(Vtrend.vn) Theo tính toán của chúng tôi, Chủ tịch Techcombank Hồ Hùng Anh và chủ tịch Masan Nguyễn Đăng Quang cùng những người trong gia đình đang trực tiếp và gián tiếp nắm giữ lượng cổ phiếu trị giá lần lượt là 37.000 tỷ và 24.000 tỷ đồng.
Với giá trị công ty đạt hơn 90.000 tỷ đồng, Masan Group (MSN) hiện là một trong 10 doanh nghiệp vốn hóa lớn nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam. Xét trong số các doanh nghiệp tư nhân, giá trị của Masan chỉ kém Vingroup, VinHomes, Techcombank và lớn hơn nhiều so với Vietjet, Hòa Phát hay Novaland… Bản thân Techcombank cũng là một công ty liên kết do Masan cũng như nhiều lãnh đạo chủ chốt của Masan nắm cổ phần lớn.
Tuy nhiên, điều bất ngờ là trong khi những nhà sáng lập của Vietjet hay Hòa Phát đều đã xuất hiện trong danh sách tỷ phú đô la thì 2 nhà sáng lập và cổ đông chủ chốt của Masan là chủ tịch Nguyễn Đăng Quang và Phó chủ tịch Hồ Hùng Anh lâu nay vẫn vắng bóng trong các bảng xếp hạng người giàu.
Nguyên nhân chủ yếu đến từ việc 2 doanh nhân cùng nhau gián tiếp nắm quyền kiểm soát Masan Group thông qua 2 pháp nhân là CTCP Masan (Masan Corp) và Công ty TNHH MTV Xây dựng Hoa Hướng Dương – công ty do Masan Corp sở hữu 100% vốn. Do đó mà việc xác định một cách chính xác nhất tài sản của mỗi người là việc không mấy dễ dàng.
Tuy nhiên, theo thông tin mới nhất mà chúng tôi có được thì tỷ lệ sở hữu cụ thể của 2 doanh nhân này tại Masan Corp đã được xác định. Theo đó, ông Nguyễn Đăng Quang sở hữu 48,51% cổ phần và ông Hồ Hùng Anh sở hữu 47,56% cổ phần của Masan Corp.
Gần 4% cổ phần còn lại của Masan Corp thuộc về ông Nguyễn Thiều Nam (2%), ông Nguyễn Thanh Hải (1%) và bà Nguyễn Hoàng Yến – vợ ông Quang (0,54%).
Masan Corp và Hoa Hướng Dương đang nắm giữ 45,34% cổ phần của Masan Group, trị giá hơn 41.400 tỷ đồng theo thị giá hiện tại.Với 49,05% cổ phần của Masan Corp thì vợ chồng ông Nguyễn Đăng đang gián tiếp nắm giữ lượng cổ phiếu Masan Group trị giá hơn 20.300 tỷ đồng.
Cộng cả lượng cổ phiếu Masan Group và Techcombank đang trực tiếp nắm giữ thì vợ chồng ông Nguyễn Đăng Quang – bà Nguyễn Hoàng Yến đang trực tiếp và gián tiếp sở hữu khối tài sản trị giá khoảng 24.000 tỷ đồng.
Cụ thể, ông Hồ Hùng Anh cùng mẹ, vợ, con trai và em dâu đang nắm giữ 17,02% cổ phần của Techcombank, trị giá hơn 16.200 tỷ đồng cùng với 1.000 tỷ đồng cổ phiếu Masan Group.
Tính cả phần sở hữu gián tiếp qua Masan Corp, ông Hồ Hùng Anh và gia đình đang sở hữu cả khối tài sản trị giá gần 37.000 tỷ đồng.
Như vậy có thể thấy, vị trí tỷ phú đô la tiếp theo của Việt Nam thì sẽ khó có ai khác sáng giá hơn bộ đôi Hồ Hùng Anh – Nguyễn Đăng Quang.
Trong bài viết ngày 21/12 đề cập đến sự suy giảm tài sản của các tỷ phú châu Á trong một năm khó khăn, Bloomberg đã coi chủ tịch Masan Group Nguyễn Đăng Quang là một trong 2 tỷ phú đô la mới của khu vực Đông Nam Á, cùng mới Donald Sihombing của Indonesia.
Việc xếp hạng tỷ phú đô la thường không nhất thiết phải là một cá nhân cụ thể mà có rất nhiều trường hợp là tính chung cho cả một gia đình hoặc những cặp anh em cùng chia sẻ một khối tài sản chung. Điều này diễn ra khá phổ biến ở khu vực Đông Á và Đông Nam Á, khi mà truyền thống kinh doanh gia đình vẫn còn rất đậm nét.
Bảng xếp hạng của Forbes có hàng chục những trường hợp như vậy: Anh em Beate Heister & Karl Albrecht Jr. ở vị trí #27 chia nhau khối tài sản gần 30 tỷ USD; vị trí thứ 57 là Gia đình Hinduja hay gia đình Chirathivat của Thái Lan…
Theo cafef.vn
Minh Xuan.