(Vtrend.vn) Sáng tạo khái niệm “thu giá” để lách Luật phí, lệ phí; Bộ Tài chính đề xuất áp thuế cao với nước ngọt vì sợ dân thừa cân, béo phì; thuế môi trường với xăng dầu “cần” tăng từ 10.000-20.000 đồng/lít… là những thông tin khiến độc giả “đứng ngồi không yên” trong suốt tuần qua.
Sợ dân béo phì, Bộ Tài chính muốn áp thuế cao với nước ngọt
Với Luật Thuế Tiêu thụ đặc biệt, Bộ Tài chính đề xuất các mặt hàng nước giải khát có đường (trừ sữa) sẽ phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt 10%, đồng thời nâng thuế giá trị gia tăng (VAT) thêm 2%, áp dụng từ năm 2019.
Một trong những cơ sở để Bộ Tài chính đưa ra đề xuất này là nhằm bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, đặc biệt nhằm giảm tình trạng người dân thừa cân, béo phì và mắc bệnh tiểu đường. Bộ Tài chính cho rằng, tỷ lệ người trưởng thành bị thừa cân, béo phì và tiểu đường ở Việt Nam đang ở mức cao. Hiện ở Việt Nam tỷ lệ người trưởng thành bị thừa cân, béo phì chiếm khoảng 25% dân số.
Đối với trẻ em dưới 5 tuổi, tỷ lệ béo phì tăng nhanh từ mức 0,6% năm 2.000 lên 5,3% năm 2015, tại TP HCM mức tỷ lệ này lên tới 10,8% (đặc biệt tại khu vực trung tâm tỷ lệ này lên đến 12%) cao hơn mức trung bình của châu Á và các nước đang phát triển (mức béo phì trẻ dưới 5 tuổi trung bình toàn cầu là 6,9%). Bộ Tài chính cũng dẫn khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), các loại đồ uống có đường ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe.
“Thuế môi trường xăng dầu cần phải từ 10.000 – 20.000 đồng/lít”?
Ngày 11/5 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ ký Tờ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự thảo Nghị quyết về Biểu thuế bảo vệ môi trường.
Trao đổi về dự thảo Nghị quyết này, bà Nguyễn Thị Thanh Hằng – Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính cho biết, mặt hàng xăng dầu là sản phẩm có chứa nhiều chất gây ô nhiễm môi trường như chì, lưu huỳnh, benzen, hydrocacbon thơm, hydrocacbon nặng và một số phụ gia…
“Đây là những chất gây hại đến an toàn, sức khỏe và môi trường. Hơn nữa, cũng theo tính toán của một số nhà khoa học để hoàn trả lại môi trường thì mức thuế bảo vệ môi trường đối với các hàng hóa thuộc đối tượng chịu thuế bảo vệ môi trường phải ở mức cao hơn”, bà cho biết.
Cũng theo đại diện Bộ Tài chính, tại cuộc hội thảo lấy ý kiến dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật thuế bảo vệ môi trường do Uỷ ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội tổ chức năm 2017, Tiến sĩ Huỳnh Thế Du – Giám đốc đào tạo Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright đã nhận định: “Nếu tính toán dựa trên mô hình ngoại tác tiêu cực và tính phi hiệu quả (với chi phí ngoại tác tiêu cực đối với xăng được lấy theo đánh giá của một tổ chức uy tín của Mỹ) thì mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng của Việt Nam cần phải điều chỉnh ở mức từ 10.000-20.000 đồng/lít”.
Chuyên gia: Có thể thu phí, thu nợ, thu nhiều thứ… nhưng không thể thu giá
Trao đổi bên hành lang Quốc hội ngày 22/5, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể đã lên tiếng lý giải vì sao đổi tên trạm thu phí BOT thành “trạm thu giá”.
Theo đó, Bộ trưởng Giao thông cho biết phí do HĐND, Quốc hội quyết định, còn giá là do doanh nghiệp cung cấp, mà BOT là sản phẩm của doanh nghiệp nên cần điều chỉnh lại tên gọi cho chính xác.
Trao đổi với Dân trí, TS. Nguyễn Sĩ Dũng – nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng khái niệm “thu giá” là một “sáng tạo” để lách qua những quy định rất chặt chẽ của Luật Phí và lệ phí.
Ông Dũng cũng cho rằng, không phải cứ doanh nghiệp tư nhân cung cấp thì không phải là dịch vụ công. Bản chất của dịch vụ công là việc cung cấp hàng hóa, dịch vụ đáp ứng nhu cầu thiết yếu của xã hội và cộng đồng, còn việc tiến hành hoạt động ấy có thể do nhà nước hoặc tư nhân đảm nhiệm.
“Việc thay đổi phí như BOT phải do cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Không thể để quá linh động rồi có giá trên trời được”, ông Dũng nhấn mạnh.
Bàn về khái niệm “thu giá” đang gây tranh cãi, ông Dũng nói: “Bạn có thể thu phí, thu thuế, thu nợ… nhưng không thể thu giá, vì giá không phải là thứ có thể thu được. Giá là biểu hiện bằng tiền của giá trị hàng hoá/dịch vụ”.
Đại biểu Quốc hội: “Lò đã nóng lắm rồi, không ai muốn có thêm củi sau khi lập 3 đặc khu”
Sáng 23/5, sau khi nghe báo cáo dự án Luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt (đặc khu) Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) nêu nhiều ý kiến về rà soát và giảm quyền lợi riêng đối với các đơn vị đặc biệt này.
