sự tham gia của các chuyên gia kinh tế, chuyên gia tài chính, đại diện các tổ chức tín dụng, đại diện cộng đồng doanh nghiệp và các cơ quan báo chí truyền thông.
Phát biểu tại sự kiện, nhắc lại cuộc nghiên cứu cách đây 30 năm của nhóm nghiên cứu Việt kiều Mỹ về vấn đề phát triển DNNVV tại Việt Nam, ông Vũ Tiến Lộc cho biết: “Chúng tôi đã phát hiện ra ba vấn đề lớn nhất cho sự phát triển của DNNVV ở Việt Nam, thứ nhất là vốn, thứ hai là vốn và thứ ba là vốn”.Và sau 30 năm đổi mới, hiện nay, mặc dù được xếp hạng thứ 29/190 quốc gia về chỉ số tiếp cận tín dụng, nhưng đến thời điểm hiện tại, vẫn có đến 60% DNNVV chưa tiếp cận được nguồn vốn, ông Lộc nhấn mạnh.
Theo ông Lộc, đây là con số lớn, đặc biệt với doanh nghiệp khởi nghiệp, bởi doanh nghiệp khởi nghiệp đa phần là những người trẻ, sinh viên, họ không có tài sản, mà chỉ có ý tưởng kinh doanh, những đối tượng này rất cần bệ đỡ nguồn vốn từ hệ thống các ngân hàng.
Tại diễn đàn, bàn về nguyên nhân tại sao các DNVVN khó tiếp cận vốn đến thế, các diễn giả đã đưa ra nhiều lý giải
Theo Chủ tịch VCCI, để 60% DNNVV không tiếp cận được nguồn vốn, trách nhiệm thuộc về cả “ba nhà” – Nhà nước, nhà băng & các thiết chế tài chính và bản thân doanh nghiệp. Cụ thể, về phía Nhà nước, hiện còn nhiều khuôn khổ pháp luật chưa thật sự khơi nguồn cho đầu tư. Về phía các nhà băng và thiết chế tài chính, hiện còn thờ ơ. Còn về phía doanh nghiệp, điểm yếu lớn nhất là kém minh bạch trong quản trị khiến các tổ chức tín dụng không thể có niềm tin vào doanh nghiệp.
Đồng quan điểm với ông Vũ Tiến Lộc, TS. Nguyễn Thị Hiền – Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, mặc dù tạo ra gần 60% việc làm (chiếm 42,2% số lao động), 44,8% doanh thu, đóng góp khoảng 40% GDP, 33% giá trị sản lượng công nghiệp, 30% giá trị hàng hóa xuất khẩu, đóng góp 29,3% cho ngân sách nhà nước, tuy nhiên DNNVV vẫn gặp khó trong tiếp cận nguồn vốn.
“Việc thiếu minh bạch thông tin đã khiến doanh nghiệp khó tiếp cận vốn”, bà Hiền khẳng định. Bên cạnh đó là tính hiệu quả trong hoạt động của DNVVN chưa cao, xét về quy mô tỷ lệ thua lỗ của DNVVN và siêu nhỏ lớn hơn doanh nghiệp lớn, không có tài sản đảm bảo cũng là những “điểm trừ” khiến DNVVN khó tiếp cận nguồn tín dụng.
Gỡ nút thắt tiếp cận vốn
Trong bối cảnh phần lớn các DNVVN đang thiếu tài sản đảm bảo để thế chấp vay vốn ngân hàng, theo các chuyên gia, cần phải tạo điều kiện và mở ra các kênh huy động vốn khác cho doanh nghiệp.
Phát biểu tại diễn đàn, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, trong các hình thức tiếp cận vốn cho DNVVN, cần lưu ý cả những hình thức chưa được áp dụng thường xuyên, như: phát hành cổ phiếu, trái phiếu, cho vay tài chính… Theo đó, cần sớm ban hành và triển khai có hiệu quả các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật hỗ trợ DNVVN, đồng thời tăng cường vai trò của các hiệp hội doanh nghiệp trong việc hợp tác giữa các tổ chức tín dụng và các quỹ bảo lãnh tín dụng.
Theo ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch VCCI, bởi trách nhiệm thuộc về “ba nhà” nên giải pháp khơi thông nguồn vốn cũng là trách nhiệm của “ba nhà”. (Ảnh: TL) |
“Về phần mình, các doanh nghiệp cũng nên cải thiện tính minh bạch, công khai thông tin, sẵn sàng làm việc với các tổ chức tín dụng, quản trị doanh nghiệp và quản lý chiến lược, cũng như tài chính”, TS. Cấn Văn Lực nhấn mạnh.
Còn theo Chủ tịch VCCI, bởi trách nhiệm thuộc về “ba nhà” nên giải pháp khơi thông cũng là trách nhiệm của “ba nhà”.
“Để làm được, cần khắc phục những tồn tại, trong đó, Nhà nước cần cải cách mạnh mẽ hơn về khuôn khổ chính sách và pháp luật, tạo điều kiện cho vay trong thời đại 4.0, thúc đẩy khởi nghiệp. Đồng thời có chính sách thúc đẩy tương tác giữa doanh nghiệp và các tổ chức tài chính”, TS Vũ Tiến Lộc kiến nghị.
Về các ngân hàng, TS Vũ Tiến Lộc cho rằng, cần nỗ lực nhiều hơn trong việc đưa ra phương thức cho vay mới, những gói cho vay hướng đầu tư mạnh cho khởi nghiệp, cho nông nghiệp căn cứ vào ý tưởng và phương án kinh doanh.
“Tôi rất vui và khuyến khích nhiều ngân hàng đưa ra cách thức cho vay mới, thúc đẩy tài chính vi mô không dựa vào tài sản thế chấp, áp dụng thông tin giảm thiểu thủ tục… Có hình thức cho vay kiểu “may đo” chứ không phải “may sẵn”, Chủ tịch VCCI nhấn mạnh, đồng thời đề nghị khuyến khích cho vay theo chuỗi cung ứng. Ví dụ cho vay vốn dựa trên cây trồng vật nuôi của người nông dân, bằng chính cánh đồng của họ. Tức là căn cứ vào phương án kinh doanh, chứ nếu căn cứ vào nhà xưởng thì sẽ rất khó cho đầu tư vào nông nghiệp.
Bên cạnh đó, theo ông Lộc, các tổ chức tín dụng tài chính, các công ty bảo hiểm cần tương tác, bọc lót trong hướng tới hỗ trợ DNNVV.
Các giải pháp như tiếp tục quyết liệt cải thiện môi trường kinh doanh đầu tư, nhất là thủ tục thuế, hải quan, cấp phép, phá sản doanh nghiệp, kết cấu hạ tầng, logistics, hỗ trợ tiếp cận Cách mạng công nghiệp 4.0; phát triển cân bằng thị trường tài chính nhất là thị trường chứng khoán, trái phiếu, tài chính vi mô, quỹ đầu tư…; tăng cường vai trò Hiệp hội DNNVV; tăng cường hợp tác quốc tế… cũng được các diễn giả nhắc đến để giúp DNVVN tháo gỡ nút thắt về vốn như hiện nay.
Theo baoquocte.vn
Minh Xuan.