(Vtrend.vn) Sau chục năm “ngâm” siêu dự án Bình Qưới- Thanh Đa (quận Bình Thạnh) với tổng mức đầu tư hơn 30 nghìn tỷ đồng, “ông lớn” Bitexco còn sở hữu những khu đất “kim cương” giá trị bậc nhất TP.HCM nhưng dự án đã gần chục năm qua vẫn chưa thành hình hài.
Đều là những dự án “hoành tráng” nhưng không giống như dự án The Manor và Tháp tài chính Bitexco đã đi vào hoạt động, một loạt dự án khác của Bitexco chưa có nhiều tiến triển.
Điển hình như dự án The One trong Khu tứ giác Bến Thành, là một trong 20 ô phố được UBND TP.HCM gọi nhà đầu tư từ 2007, Bitexco đã tham gia đầu tư thực hiện dự án với số vốn trên 500 triệu USD, nhưng mặc dù khởi công từ 2012 đến nay dự án vẫn đang thi công hầm. Mới đây Sở Xây dựng TP.HCM đã có tờ trình UBND TP.HCM đề nghị công nhận chủ đầu tư dự án khu văn phòng – thương mại – dịch vụ – căn hộ ở – khách sạn 6 sao và văn phòng (officetel) này.
Theo đó khu đất rộng 8.600 m2 được giới hạn bởi các tuyến đường Phạm Ngũ Lão – Phó Đức Chính – Lê Thị Hồng Gấm và đường Calmette năm 2013 được UBND quận 1 chấp thuận cho Công ty TNHH Tập đoàn Bitexco làm chủ đầu tư với quy mô 46-55 tầng (trong đó có sáu tầng hầm) với tối đa 420 căn hộ ở. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2012 đến 2017.
Hiện Văn phòng Đăng ký đất đai TP.HCM đã thực hiện thủ tục cập nhật biến động trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sang cho Công ty TNHH Saigon Glory. Thời gian thực hiện dự án được thay đổi đến năm 2021 thay vì năm 2017 phải xong như quy định tại văn bản chấp thuận đầu tư của UBND TP.HCM.
Khu tứ giác kim cương nằm cạnh đại công trường dự án metro số 1.
Năm 2015, liên doanh Tập đoàn Bitexco và Emaar Properties PJSC được UBND TP.HCM chỉ định là nhà đầu tư dự án khu đô thị Bình Quới – Thanh Đa với tổng vốn hơn 30.000 tỷ đồng, thời hạn 50 năm. Tuy nhiên, do gặp khó khăn trong khâu đền bù giải phóng mặt bằng, đối tác trong liên doanh với Tập đoàn Bitexco đã rút lui khiến dự án đô thị này tiếp tục bị “treo” nhiều năm nay.
Nguyên nhân khiến Emaar Properties PJSC rút khỏi dự án này, theo một đại diện từ Bitexco, bởi vì đối tác nhận thấy cơ chế chính sách của Việt Nam chưa rõ ràng và nhiều rủi ro. Ngay sau đó, UBND TP.HCM đã thẩm định năng lực và kết luận Công ty Bitexco hoàn toàn đủ năng lực, đồng thời kiến nghị Thủ tướng cho UBND TP.HCM điều chỉnh Quyết định 6288.
Tuy nhiên, đến nay Công ty Bitexco chưa nhận được văn bản điều chỉnh quyết định 6288 của UBND TP.HCM về duyệt kết quả chỉ định nhà đầu tư thực hiện dự án, điều kiện đủ để Công ty Bitexco triển khai dự án theo đúng quy định của pháp luật. Trong khi đó, mặc dù phía Bitexco vẫn thể hiện quyết tâm muốn tiếp tục đầu tư dự án này thì TP.HCM vừa có quyết định giao Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM xây dựng phương án tổ chức đấu thầu rộng rãi kêu gọi nhà đầu tư mới.
