(Vtrend.vn) Lãnh đạo ngành nông nghiệp khẳng định, việc xã Dân Lý ngăn cấm người dân buôn bán thịt lợn là không đúng nên yêu cầu bãi bỏ.
Gần 10 ngày qua, các quầy buôn bán thịt lợn tại chợ Thiều (xã Dân Lý, Triệu Sơn Thanh Hóa) không có người mua, bán. Nguyên nhân là vào ngày 16/5, UBND xã Dân Lý ra thông báo về việc chống dịch tả lợn châu Phi. Trong đó, nghiêm cấm các hộ dân vận chuyển, kinh doanh lợn và các sản phẩm chế biến từ thịt lợn (trong địa bàn dân cư và chợ Thiều) ra vào địa bàn xã.
Tấm biển cấm bán thịt lợn được chính quyền cho treo trong chợ Thiều. Ảnh: Lê Hoàng. |
Các hộ giết mổ và kinh doanh sản phẩm từ thịt lợn phải ngừng hoạt động buôn bán tại chợ Thiều và bán lẻ tại các thôn kể từ ngày 16/5 cho đến khi hết dịch. Chính quyền xã chỉ đạo công an kiểm soát, nếu hộ nào vi phạm sẽ lập biên bản thu hồi để tiêu hủy và xử phạt theo quy định.
Việc chính quyền ra thông báo trên khiến tiểu thương và người dân bức xúc, nhiều người thất nghiệp, đàn lợn của nông dân không thể xuất chuồng. “Chúng tôi nghe đài báo thấy các nơi có dịch tả lợn châu Phi, người dân vẫn giết mổ, buôn bán bình thường, tại sao ở đây lại cấm”, chị Thanh thắc mắc.
Ông Bùi Văn Tỉnh, Phó chủ tịch UBND xã Dân Lý xác nhận, xã này ra văn bản cấm buôn bán giết mổ thịt lợn, nhưng lý giải “làm theo chỉ đạo của lãnh đạo huyện”.
Tuy nhiên, ông Lã Văn Lâm, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Triệu Sơn, lại khẳng định huyện chỉ đạo đúng nhưng xã lại hiểu sai. “Huyện chỉ đạo cấm giết mổ, bán thịt lợn không đúng quy định. Thế nhưng, xã lại hiểu sai, bỏ qua các chữ không đúng quy định dẫn đến thực hiện như vậy”, ông Lâm phân trần.
Ngày 25/5, ông Lê Đức Giang, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Thanh Hóa, cho biết đã cử đoàn công tác về xã Dân Lý xác minh việc chính quyền ra văn bản cấm dân giết mổ, buôn bán thịt lợn.
Đột ngột bị cấm giết mổ, kinh doanh thịt lợn khiến tiểu thương và người dân ở xã Dân Lý bức xúc. Ảnh: Lê Hoàng. |
Theo ông Giang, sau buổi làm việc với lãnh đạo huyện Triệu Sơn, kết quả cho thấy chính quyền xã “hiểu không đầy đủ và đọc không hết văn bản chỉ đạo” nên đã thực hiện sai cách chống dịch tả lợn châu Phi. “Chúng tôi đã chấn chỉnh, yêu cầu làm lại đúng quy định của Thủ tướng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và UBND tỉnh. Đoàn công tác cũng hướng dẫn cụ thể cho chính quyền xã hiểu rõ”, ông Giang thông tin.
Cụ thể, theo văn bản chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn ngày 20/3, thông báo Thủ tướng ngày 17/5 và chỉ đạo của UBND tỉnh Thanh Hóa thì không cấm hoàn toàn việc buôn bán thịt lợn cả trong và ngoài vùng dịch.
Việc buôn bán ở các chợ không cấm nếu lợn được kiểm tra, giám sát của cơ quan thú y xác định là âm tính với dịch tả châu Phi. Thịt và các sản phẩm từ lợn trong vùng dịch vẫn được tiêu thụ khi cơ sở giết mổ được cấp phép, đảm bảo vệ sinh thú y và có quy định rõ ràng về việc giết mổ. “Vì thế, việc địa phương nào cấm hoàn toàn tiêu thụ thịt lợn là không đúng”, ông Giang khẳng định.
Nhiều ngày qua, các sạp hàng buôn bán thịt lợn ở chợ Thiều không có người buôn bán. Ảnh: Lê Hoàng. |
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa, từ ngày 23/2 đến 19/5, dịch tả lợn châu Phi xuất hiện tại 123 xã thuộc 18 huyện, thành phố, phải tiêu hủy hơn 8.000 con, trọng lượng gần 530 tấn. Nguyên nhân là việc vận chuyển thức ăn chăn nuôi từ vùng có dịch vào Thanh Hóa, một số người lén lút vận chuyển trái phép lợn, sản phẩm từ lợn ở vùng dịch vào vùng chưa có dịch.
Tại huyện Triệu Sơn, dịch tả lợn châu Phi bùng phát từ ngày 16/5, đến nay đã lan rộng đến 19/36 xã. Huyện này đã phải tiêu hủy hơn 100 tấn lợn nhiễm bệnh.