(Vtrend.vn) CPTPP (Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương) không phải là mỏ vàng lộ thiên nhưng theo Thứ trưởng Trần Quốc Khánh, với hơn 20 năm hội nhập và cạnh tranh, không có lý do để bi quan, nhất là khi CPTPP có thêm 3 thị trường mới mà Việt Nam vẫn luôn xuất siêu.
Hiệp định thương mại được kỳ vọng nhất thời gian qua chính thức đi vào thực tiễn với chờ mong và cũng không ít băn khoăn. Thứ trưởng Công Thương Trần Quốc Khánh – Trưởng đoàn đàm phán CPTPP – có cuộc trao đổi với NDH.vn vấn đề này.
– Nhắc đến các FTA, trong đó có CPTPP, thì người ta vẫn nhìn thấy cả cơ hội và thách thức. Hỏi câu này thì có vẻ không khách quan nhưng ông thấy phần nào nhiều hơn và cụ thể là như thế nào?Trước đây ông từng nói TPP không là mỏ vàng nhưng chúng ta cũng đừng bi quan. CPTPP thì sao?
– Cơ hội và thách thức là 2 cụm từ được dùng để nói về khả năng xảy ra của một hoặc nhiều sự kiện. Chúng có xảy ra trên thực tế hay không phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, cả chủ quan và khách quan, trong đó yếu tố chủ quan đóng vai trò quan trọng. Nói một cách đơn giản, cơ hội hay thách thức, cái nào nhiều hơn sẽ phụ thuộc rất lớn vào năng lực nắm bắt cơ hội và vượt qua thách thức của chính chúng ta.
Xét về năng lực thì mỗi thời mỗi khác, mỗi ngành mỗi khác nên trước khi một FTA, bao gồm cả CPTPP, được đưa vào thực thi, rất khó để nói cơ hội sẽ nhiều hơn hay thách thức sẽ nhiều hơn. Tất cả chỉ là dự đoán chủ quan.
Tuy nhiên, nếu nhìn lại chặng đường hơn 20 năm đổi mới và hội nhập kinh tế quốc tế thì dường như Việt Nam đang nắm bắt được nhiều cơ hội hơn. Đơn cử, khi lần đầu hội nhập với ASEAN vào năm 1995, xuất khẩu của ta mới hơn 5 tỷ USD. Cuối năm 2006, khi kết thúc đàm phán gia nhập WTO, xuất khẩu đã là 40 tỷ USD, tăng hơn 7 lần so với năm 1995. Đến 2018, xuất khẩu đã lên tới 245 tỷ USD, gấp 45 lần năm 1995 và hơn 6 lần năm 2006.
Từ một nước nhập siêu kinh niên, ta đã chuyển sang xuất siêu từ năm 2012 và tới năm 2018 đã đạt giá trị xuất siêu trên 7 tỷ USD.
Dẫu đâu đó vẫn còn ý kiến chưa hài lòng, ví dụ như giá trị gia tăng chưa được như mong đợi, xuất khẩu còn phụ thuộc nhiều vào khối FDI hay một số mặt hàng còn quá phụ thuộc vào một vài thị trường… nhưng phải thừa nhận rằng năng lực xuất khẩu đã có sự phát triển vượt bậc sau hơn 20 năm hội nhập kinh tế quốc tế, với các FTA là một phần quan trọng của “cuộc chơi”.
CPTPP sẽ mang lại một số cơ hội bởi đây là lần đầu tiên Việt Nam có quan hệ FTA với Canada, Mexico và Peru. Tuy nhiên, như mọi FTA khác, CPTPP không phải là mỏ vàng lộ thiên. Đường đã thông nhưng xe có chạy được không và đi được bao xa còn tùy thuộc vào chất lượng xe và lượng xăng nhiều ít. Thị trường đã mở nhưng nếu không chủ động tìm hiểu, thâm nhập thì cũng không chiếm lĩnh được.
