Tiếp tục Chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ 2, sáng 9/1, Quốc hội tiến hành thảo luận về điều chỉnh kế hoạch vốn vay lại năm 2022 của các địa phương, bổ sung dự toán chi thường xuyên năm 2021 nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài và điều chỉnh dự toán kinh phí chưa sử dụng hết năm 2021 của Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan; Việc chuyển nguồn kinh phí công tác phòng, chống dịch COVID-19 năm 2021 của các địa phương sang niên độ ngân sách năm 2022.
Bộ Tài chính “gác cửa” chưa nghiêm?
Phiên họp sáng 9/1 của Quốc hội |
Phát biểu thảo luận, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) bày tỏ đồng tình với việc bổ sung dự toán ngân sách với lý do yêu cầu về nguồn viện trợ không hoàn lại để phòng chống dịch bệnh xuất phát từ điều kiện thực tiễn của đất nước.
Về điều chỉnh kế hoạch vốn vay lại năm 2022 của các địa phương, đại biểu đề nghị Chính phủ quan tâm nghiên cứu nguyên nhân có những địa phương vay dư vốn, phải trả lại, còn có những địa phương vay thiếu vốn.
Đồng thời, đại biểu cũng cho rằng, cần phân tích nguyên nhân lập dự toán không chuẩn, để có thể rút kinh nghiệm, đưa ra giải pháp khả thi, hữu hiệu cho tình trạng đầu tư cho vay, vay lại, trả lại vốn của các địa phương.
Bày tỏ nhất trí với các nội dung điều chỉnh kế hoạch vốn vay lại năm 2022 của các địa phương, bổ sung dự toán chi thường xuyên năm 2021 nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài và điều chỉnh dự toán kinh phí chưa sử dụng hết năm 2021 của Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) cho rằng, việc điều chỉnh và bổ sung này là cần thiết để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc hiện tại phù hợp với quy định của Luật Ngân sách nhà nước.
Tuy nhiên, về nội dung điều chỉnh vốn vay lại năm 2022 của các địa phương, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga còn băn khoăn về thời gian giải ngân.
Dẫn báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính, ngân sách nêu rõ “trường hợp được Quốc hội cho phép, đề nghị Chính phủ rà soát khẩn trương triển khai thực hiện để đảm bảo tính hiệu quả và khả năng giải ngân trong thời gian chỉnh lý ngân sách năm 2022 đúng quy định của pháp luật”, đại biểu cho rằng, thời gian chỉnh lý ngân sách hàng năm theo Thông tư số 85/2017 của Bộ Tài chính quy định kết thúc vào 31/1 năm sau.
“Như vậy, nếu hôm nay Quốc hội thông qua nghị quyết này thì chỉ còn 22 ngày nữa là hết 31/1/2023, trừ đi 6 ngày nghỉ cuối tuần và 7 ngày nghỉ Tết Nguyên đán, các địa phương chỉ còn 9 ngày nữa để giải ngân hết toàn bộ số vốn được điều chỉnh tăng dự toán, điều này theo tôi là khó khả thi. Nếu không kịp giải ngân thì mục tiêu của việc điều chỉnh là tạo điều kiện cho các địa phương thực hiện trả nợ sớm sẽ không thực hiện được”, đại biểu nói và đề nghị Quốc hội xem xét lại quy định về thời hạn giải ngân số vốn vay lại được điều chỉnh của các địa phương năm 2022.
Đặt câu hỏi với Bộ trưởng Bộ Tài chính việc điều chuyển nguồn chi thường xuyên để thực hiện chi đầu tư phát triển, đại biểu Tạ Văn Hạ (đoàn Quảng Nam) băn khoăn về lý do các dự án của Bộ Tài chính không có trong danh mục đầu tư công trung hạn mà phải sử dụng nguồn chi thường xuyên cho chi đầu tư phát triển.
Đại biểu cũng băn khoăn liệu việc điều chỉnh lần này đã đủ tiền để thực hiện các dự án đó chưa và các năm sau có tiến hành điều chỉnh tiếp.
“Đây có phải là hiện tượng lách luật không?”, đại biểu nói và cho rằng nhiệm vụ của Bộ Tài chính trong việc “gác cửa” chưa nghiêm, trong khi kỷ luật, kỷ cương tài chính vẫn là căn bệnh trầm kha đến bây giờ vẫn chưa giải quyết được. Từ đó, đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính quan tâm, báo cáo với Quốc hội về nguyên nhân của tình trạng này.
