(Vtrend.vn) UBND TPHCM vừa chấp thuận đề nghị của Sở Kế hoạch và Đầu tư giao Ban Quản lý đường sắt đô thị chỉnh sửa nội dung hồ sơ mời thầu và tổ chức đấu thầu lần 2 theo đúng quy định.
Văn phòng UBND TPHCM cho biết, liên quan đến việc hủy thầu gói Tổng thầu thiết kế – thi công di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật (CPO) thuộc Dự án xây dựng tuyến tàu điện ngầm số 2, tuyến Bến Thành – Tham Lương, do Ban Quản lý đường sắt đô thị làm chủ đầu tư, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến chấp thuận đề nghị của Sở Kế hoạch và Đầu tư giao Ban Quản lý đường sắt đô thị chỉnh sửa nội dung hồ sơ mời thầu và tổ chức đấu thầu lần 2 theo đúng quy định.Ban Quản lý đường sắt đô thị chịu trách nhiệm toàn bộ do việc phê duyệt hồ sơ mời thầu có nội dung không tuân thủ quy định của pháp luật dẫn đến buộc phải hủy thầu. UBND TPHCM giao Sở KH-ĐT giám sát và đôn đốc, hướng dẫn Ban Quản lý đường sắt đô thị thực hiện theo đúng quy định. Ban Quản lý đường sắt đô thị tổ chức kiểm điểm trách nhiệm, xử lý vi phạm của các cá nhân, tập thể liên quan đến việc lập, thẩm định và phê duyệt hồ sơ mời thầu; thành lập tổ chuyên gia đấu thầu không đúng theo quy định của pháp luật về đấu thầu; tham gia hoạt động đấu thầu nhưng không có chứng chỉ đào tạo về đấu thầu. Sở Nội vụ rà soát danh sách nhân sự Ban Quản lý đường sắt đô thị và đôn đốc khắc phục ngay tình trạng nhân sự ở ban này tham gia hoạt động lựa chọn nhà thầu nhưng không có chứng chỉ đấu thầu, báo cáo UBND TP về kết quả thực hiện. Dự án tuyến metro số 2 Bến Thành – Tham Lương có tổng mức đầu tư ban đầu 26.000 tỷ đồng, sau đó nâng lên 48.000 tỷ. Tuyến này đi qua địa bàn quận 1, 3, 10, 12, Tân Bình, Tân Phú, công tác giải phóng mặt bằng dự kiến ảnh hưởng gần 700 hộ.Để có thể triển khai công tác bồi thường, đảm bảo yêu cầu về tiến độ bàn giao mặt bằng, Ban Quản lý đường sắt đô thị kiến nghị UBND TP.HCM xem xét chỉ đạo các đơn vị liên quan khẩn trương triển khai các bước tiếp theo.Trong đó, Hội đồng Thẩm định bồi thường TPHCM xem xét và trình UBND TPHCM thông qua đơn giá bồi thường; Tổ công tác tổ chức họp, rà soát, thống nhất với các quận và sở ngành liên quan kế hoạch thực hiện công tác giải phóng mặt bằng; Sở Tài nguyên và Môi trường điều chỉnh đơn giá theo quy định; Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư phê duyệt điều chỉnh dự án, bố trí vốn thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng; UBND các quận tiếp tục triển khai các thủ tục cần thiết để chi trả bồi thường, thu hồi đất và bàn giao mặt bằng.