Thách thức cũng vậy. Với kinh nghiệm của hơn 20 năm hội nhập và cạnh tranh, xuất khẩu lại luôn tăng nhanh hơn nhập khẩu, thật sự không có lý do để bi quan với CPTPP, nhất là khi Canada, Mexico và Peru đều là những thị trường mà ta đang xuất siêu.
– Tương quan giữa CPTPP và TPP trước đây ra sao, vì rõ ràng nhìn định lượng thì với CPTPP sẽ có hiệu lực sắp tới, GDP Việt Nam tăng khoảng 1,3%, xuất khẩu tăng 4%, trong khi với TPP cũ thì 2 con số tương ứng sẽ là 6,7% và khoảng 15% đến năm 2030?
– Xét về đóng góp cho tăng trưởng xuất khẩu và GDP thì CPTPP không thể bằng TPP bởi CPTPP không có Mỹ, một thị trường có quy mô nhập khẩu lên tới gần 2.500 tỷ USD/năm.
CPTPP chỉ chiếm 13-14% thương mại cũng như GDP toàn cầu so với 30-40% của TPP nên động lực để các chuỗi cung ứng dịch chuyển về CPTPP cũng nhỏ đi. Lượng FDI đổ vào CPTPP sẽ không thể lớn như trường hợp của TPP bởi thiếu đi 1 trung tâm tiêu thụ lớn là Mỹ. Năng lực sản xuất mới được tạo ra ít hơn thì đóng góp cho GDP cũng sẽ ít hơn.
– Vậy theo ông, những ngành được lợi người ta vẫn nói nhiều đến dệt may, da giày ngoài ra còn … ?
– Trong 10 nước đối tác của CPTPP thì ta đã có FTA với 7 nước. CPTPP chỉ tạo ra 3 thị trường mới là Canada, Mexico và Peru. Đây không phải là những thị trường quá lớn nên khả năng đem lại đột phá cho xuất khẩu là tương đối nhỏ.
Từ trước tới nay, khi mở ra một thị trường mới, dệt may và da giày luôn là 2 ngành được hưởng lợi nhiều nhất. Tuy nhiên, với sự phát triển của năng lực tự thân trong những năm qua, dự kiến sẽ có thêm nhiều ngành được hưởng lợi từ mạng lưới FTA mà ta đã tạo ra, trong đó nổi bật là các ngành như chế biến gỗ, dụng cụ cơ khí, sản phẩm điện tử và điện gia dụng.
Cùng việc có quan hệ FTA với nhiều thị trường quan trọng như ASEAN, Trung Quốc, Nhật Bản, Liên bang Nga và sắp tới đây là EU, Việt Nam sẽ ở vào một vị trí rất đặc biệt. Các chuỗi cung ứng sẽ cân nhắc nghiêm túc việc dịch chuyển một phần của chuỗi sang Việt Nam và nếu điều đó xảy ra, ta sẽ chứng kiến sự ra đời của một loạt mặt hàng xuất khẩu mới.
– Cũng có người đặt ra tính “chuyên nghiệp” của CPTPP khi thiếu Mỹ, khi mà các nước thành viên thống nhất với nhau tạm hoãn thực thi một số nghĩa vụ quan trọng. Góc nhìn của ông về cách hiểu này?
– Việc CPTPP “tạm hoãn” thực thi một số nghĩa vụ của TPP sẽ ảnh hưởng tới độ rộng cũng như độ sâu của cam kết nhưng chất lượng của CPTPP có vì thế mà giảm đi hay không còn tùy thuộc vào góc nhìn.
Một số tập đoàn đa quốc gia, nhất là các doanh nghiệp dược phẩm, có thể chê là CPTPP không được “chất lượng” như TPP, ngụ ý rằng quyền lợi của họ không được đảm bảo như ở TPP. Tuy nhiên, nếu nhìn từ một giác độ khác, có thể thấy việc bớt đi một số nghĩa vụ khó sẽ giúp các nước đang phát triển như Việt Nam, Malaysia bớt được gánh nặng thực thi, giúp mối quan hệ giữa cơ hội và thách thức trở nên cân bằng hơn.
