(Vtrend.vn) Thời trang bền vững đã không còn là một xu thế hiện đại. Hơn thế nữa, nó đang dần trở thành một tôn chỉ đạo đức mà các thương hiệu muốn góp phần chung tay vì một tương lai xanh, sạch hơn.

Thời trang bền vững không chỉ giúp cứu vãn tình hình ô nhiễm rác thải của ngành may mặc, mà còn song hành cùng bài toán kinh tế. Thật vậy, việc lựa chọn những trang phục bền vững dường như là một cách thức tiêu dùng thông minh, đáng để đầu tư vì chất lượng dài hạn và yếu tố thân thiện với môi trường được để cao; lợi ích cả về con người lẫn môi trường. Điều gì cộng thêm vào giá trị của một món đồ thời trang bền vững? Giá cả vẫn luôn là yếu tố được đặt lên hàng đầu, kế cận là hình thức và đây là thói quen mua sắm phổ biến. Thời trang bền vững cộng thêm vào giá trị của trang phục tính nhân đạo: với những người góp công tạo dựng nên trang phục – giúp họ được trả lương tương xứng; chúng ta nhân đạo cả với thiên nhiên, môi trường – tạo dựng nên một tương lai đáng để sống cho thế hệ kế cận.

Một chiến dịch quảng bá của thương hiệu thời trang bền vững. (ảnh: Stella McCartney)

Đơn vị tiên phong trong lãnh vực này phải kể đến thương hiệu Stella McCartney. Việc NTK mua lại thương hiệu của mình từ tập đoàn Kering thời gian gần đây vì mong muốn đeo đuổi giá trị bền vững của thời trang được xem là một sự cam kết trọn vẹn nhất. Ngoài Stella McCartney, những thương hiệu thời trang theo đuổi giá trị bền vững nổi danh khác là Everlane, Patagonia, Reformation, Eileen Fisher (USA); People Tree, Thought Clothing, Mayamiko (UK); Encircled (Canada), Ankura (Peru)… Ngay cả những nhà mốt cựu trào như Gucci, Versace, Fendi, Micheal Kors và gần đây nhất là Maison Margiella đều đồng loạt nói không với chất liệu lông thú tự nhiên là một tín hiệu đáng mừng, cho thấy thời trang phi đạo đức sẽ dần thoái trào. Tại Việt Nam, Linda Mai Phùng và Kilomet 109 của NTK Vũ Thảo là hai thương hiệu thời trang thiết kế bền vững nổi danh.

Thương hiệu Gucci nói không với lông thú tự nhiên. (ảnh: Gucci)

Những chiến dịch quy mô của các tổ chức nhân quyền, tổ chức bảo vệ môi trường đã thật sự cho thấy được sức mạnh của nhận thức, sự cấp tiến và văn minh của xã hội hiện đại. Tuy không quá nhanh, nhưng số lượng người tiêu dùng dành sự quan tâm đến chất lượng quần áo mình mặc hằng ngày vẫn gia tăng. Nhận thức được điều này, các thương hiệu thời trang nhanh đang dần chuyển mình để “xanh hóa” sản phẩm may mặc mình làm ra. Dẫn đầu trào lưu này phải kể đến ông lớn ngành may mặc H&M.

Mỗi năm, nhằm góp công sức trong việc thay đổi nhận thức người tiêu dùng và ủng hộ tính nhân văn của thời trang bền vững, thương hiệu H&M tổ chức Conscious Week (tuần lễ Thời trang bền vững) với điểm sáng là một BST Conscious Exclusive, với các mẫu thiết kế hoàn toàn bền vững từ chất liệu đến nguồn nhân lực. Thêm hơn là những câu chuyện đầy cảm hứng xuyên suốt quá trình tạo dựng nên những sản phẩm “xanh” của thương hiệu. 2018 đã là năm thứ 7 thương hiệu triển khai chiến dịch này. Conscious Week năm nay sẽ diễn ra từ 17/4 đến ngày 22/4 tại cửa hàng cửa hàng của H&M tại thành phố Hồ Chí Minh.

(ảnh: H&M)

Theo dòng sự kiện, vào năm 2016, thương hiệu may mặc Thụy Điển đã khởi xướng Recycle Week (tuần lễ tái chế), kết hợp cùng nghệ sĩ người Anh M.I.A và phát hành rộng rãi ca khúc “Rewear It”, truyền tải thông điệp nhằm khích lệ người tiêu dùng thu gom để tái chế những sản phẩm quần áo cũ tại hơn 3600 cửa hàng trên toàn thế giới.

Còn vào năm 2017, H&M đã mạnh dạn đầu tư vào công nghệ tiên tiến nhất, thành công trong việc tạo ra chất liệu sợi polyester thân thiện với môi trường được tái chế từ các rác thải trên biển; chất liệu tân tiến, độc quyền này được gọi là BIONIC®. Tiếp tục kế thừa và phát triển những thành tựu tân tiến trước đó, thương hiệu đại chúng giới thiệu chất liệu ECONYL độc quyền, là sợi nylon tái chế được làm từ chất thải nylon và lưới đánh bắt cá cũ – vốn là rác thải trôi nổi trong lòng đại dương được cất công thu gom bởi chính những người nhân công mẫn cán của H&M. Hành động thiết thực này của thương hiệu nhằm góp phần làm giảm tác động lên khí hậu trái đất và giúp làm sạch đại dương.

Còn nhớ vào tháng 12 năm ngoái, khi tạp chí ELLE Việt Nam lựa chọn chủ đề thời trang bền vững trở thành thông điệp được truyền tải xuyên suốt chặng đường của ELLE Fashion Journey, khái niệm này đã không còn quá xa lạ tại Việt Nam. Trên nền tảng đó, thương hiệu H&M đã lựa chọn ELLE để cùng đồng hành trên hành trình dài hơi để tuyên truyền thông điệp nhân văn của thời trang bền vững. Theo thống kê chính thức đưa ra của hãng, 26% tổng số mặt hàng đã được làm từ chất liệu bền vững vào năm 2017 và con số này được hứa hẹn sẽ tăng theo từng năm. Cụ thể hơn, mục tiêu của H&M tới năm 2020 là chất liệu cotton được sử dụng trong sản xuất sẽ là 100% tái chế hoặc có nguồn gốc bền vững.. Đây là sự cam kết dài lâu, là bằng chứng cụ thể nhất cho việc thương hiệu H&M muốn đóng góp tâm sức vào việc bảo vệ môi trường và thay đổi nhận thức tiêu dùng của khách hàng, thông qua những sản phẩm thời trang chất lượng, bền vững, có giá thành dễ chấp thuận bởi phần đông.

Các mẫu thiết kế bền vững trong BST Conscious mới nhất của thương hiệu H&M sắp được ra mắt tại thị trường Việt Nam. (ảnh: H&M)

MP

Theo Elle