(Vtrend.vn) Thời gian qua dù đã vươn lên vị trí lớn số 2 thế giới chỉ sau Mỹ, nền kinh tế Trung Quốc vẫn đang gặp nhiều vấn đề khó khăn từ bên trong.
Bài phát biểu của ông Xiang chỉ dài 25 phút. Nhưng các bình luận, nhận định do vị Giáo sư trường Tài chính thuộc Đại học Nhân dân (Trung Quốc) đưa ra có vẻ vẫn rất sâu lắng đến tận nay và sau này.
Nền kinh tế đang bị ảo hóa?
Trong đánh giá vĩ mô của mình, vị giáo sư này bàn về nền kinh tế đang tăng trưởng chậm lại của Trung Quốc, nạn đầu cơ và nợ cao, tác động tiêu cực từ cuộc chiến thương mại với Mỹ.
Phát biểu tại một hội thảo ở Trường Kinh doanh Nhân dân (Trung Quốc) vào cuối tháng 12/2018, ông Xiang nhận định: “Về cơ bản, kinh tế Trung Quốc được xây dựng dựa vào đầu cơ, và mọi thứ được bẩy lên quá mức”.
Ông Xiang nói tiếp: “Sự suy giảm của kinh tế Trung Quốc cho thấy có một vấn đề lớn trong việc tiếp tục tập trung vào mở rộng và tăng trưởng: Nó đã đi trệch điều căn bản và dịch chuyển sang hướng đầu cơ. Đây là lời của [cựu Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc] Zhou Xiaochuan”.
Ông Xiang bổ sung thêm: “Khởi đầu từ năm 2009, Trung Quốc bắt đầu hành trình một chiều này. Tỷ lệ đòn bẩy tài chính đã tăng vọt. Mức tỷ lệ đòn bẩy của chúng ta hiện nay gấp 3 lần con số của Mỹ và gấp đôi Nhật Bản. Mức nợ của các công ty phi tài chính là cao nhất trên thế giới, chưa nói tới mảng bất động sản”.
Hơn nữa, tình trạng xấu này xuất hiện vào thời điểm nền kinh tế Trung Quốc đang đi xuống khá nhanh. Hoạt động sản xuất suy giảm, mức tiêu dùng co ngót, và doanh thu bán xe ô tô mới khựng lại. Thị trường bất động sản cũng bị thu hẹp do các hạn chế tín dụng được thắt chặt hơn.
Bên cạnh đó, Học viện Công nghệ Thông tin và Truyền thông (Trung Quốc) thông báo mới đây rằng mức xuất khẩu smartphone (điện thoại thông minh) năm 2018 (của Trung Quốc) đã sụt giảm đi 15,5%.
Cuộc chiến thương mại với Mỹ làm trầm trọng thêm khó khăn
Giáo sư Xiang đặt câu hỏi: “Chúng ta thường nói về “thời kỳ cơ hội chiến lược để kinh tế Trung Quốc tăng trưởng”. Nhưng liệu thời kỳ này vẫn còn tồn tại? Nhìn vào tình hình quốc tế thì cá nhân tôi cho rằng thời kỳ đó đang mờ đi nhanh chóng”.
Trang web China Change đăng tải nhận định của chuyên gia kinh tế Xiang: “Cuộc chiến thương mại trên thực tế không còn là một cuộc chiến thương mại nữa mà đã trở thành một cuộc đụng độ giữa hai hệ thống giá trị đối lập. Có thể nói mộc cách chắc chắn rằng quan hệ Trung-Mỹ đã đi đến một giao lộ và đối diện với các thay đổi lịch sử. Chúng ta phải làm gì? Thành thực mà nói, tôi không cho rằng chúng ta đã thực sự tìm ra được nhiều giải pháp”.
Việc cài đặt lại mối “quan hệ” đó thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận sau khi vòng đàm phán thương mại mới nhất giữa Mỹ và Trung Quốc kết thúc ở Bắc Kinh.
Cuộc đàm phán cấp thứ trưởng này (bắt đầu vào hôm 7/1) là diễn biến đầu tiên kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đạt được một thỏa thuận đình chiến thương mại 90 ngày vào tháng 12/2018.
Không khí lạc quan đang tạm tăng lên từ cả phía Mỹ và Bộ Ngoại giao Trung Quốc. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Mỹ Ted McKinney nói với báo chí rằng đã có “một vài ngày tốt lành”. Còn phát ngôn viên Lục Khảng của Bộ Ngoại giao Trung Quốc thì thông báo về đàm phán thương mại Mỹ-Trung tại một buổi họp báo gần đây như sau: “Một kết quả tốt đẹp sẽ không chỉ có lợi cho cả Trung Quốc và Mỹ mà còn là tin tức tốt lành cho kinh tế thế giới”.
Nhưng với việc ít chi tiết được công bố về kết quả đàm phán, thì vẫn còn nhiều quan ngại về các vấn đề cốt lõi như các vi phạm tài sản trí tuệ, nạn ăn cắp thông tin thương mại của internet, và việc Mỹ gọi là sự trợ cấp của nhà nước Trung Quốc cho các ngành công nghiệp.
Do vậy mối lo ngại về nền kinh tế Trung Quốc là vẫn lớn. Nói như ông Xiang, quan hệ Mỹ-Trung đã bước tới ngã rẽ lớn và việc xử trí mối quan hệ này sẽ đòi hỏi không chỉ vài ba ngày là xong./.
Theo cafef.vn
Minh Xuan.