Bên cạnh đó, đại biểu Tạ Văn Hạ cũng băn khoăn về việc điều chuyển vốn vay của năm 2022 của các địa phương triển khai chậm, có địa phương như Bắc Kạn đề nghị từ tháng 4/2022; Phú Thọ đề nghị từ tháng 7/2022 nhưng công tác tổng hợp rất chậm.
Đặc biệt, việc chuyển nguồn kinh phí phòng, chống COVID cũng rất chậm; công tác lập kế hoạch của các địa phương nơi thừa, nơi thiếu… cho thấy công tác lập, thẩm định chưa có chất lượng cao, chưa sát với thực tiễn. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính giải trình thêm vấn đề này.
Không thiên vị với ngành Hải quan, ngành Thuế
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc giải trình tại phiên họp |
Phát biểu giải trình, làm rõ một số nội dung đại biểu Quốc hội nêu, Bộ trưởng Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, về vấn đề bổ sung vốn viện trợ nước ngoài chưa có trong dự toán mà thực tế những khoản này đã chi, những khoản viện trợ nước ngoài là những khoản viên trợ không có dự toán trước. Bởi, các tổ chức nước ngoài thường khi có những sự biến động nào đó thì họ mới tài trợ, những khoản tài trợ này thường là nhỏ lẻ, bất thường, không có dự định trước. Vì vậy, chúng ta bị động trong việc lập dự toán, mà phải căn cứ trên báo cáo của các bộ, ngành để thực hiện lập dự toán.
Bộ trưởng nhấn mạnh, trong các năm 2020, 2021, 2022, nguồn này chủ yếu là tài trợ, ủng hộ cho việc phòng, chống dịch bệnh COVID-19, các tổ chức quốc tế và các nước tài trợ thiết bị y tế, kít test, vaccine… Khi đó, tình hình hết sức cấp bách, đòi hỏi phải có phản ứng nhanh chóng, kịp thời; vì lợi ích nhân dân, để đảm bảo quyền lợi, sức khỏe, tính mạng của nhân dân, có lúc đã phải thực hiện từ trước, hoàn thiện thủ tục sau nhằm đáp ứng yêu cầu thực tế.
Về vấn đề điều chỉnh dự toán, Bộ trưởng cho biết, nếu đưa sang năm 2023 thì sẽ ảnh hưởng tới bội chi mà điều chỉnh dự toán này là để đảm bảo tổng dự toán mà Quốc hội đã xây dựng không thay đổi. Bên cạnh đó, chúng ta có chính sách vay và cho vay lại.
Vừa qua, có một số tỉnh triển khai không hết nguồn vốn, phải trả lại, một số tỉnh thiếu, cần thêm nguồn vốn. Trên cơ sở đề nghị của các tỉnh, Bộ Tài chính đã tổng hợp dữ liệu từ các tỉnh để đề xuất có sự điều chỉnh phù hợp, trình Quốc hội xem xét, quyết định để đảm bảo thuận lợi cho các tỉnh phát triển kinh tế – xã hội, xây dựng hạ tầng kỹ thuật… “Đây là việc rất tốt và hiệu quả”, Bộ trưởng khẳng định.
Trả lời câu hỏi về việc phân bổ dự toán là có sự ưu ái đối với ngành Hải quan, ngành Thuế hay không, Bộ trưởng cho biết, chế độ đặc thù của các bộ, ban ngành sẽ thay đổi theo chính sách tiền lương mới, nên việc điều chỉnh dự toán kinh phí chưa sử dụng hết năm 2021 của Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan không phải là sự thiên vị.
Bộ trưởng nêu rõ, Bộ chú trọng đảm bảo cơ sở vật chất để hiện đại hóa cơ sở vật chất ngành Thuế và ngành Hải quan; với những cơ sở vật chất thừa, không sử dụng đến, hai ngành này sẽ trả về địa phương để bố trí cho các cơ quan hành chính của địa phương.
Phát biểu kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo cơ quan thẩm tra phối hợp chặt chẽ với cơ quan soạn thảo và các cơ quan liên quan nghiên cứu các ý kiến phát biểu tại hội trường và tại tổ để tiếp thu, hoàn chỉnh dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội xem xét thông qua.
“Đề nghị Chính phủ nghiêm túc rút kinh nghiệm để tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong quản lý ngân sách nhà nước, nhất là các lĩnh vực về quản lý đối với các lĩnh vực cơ chế đặc thù, quản lý các nguồn vốn vay và viện trợ để đảm bảo các quy định về quản lý ngân sách về chuyển nguồn”, Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh./.