(Vtrend.vn) Vậy chúng ta cần làm gì để không bị “dắt mũi” theo đám đông? Câu trả lời chắc chắn là sự bình tĩnh, nghiên cứu, suy xét rõ ràng, không chạy theo những cổ phiếu “có mùi” bị làm giá.

Thấy những người xung quanh đều hưởng men say chiến thắng vì vào đúng sóng một cổ phiếu nào đó- bạn không chịu nổi áp lực của người lỡ tàu. Quyết tâm vác cả gia tài chạy theo con tàu đã rời ga, cả gia tài bị rớt.

Kính mời quý độc giả đọc bài viết Biết chạy theo đám đông là nguy hiểm, sao vẫn cứ chạy? của tác giả Đinh Thành Trung và đừng quên gửi bài dự thi của mình đến huongnguyenthithanh@vccorp.vn và hainguyenduc@vccorp.vn

***

Hẳn đã có lúc, bạn – một nhà đầu tư lâu năm phải thốt lên “tại sao chúng ta cứ chạy theo người khác?”. Đó có lẽ cũng là câu nói mà tôi hay nhiều nhà đâu tư khác phải suy nghĩ mỗi khi ra quyết định mua bán.

“Hãy tham lam khi người khác sợ hãi”. Phương châm của ông Buffett chưa chắc đã hoàn toàn đúng ở Việt Nam, khi giá trị cổ phiếu lên xuống thất thường và rất khó để nắm bắt hoàn toàn. Nhớ thời kỳ 2006-2007, cơn sốt chứng khoán lan đến tất cả các ngõ ngách của cuộc sống, rồi cơn sốt OTC, sốt cổ phiếu bất động sản… Tất cả những điều đó tạo thành một đám đông khổng lồ, kéo theo rất nhiều nhà đầu tư bỏ tiền ra làm thị trường chứng khoán lập đỉnh ấn tượng. Rồi đợt tăng điểm đầu năm cũng khiến chúng ta liên tưởng một phần đến sóng của hơn mười năm trước, dù mức độ không bằng.

Tâm lý đám đông nghe có vẻ đơn giản nhưng lại là một phạm trù rất khó nắm bắt. Chúng ta chạy theo đám đông hay chiến thắng đám đông? Câu trả lời chỉ có thể tìm thấy khi đã có kết quả lỗ hay lãi. Ở thị trường Việt Nam, khi mọi người vẫn còn mua theo tin đồn mà không chú ý đến độ tốt của cổ phiếu thì những hành vi thao túng giá vẫn sẽ có thể xảy ra.

Một ví dụ điển hình cho tâm lý bầy đàn ở thị trường chứng khoán chính là việc đón nhận một tin xấu nào đó. Dù cho tin đó không gây hậu quả nghiêm trọng nhưng nhà đầu tư vẫn tháo chạy. Gần đây, sự việc Tổng thống Mỹ tuyên bố Mỹ sẽ rút khỏi TPP khiến thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm mạnh, dù sau đó mọi người nhận ra sự việc không quá nghiêm trọng.

Thực tế ở Việt Nam, nếu ai đó “đẩy” được đám đông cùng đổ xô đi mua một cổ phiếu nào đó thì họ đã thành công đến 90% trong việc tạo sóng. Một ví dụ điển hình là các sóng nhóm cổ phiếu bất động sản hay cao su. Các cổ phiếu này thường là penny nên dễ bị đẩy giá hơn những blue chips. Chỉ cần một hay vài tin tốt tung ra là lập tức các “tay to” đổ dồn lệnh vào mua, cùng với đó những nhà đầu tư nhỏ lẻ thấy “tàu chạy” đã không ngần ngại “nhảy lên tàu”. Điều đó tạo ra cho cổ phiếu chuỗi tăng giá ấn tượng, và khi đó tất nhiên không ai mua được nữa.

Tôi đã chứng kiến, đã theo không ít sóng như thế. Chính vì việc tâm lý đám đông ở thị trường chứng khoán Việt Nam dễ điều khiển hơn ở các nước phát triển nên cứ mỗi khi có sóng thì phần thiệt hầu hết thuộc về nhà đầu tư cá nhân, nhà đầu tư nhỏ. Nó cũng giống như nguyên lý cân bằng nhiệt, có người lãi thì cũng phải có người lỗ. Trong vị thế của nhà đầu tư cá nhân, họ đã mất rất nhiều trong thời gian thị trường lao dốc, và nếu thị trường có ấm lại họ cũng không có lãi quá nhiều.

Lúc thắng to nhất cũng là lúc rủi ro nhất. Đó là lúc bạn không đề phòng do còn đang bận tận hưởng men say chiến thắng. Đó là năm 2009, khi nhiều mã cổ phiếu giảm một cách từ từ, chậm rãi, nhưng cũng có mã tăng ấn tượng, thể hiện sức mạnh đi ngược lại thị trường của một cổ phiếu tốt. Nhưng đó chỉ là vẻ bề ngoài. Lúc đó tôi là nhà đầu tư còn non kinh nghiệm, dù rất cẩn thận cũng không tránh khỏi những cám dỗ từ đám đông. Khi một cổ phiếu tăng lên nhanh chóng nhưng không trần liên tục mà cứ từ từ đi lên, khi nhìn những người xung quanh cứ nói với nhau về số lãi không ngừng tăng lên của họ. Khi nhiều người cùng quả quyết rằng họ sẽ trúng đậm rồi nói với mình rằng sao gà vậy, sao thiếu quyết đoán thế, tôi đã không chịu nổi cám dỗ đó. Tôi xuống gần hết tiền để mua mã đó và đúng một ngày sau, một màu đỏ luôn ở đó, không cho tôi cơ hội sửa sai. Tôi đã mất hết số tiền lãi tích lũy từng chút một, chỉ vì không chịu nổi áp lực đám đông.

Vậy chúng ta cần làm gì để không bị “dắt mũi” theo đám đông? Câu trả lời chắc chắn là sự bình tĩnh, nghiên cứu, suy xét rõ ràng, không chạy theo những cổ phiếu “có mùi” bị làm giá. Đó là điều cơ bản nhất mà chúng ta cần làm khi thấy một cổ phiếu nhỏ có dấu hiệu bị “đội lái” dẫn dắt. Tất nhiên, ta có thể chọn cách lên tàu trước khi giá được đẩy lên trấn, nhưng việc đó cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro và có thể đem lại kết quả xấu. Trên thực tế, có nhiều trường hợp cổ phiếu bị “đội lái” bỏ giữa chứng, hoặc bỏ ngay chỉ sau 1,2 ngày khiến những nhà đầu tư cùng lên tàu chỉ biết khóc. Có người vì lòng tham nên đã dùng đòn bẩy tài chính và gánh chịu kết cục xấu.

Tóm lại, khi đã ra quyết định đầu tư vào một cổ phiếu nào đó, chúng ta cần tìm hiểu kỹ cổ phiếu, cũng như xem xét nó có đáng để chúng ta mạo hiểm hay không, và hơn hết, hãy cẩn thận với thông tin có ai đó đang thao túng, đẩy giá cổ phiếu tăng nóng.

Theo cafef.vn
Minh Xuan.