(Vtrend.vn) Các dự án điện than lớn một mặt bị chậm tiến độ do vướng mắc quy trình, một mặt gặp khó trong việc đảm bảo nguồn than hay hiện tượng El Nino sẽ tác động mạnh đến thuỷ điện là những yếu tố khiến cho việc cung cấp điện gặp khó khăn trong các năm tiếp theo.
VCBS cho biết một số đơn vị sản xuất điện trong thời gian qua gặp thuận lợi nhờ vào thời tiết – đối với thủy điện và giá dầu khí tăng mạnh – đối với nhà máy nhiệt điện khí. Bên cạnh đó, lượng tiêu thụ điện liên tục vượt đỉnh nên giá bán điện bình quân tăng mạnh giúp doanh thu của nhiều doanh nghiệp điện đạt tăng trưởng tốt trong năm 2018.
Nhưng đối với nhà máy nhiệt điện than lại không như vậy. Những nhà máy này đang gặp khó khăn về nguồn nguyên liệu. VCBS lý giải điều này bằng 2 nguyên nhân, gồm sản xuất vượt kế hoạch do nhu cầu thị trường cao và thiếu hụt nguồn cung than từ TKV.
Hiện giá than thế giới tăng và cao hơn than trong nước từ 5 – 10 USD/tấn khiến các doanh nghiệp dùng than như nguyên liệu đầu vào (điện, xi măng, hóa chất, thép) có xu hướng mua than của TKV nhiều hơn, khiến lượng tồn kho than TKV giảm, tác động đến nguồn cung than cho các nhà máy điện.
Nhiệt điện Quảng Ninh, Hải Phòng đang chịu tình trạng thiếu than nặng nề nhất. Nhiệt điện Quảng Ninh thậm chí đang phải tạm dừng 2 tổ máy.
Đối với năm 2019, VCBS cho rằng giá điện trong thời gian tới sẽ tăng do thiếu hụt nguồn cung và chi phí phát sinh cao. Nhu cầu điện của Việt Nam dự kiến trong năm 2019 sẽ là 214 tỷ kWh.
Trong khi đó, đối với thủy điện, tác động rõ rệt của El Nino dự kiến sẽ diễn ra vào giai đoạn 2019-2020 khiến cho điện từ nguồn cung này có thể bị giảm đáng kể trong tương lai.
Trong khi đó, các dự án nhiệt điện than, như đã nói ở trên, sẽ tiếp tục gặp khó khăn về nguồn cung, bên cạnh việc bị chậm tiến độ do nhiều vướng mắc về quy trình, thẩm định. Nhưng VCBS cũng chỉ rõ, nếu đảm bảo được nguyên liệu đầu vào, những nhà máy này có thể có triển vọng tích cực.
Chi phí nguyên liệu than và khí đầu vào theo đánh giá của VCBS nhiều khả năng sẽ còn tăng trong năm sau dẫn tới giá bán điện cũng tăng theo cơ chế pass – through. TKV cũng đang tính toán các phương án tăng lượng than nhập khẩu và pha trộn với than trong nước để đảm bảo sản lượng cho các nhà máy điện, dẫn đến giá than bình quân cũng sẽ tăng mạnh.
Về giá khí, để đảm bảo cân bằng thu chi tại lô 11.2 bể Nam Côn Sơn, chủ đầu tư tại lô này là PVN và tổ hợp các nhà thầu Hàn Quốc đã đề xuất tăng giá khí bán ra từ năm 2019. Nếu đề xuất này được thông qua, toàn bộ giá trị tăng thêm chêch lệch giữa giá khí mới và cũ sẽ được PV GAS chuyển qua cho EVN thông qua việc tăng giá bán khí đối với các nhà máy điện.
Trong năm 2019 cũng sẽ chứng kiến cơ hội phát triển của các năng lượng tái tạo. Từ tháng 11/2017 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 11 về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời với nhiều ưu đãi như miễn giảm thuế, giá mua điện mặt trời ở mức cao…
Mặc dù còn nhiều vấn đề liên quan đến điện mặt trời, nhưng trước tình trạng thiếu điện và nguồn nguyên liệu than, khí đang dần cạn kiện, các nguồn cung điện từ năng lượng tái tạo có xu hướng được khuyến khích hơn ở các năm tiếp theo.
Theo cafef.vn
Minh Xuan.