Tại Hội thảo “Tuyển sinh trường tư thục: Thực trạng và giải pháp” do Báo Giáo dục Việt Nam tổ chức sáng 26.4, đại diện các trường tư thục bày tỏ nguyện vọng được tự chủ hoàn toàn trong tuyển sinh.
Bà Nguyễn Thị Hiền – Hiệu trưởng Trường Tiểu học dân lập Đoàn Thị Điểm kiến nghị: Mặc dù năm nay, Bộ GDĐT đã “mở cửa” nhiều hơn trong tuyển sinh đầu cấp nhưng Sở GDĐT Hà Nội quy định các trường vẫn phải tuyển sinh vào đúng ngày quy định của Sở là ngày 1.7 đến ngày 3.7. Nói một cách rất nghiêm túc, không trường tư thục nào không có động thái tuyển sinh trước ngày này. Nếu cứ quy định như thế này thì cái khó không phải rơi vào các trường mà chính là phụ huynh học sinh.
“Hiện chúng tôi đã cho đăng kí trên mạng thì con số lên tới hơn 2.000 mà chỉ tiêu của trường chỉ có 500. Nếu như chỉ ngày 1.7 thì rất khó khăn cho phụ huynh, phụ huynh cảm thấy hoang mang. Chúng ta phải đặt trong tâm thế phụ huynh sẽ đắn đo như thế nào khi chọn trường tư thục hay công lập, trong hệ thống thì trường này hay trường kia. Thường thì trước 1 năm đã quan tâm rồi. Họ không biết trường này trước 1.7 có nhận con mình không, không nhận con mình thì mình còn chọn trường khác.
Vì thế, tuyển sinh cùng 1 ngày gây khó khăn cho phụ huynh thì bắt buộc các trường phải lách. Nếu chúng tôi không lách thì chúng tôi gây khó khăn cho phụ huynh. Thực tế, chúng tôi có nhiều cách “lách” để tuyển sinh. Chúng tôi sẵn sàng chịu khiển trách của Sở GDĐT nhưng mang lại niềm vui và hạnh phúc cho phụ huynh và học sinh”, bà Hiền nói.
Đồng thời, Hiệu trưởng Trường Tiểu học dân lập Đoàn Thị Điểm bày tỏ: “Nếu để chúng tôi tự chủ như việc tự chủ về tài chính hay cơ sở vật chất thì sẽ khác đi”.
Đồng quan điểm, bà Văn Liên Na – Phó hiệu trưởng Trường THCS-THPT Lương Thế Vinh cơ sở 1 – Tân Triều cho rằng tự chủ nằm trong khuôn khổ nhất định thì không còn là tự chủ nữa. Điểm đặc biệt là trường tư thục phải tự lo về toàn bộ cơ sở vật chất, chi phí. Như vậy, để cạnh tranh với công lập thì tư thục yếu thế hơn.
Sở GDĐT quy định tự chủ tuyển sinh đồng loạt trong 2 ngày như vậy là tạo cánh cửa hẹp cho học sinh. Điều này sẽ quy định hẹp số trường học sinh có thể tham gia dự tuyển.
Ngoài ra, bà Văn Liên Na về nguyện vọng, ví như lớp 10, học sinh chỉ có 2 nguyện vọng trường công lập và trường công lập có nhiều hơn chút còn học sinh vào đại học có thể lên tới 29 nguyện vọng. Vậy tại sao lại phải tạo cánh cửa hẹp cho học sinh?
“Tôi cũng băn khoăn về tiêu chí, phương thức tuyển sinh hiện được Sở GDĐT quy định là cùng thi tuyển môn Toán và bài thi đánh giá năng lực. Như vậy là chưa hợp lí bởi mỗi trường sẽ có một tiêu chí tuyển sinh riêng phù hợp với đào tạo của trường mình”, bà Na bày tỏ.
Theo Lao Động
Minh Xuân