Cuối năm 2015, liên danh Bitexco – Emaar Properties PJSC (Dubai) được chỉ định đầu tư dự án với tổng vốn hơn 30.717 tỷ đồng. Diện tích dự án tới 426,93 ha (toàn bộ phường 28, Bình Thạnh). Hiện Emaar Properties PJSC đã rút lui vì không đủ kiên nhẫn chờ giao đất sạch.
Khu đất 5.443 m2 trên nền bệnh viện Sài Gòn sẽ là một trong 3 khu đất vàng tại trung tâm thành phố được Bitexco triển khai xây cao ốc cao tối đa 45 tầng, nằm cạnh ga metro Bến Thành – Suối Tiên, đối diện Spirit of Saigon (trước đây là The One) cũng của Bitexco đang xây dựng. Hiện tại ngoài kết cấu bệnh viện cũ, một phần đất đang trở thành bãi giữ xe máy. Thời gian xây dựng bệnh viện mới dự kiến từ 2017 đến 2020. Khi Bitexco chuyển giao bệnh viện mới, thành phố sẽ giao khu đất 125 Lê Lợi này.
Khu đất 5.443 m2 trên nền bệnh viện Sài Gòn sẽ là một trong 3 khu đất vàng tại trung tâm thành phố được Bitexco triển khai xây cao ốc cao tối đa 45 tầng, nằm cạnh ga metro Bến Thành – Suối Tiên, đối diện Spirit of Saigon cũng của Bitexco đang xây dựng.
Năm 2006, dự án Khu đô thị Nguyễn Cư Trinh (quận 1) với hành lang giao thông 4 tuyến đường: Trần Đình Xu – Nguyễn Trãi – Cống Quỳnh – Nguyễn Cư Trinh được TP.HCM chuyển giao cho Bitexco đầu tư xây dựng sau khi chủ đầu tư cũ đã treo hơn 10 năm. Trong đó, khu đô thị đa chức năng được xây dựng trên diện tích khoảng 600.000 m2, khu tái định cư khoảng 100.000 m2, khu bệnh viện Sài Gòn khoảng 36.000 m2.
Bitexco đã hoàn thiện hồ sơ liên quan đến công tác đền bù và đang đợi phương án đền bù từ Ban bồi thường Q.1, nên dự án sẽ được triển khai các giai đoạn tiếp theo khi công tác bồi thường thực hiện xong. Thế nhưng, việc kinh doanh và sinh hoạt của nhiều hộ dân vẫn diễn ra bình thường, thậm chí nhiều hộ vẫn chưa biết thông tin phải di dời.
Năm 2006, dự án Khu đô thị Nguyễn Cư Trinh (quận 1) với hành lang giao thông 4 tuyến đường: Trần Đình Xu – Nguyễn Trãi – Cống Quỳnh – Nguyễn Cư Trinh được TP.HCM chuyển giao cho Bitexco đầu tư xây dựng.
Liên quan đến dự án khu tứ giác Nguyễn Cư Trinh, Công ty Bitexcoco cho biết thời gian qua hội đồng bồi thường giải phóng mặt bằng quận 1 cùng chủ đầu tư đã và đang khẩn trương triển khai công tác thủ tục giải phóng mặt bằng khu Mả Lạng – Nguyễn Cư Trinh. Hiện khối lượng công việc đã triển khai được trên 50%.
Theo đó, từ giữa năm 2018 đã bắt đầu giải tỏa một số điểm vòng ngoài ở khu Mả Lạng. Như vậy sẽ có trên 80% số căn hộ được giải tỏa và đã có các văn bản ban hành thu hồi đất với giá bồi thường đều dựa trên yếu tố thị trường. Tuy nhiên, vừa qua, chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất trên địa bàn TP.HCM có sự thay đổi. UBND quận 1 đang kiến nghị UBND TP.HCM tháo gỡ một số khó khăn để đẩy nhanh tiến độ dự án.
Theo cafef.vn
Minh Xuan.