(Vtrend.vn) Vấn đề đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp trong và ngoài nước được nhiều đại biểu HĐND TPHCM đưa ra thảo luận tại chương trình kỳ họp thứ 9 HĐND TPHCM khóa IX, chiều 10.7.
Theo ĐB Võ Thị Ngọc Thúy, thành phố có kế hoạch nâng cấp một số trường đào tạo nghề trở thành chuẩn đào tạo chất lượng cao, với tổng số vốn đầu tư 900 tỉ đồng giai đoạn 2016 – 2020. ĐB Thúy đánh giá, đây là tín hiệu tốt nhưng với số tiền lớn này cần cân nhắc sự đầu tư có hiệu quả và có lộ trình.
“Đào tạo nghề lao động chất lượng cao rất đặc thù. Nếu chúng ta đầu tư vào cơ sở vật chất mà không tương thích với cơ sở vật chất thực ở trong doanh nghiệp thì thực tế sẽ không có hiệu quả đào tạo giống như mong đợi.
Do đó, tôi nghĩ rằng, 900 tỉ đồng này đầu tư sao cho hiệu quả và trước mắt nên chăng học mô hình của các nước phát triển đó là sử dụng “kiềng 3 chân” để có sự kết hợp giữa chính quyền, đơn vị đào tạo với doanh nghiệp” – ĐB Thúy đề xuất.
Ngoài ra, ĐB Võ Thị Ngọc Thúy kiến nghị không chia tổng vốn đầu tư 900 tỉ đồng riêng lẻ cho từng trường mà có thể tập trung để xây dựng trung tâm thực hành cho đào tạo nghề chất lượng cao.
“Ví dụ như quy hoạch vùng phía đông thành phố thành trung tâm kết nối giữa các trường đại học, cao đẳng, đào tạo nghề, trung tâm thực hành nghề và kết hợp với việc đổi mới nông thôn đô thị” – ĐB Thúy nói.
Đồng quan điểm, ĐB Thi Thị Tuyết Nhung cho rằng, nếu thành phố đào tạo nguồn nhân lực tiếp cận được công nghệ 4.0 mà chỉ đưa các học sinh, sinh viên đi thực tập ở các khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ thì chưa thỏa đáng.
Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TPHCM Lê Minh Tấn cho hay, hiện nay, trên địa bàn TPHCM có 517 cơ sở giáo dục nghề nghiệp; trong đó có 50 trường cao đẳng, 65 trường trung cấp…
Trong chương trình nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, có chương trình nâng cao giáo dục nghề nghiệp. Trong đó, sở tham mưu UBND TPHCM ban hành đề án thực hiện chuẩn hóa lại trường lớp, các cơ sở nghề nghiệp, đào tạo đội ngũ giáo viên và trang bị máy móc là 900 tỉ đồng, thời gian thực hiện giai đoạn 2016 – 2020.
Cũng theo ông Tấn, hiện Sở đã tham mưu cho UBND thành phố rà soát, sắp xếp lại các mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở nào không đủ năng lực thì giải thể hoặc sáp nhập và hướng hình thành cao đẳng và trung cấp để nâng cao trình độ nghề, ứng dụng nghề kỹ thuật cao.
Các trường này sẽ thực hiện thí điểm đào tạo “kép” gồm thành lập hội đồng trường, đại diện doanh nghiệp nhằm nâng cao trình độ kỹ năng, tiếp nhận công nghệ thông tin, tiếp ứng từng nghề có giá trị chất lượng cao để tăng năng suất lao động.
Đồng thời gắn kết với các doanh nghiệp để xác định nhu cầu, mục tiêu đào tạo để doanh nghiệp đặt hàng cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo nguồn nhân lực cho doanh nghiệp và sinh viên khi ra trường có việc làm ngay.
Theo laodong.vn
Minh Xuân.