Liên quan tới thời hạn cho thuê đất 99 năm, Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP HCM) thẳng thắn: “Lãnh thổ 3 đặc khu đều liên quan tới biển đảo, chủ quyền trên biển: Vân Đồn tới Hải Nam chỉ cách 200 hải lý, Vịnh Vân Phong rất gần Trường Sa nên phải tuân theo luật biên giới, luật biển và tài nguyên nước. Đề nghị bỏ thời hạn giao đất 99 năm, không có vòng đời đầu tư nào cần đến 99 năm. Thời hạn này ngang 3-4 thế hệ con người, thực chất là hình thức nhường địa chỉ đất nước nghèo đói hoang sơ cần tới để thu hút nhà đầu tư”.
“Có những quốc gia họ đến, đi chỉ quan tâm tới lợi ích kinh tế, nhưng có quốc gia lại cần tài nguyên, lãnh thổ nước khác. Họ di dân tới tìm mọi cách ở lại, chi phối chính trị, an ninh quốc phòng và đã có ví dụ nhãn tiền về điều này. Luật pháp chỉ rước bạn tốt vào nhà chứ không phải rước kẻ cướp vào nhà. Nếu kẻ cướp giả làm bạn tốt thì phải có chế tài”, ông nhấn mạnh.
“Lò đã nóng lắm rồi, không ai muốn có thêm nhiều củi vào lò khi đặc khu ra đời. Do đó, chúng ta làm luật rồi mới xem xét nghị quyết lập đặc khu. Tôi đề nghị thông qua luật này trong kỳ họp tới cùng với đề án lập 3 đặc khu như thế cử tri sẽ yên tâm hơn”, ông nói.
“Người bán trà đá tại Việt Nam có tỷ suất lợi nhuận cao nhất trên thế giới”
Tại buổi thảo luận tổ về tình hình phát triển kinh tế – xã hội và ngân sách nhà nước tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV, sáng 22/5, đại biểu Nguyễn Mạnh Tiến (Tây Ninh), Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại cho biết:
Thời gian qua chúng ta đang đưa cán bộ đi thu thuế của người nộp thuế nên dễ xảy ra câu chuyện người nộp thuế thỏa hiệp chia đôi ba với người thu thuế. Trong khi đó nhiều nước trên thế giới, người nộp thuế có trách nhiệm khai thuế, người làm về thuế chỉ đi thanh tra thuế. Khi thanh tra ra sai phạm thì người nộp thuế bị phạt mà mất rất nhiều quyền lợi.
“Dư luận bàn câu chuyện ngành thuế có 71.000 người và phải tinh giản nhưng nếu không đổi cách tiếp cận thu thuế, vẫn là cử cán bộ thu thuế thì 71.000 người vẫn chưa đủ. Người bán trà đá tại Việt Nam là có tỷ suất lợi nhuận cao nhất trên thế giới, 5.000-7.000% nhưng lại không đóng đồng nào cho ngân sách, họ chỉ đóng tiền tượng trưng nào đó cho địa phương, thậm chí chỉ là vài người kiểu quản lý thị trường gì đó thôi. Trong khi đó trên thế giới tất cả những người phát sinh thu nhập đều đóng thuế cho nhà nước trực tiếp luôn”, ông nói thêm.
Người nhận giải Vietlott: “Biết trúng 300 tỷ đồng, tim đập nhiều hơn chút”
Chiều 22/5, Chi nhánh Hải phòng (thuộc Vietlott) đã tiến hành thực hiện buổi lễ trao giải thưởng Jackpot 1 sản phẩm Power 6/55 kỳ quay thưởng số 119.
Buổi lễ trao thưởng được tổ chức dưới sự chứng kiến của đại diện Bộ Tài chính, Bộ Công an, Cục Cảnh sát Điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng.
Người trúng thưởng đã thực hiện khấu trừ thuế thu nhập cá nhân trị giá hơn 30,4 tỷ đồng để nộp ngân sách thành phố Hà Nội. Tổng giá trị giải thưởng người trúng thưởng được lĩnh hơn 273,5 tỷ đồng.
“Hôm trúng thưởng, tôi mua tổng cộng hết 100 nghìn đồng”, ông Q. nói. “Cảm giác khi biết được mình là người trúng giải, lúc đó rất bất ngờ và vui mừng”, ông Q. cũng dí dỏm cho biết “tim đập nhiều hơn một chút”.
“Bản thân tôi trúng số tiền lớn nhưng tiền bỏ ra không nhiều. Tôi mua với tâm lý cho vui và tôi cũng mong rằng mọi người cũng chơi với tâm lý như vậy thôi”, ông Q. tâm sự thêm.
Chia sẻ về lý do hơn 10 ngày mới tới nhận giải ông Q. cho biết: “Tối hôm sau tôi đã biết mình trúng giải nhưng sau đó bận công việc và đi chữa bệnh nên tôi chưa tới nhận luôn”.
Nói về kế hoạch sử dụng khoản tiền này, ông Q. cho biết: “Hiện tại tôi muốn mọi thứ có thời gian chuẩn bị. Tôi cũng chưa nghiên cứu về phương án đầu tư”.
Khi được hỏi về hoàn cảnh gia đình, ông Q. cho biết: “Nhà tôi đã có tương đối đầy đủ về nhà xe. Tôi làm văn phòng, cơ quan nhà nước”.
Theo Dân Trí
Minh Xuân