Về tính chuyên nghiệp, nếu có Mỹ tham gia, chất lượng thực thi sẽ được quan tâm nhiều hơn. Thành thực mà nói, những thành viên lớn của CPTPP như Nhật Bản, Úc và Canada đều không phải là những nước quá “căng thẳng”. Khi có ai đó chậm hoặc không thực thi nghiêm túc cam kết, họ sẽ thiên về giải quyết hữu nghị hơn là đưa nhau ra cơ chế giải quyết tranh chấp. Khi không phải đối diện với nguy cơ bị kiện và bị trừng phạt, chất lượng thực thi có thể sẽ kém đi, từ đó làm giảm chất lượng của Hiệp định và độ hấp dẫn đối với FDI.
– CPTPP có hiệu lực trong bối cảnh chiến tranh thương mại đang diễn ra, có người nói rằng với việc tự do hóa thương mại thì không cẩn trọng Việt Nam thành bên trung gian “bị lợi dụng”, ý kiến này liệu có bi quan quá và chúng ta nên nhìn nhận như thế nào?
– Khi Mỹ và Trung Quốc xảy ra xung đột thương mại thì nguy cơ lợi dụng Việt Nam để lẩn tránh biện pháp của nhau là có. Nguy cơ này xuất hiện không phụ thuộc vào việc ta có tham gia CPTPP hay không.
Nguy cơ này đã được nhận diện. Bộ Công Thương đã liên tục có cảnh báo về nguy cơ này. Một số biện pháp cũng đã được áp dụng để củng cố, kiện toàn công tác cấp giấy chứng nhận xuất xứ tại Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam.
Việt Nam là đất nước mở cửa, luôn chào đón đầu tư nước ngoài nhưng nếu nhà đầu tư nào có ý định lợi dụng Việt Nam để gian lận xuất xứ thì tôi thành thực khuyên nhà đầu tư đó nên suy nghĩ lại bởi chúng ta sẽ xử lý rất nghiêm nếu phát hiện ra.
Xuất khẩu Việt Nam tương ứng với quá trình tham gia hội nhập kinh tế. Đồ họa: Liên Hương.
– Lộ trình thuế quan trong CPTPP được cho là một trong những điểm được trông chờ nhất. Chẳng hạn như nay sau khi CPTPP có hiệu lực thì 66% mặt hàng thuế sẽ được đưa về 0%, 86,5% về 0% sau 3 năm. Người Việt kỳ vọng được mua những mặt hàng như ôtô giá rẻ, ông thấy thế nào về những kỳ vọng này?
– Tôi xin nhắc lại là trong CPTPP ta chỉ có 3 đối tác mới là Canada, Mexico và Peru. Họ không xuất khẩu nhiều vào ta, lộ trình giảm thuế của Việt Nam trong CPTPP cũng ở mức vừa phải nên mức độ giảm giá hàng hóa nhờ CPTPP sẽ rất khó nhận biết.
Nhật Bản, Úc, New Zealand, Chile .. đều đã có FTA với Việt Nam nên CPTPP sẽ không đem lại giá trị gia tăng lớn cho họ. Nói đơn giản, giá hàng hóa nhập khẩu từ những nước này cũng sẽ không giảm nhiều nhờ CPTPP.
Với riêng ôtô, ngoài thuế nhập khẩu còn có thuế tiêu thụ đặc biệt và các loại phí. Nếu giảm thuế nhập khẩu nhưng lại tăng thuế tiêu thụ đặc biệt và các loại phí thì giá ôtô cũng sẽ không giảm như mong đợi. Đây là bài toán cân đối giữa cơ sở hạ tầng và số lượng phương tiện rồi, không còn là bài toán bảo hộ nữa.
Bên cạnh đó, cơ cấu chủ thể tham gia sản xuất và nhập khẩu ôtô cũng sẽ có tác động lớn tới giá xe. Nói thế để thấy thuế nhập khẩu đã, đang và sẽ không bao giờ là yếu tố duy nhất xác định giá ôtô.
– Xin cảm ơn ông.
Theo cafef.vn
Minh Xuan.