(Vtrend.vn) Ông Nguyễn Hữu Tín nguyên là Phó Chủ tịch UBND TP HCM; ông Trần Văn Minh và Văn Hữu Chiến nguyên là Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng.

 Sáng 29-1, HĐXX TAND TP Hà Nội tiếp tục đưa 2 bị cáo nguyên là thứ trưởng Bộ Công an gồm Bùi Văn Thành và Trần Việt Tân ra xét xử về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Ngoài ra còn có 3 bị cáo khác gồm: Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ “nhôm”, nguyên chủ tịch HĐQT Công ty CP Xây dựng Bắc Nam 79, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Nova Bắc Nam 79); Nguyễn Hữu Bách (nguyên đại tá, phó cục trưởng thuộc Bộ Công an); Phan Hữu Tuấn (nguyên trung tướng, phó tổng cục trưởng thuộc Bộ Công an) cùng bị truy tố về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Vì sao ông Nguyễn Hữu Tín, Trần Văn Minh, Văn Hữu Chiến không xuất hiện ở phiên tòa Vũ nhôm? - Ảnh 1.

Các bị cáo tại phiên tòa (Ảnh TTXVN)

Tuy nhiên, trong phiên tòa xét xử Vũ “nhôm” và các bị cáo lại không thấy xuất hiện các cựu lãnh đạo UBND TP HCM và UBND TP Đà Nẵng khiến dư luận thắc mắc. Bởi trước đó, liên quan đến Vũ “nhôm”, nhiều cựu quan chức của Đà Nẵng và TP HCM đã bị khởi tố, bắt giam.

Cụ thể, ngày 17-4-2018, cơ quan CSĐT Bộ Công an đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với ông Trần Văn Minh (cựu Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng giai đoạn 2006-2011); ông Văn Hữu Chiến (cựu Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng giai đoạn 2011-2014) và 14 cá nhân liên quan thuộc các Sở, ngành TP. Đà Nẵng về các tội danh “Vi phạm các quy định về quản lý đất đai” và “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.

Ngày 17-9-2018, cơ quan CSĐT Bộ Công an đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với ông Nguyễn Hữu Tín (nguyên Phó Chủ tịch UBND TP HCM) và 4 cá nhân khác về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”, liên quan đến sai phạm xảy ra tại dự án 15 Thi Sách, quận 1, TP HCM.

“Do cơ quan CSĐT Bộ Công an đang tiếp tục mở rộng điều tra nên không xem xét xử lý các cựu lãnh đạo UBND TP HCM và UBND TP Đà Nẵng trong vụ án này” – cáo trạng nêu rõ.

Cáo trạng còn nêu: Đối với một số cán bộ, chiến sĩ và lãnh đạo Bộ Công an có hành vi tham mưu soạn thảo, ký nháy, ký văn bản gửi các Bộ, ngành, UBND TP Đà Nẵng, UBND TP HCM tạo điều kiện cho Phan Văn Anh Vũ lợi dụng danh nghĩa doanh nghiệp bình phong của Tổng cục V, thực hiện hành vi phạm tội là có sai phạm. Tuy nhiên, xét tính chất, mức độ chưa đến mức xử lý hình sự, cơ quan CSĐT Bộ Công an đã có văn bản số 5983/C01-P4 ngày 28/12/2018 kiến nghị Bộ trưởng Bộ Công an đề nghị cấp có thẩm quyền và chỉ đạo cơ quan chức năng xử lý hành chính là phù hợp.

Theo cáo trạng, Phan Văn Anh Vũ được tuyển dụng vào lực lượng CAND, biên chế là nhân viên tình báo của Tổng cục V, Bộ Công an từ ngày 1-10-2009. Theo nguyên tắc mọi hoạt động nghiệp vụ của Vũ “nhôm” do Nguyễn Hữu Bách, Phan Hữu Tuấn và Trần Việt Tân nắm và trực tiếp chỉ đạo. Để tạo điều kiện cho Vũ thực hiện nhiệm vụ, Tổng Cục V sử dụng 2 công ty gồm: Công ty Xây dựng Bắc Nam 79 và Công ty Cổ phần Nova Bắc Nam 79 do Vũ là chủ tịch HĐQT làm bình phong. Hai công ty này Tổng cục V không góp vốn, đầu tư mà mọi hoạt động do Vũ quyết định.

Tuy nhiên, quá trình hoạt động, Vũ “nhôm’ đã lợi dụng danh nghĩa tổ chức bình phong của Tổng cục V đề nghị các bộ, ngành và chính quyền địa phương cho thuê đất, chuyển quyền sử dụng đất và tài sản trên đất của các dự án nhà, đất công sản có diện tích lên đến hàng ngàn m2 ở các vị trí đắc địa tại TP Đà Nẵng, TP HCM trái quy định như: không qua đấu giá xin giảm giá, giảm hệ số sinh lợi và nhiều ưu đãi khác…, nhằm thu lợi cá nhân, gây thiệt hại hàng ngàn tỉ đồng của Nhà nước.

Riêng Phan Hữu Tuấn và Nguyễn Hữu Bách đã đã trực tiếp tham mưu hoặc trình lãnh đạo Bộ Công an ký ban hành các văn bản gửi tới các Bộ, ngành, UBND TP Đà Nẵng và UBND TP HCM xin hỗ trợ, tạo điều kiện cho Công ty Cổ phần Xây dựng Bắc Nam 79 và Công ty Cổ phần Nova Bắc Nam 79 trong các hoạt động thuê đất, chuyển quyền sử dụng đất và tài sản trên đất, giúp sức tích cực cho Vũ thực hiện các hành vi phạm tội.

Để xảy ra tội phạm trên là do sự thiếu trách nhiệm trong công tác quản lý cán bộ, quản lý nghiệp vụ và quản lý tài sản công của Bùi Văn Thành và Trần Việt Tân đều nguyên là Thứ trưởng Bộ Công an; sự buông lỏng quản lý và vi phạm quy định của pháp luật trong công tác quản lý nhà, đất công sản của một số lãnh đạo UBND TP Đà Nẵng và UBND TPHCM.

Trong thời gian từ năm 2009 đến năm 2016, trên cơ sở đề xuất của Phan Văn Anh Vũ, Nguyễn Hữu Bách (khi đó, lần lượt giữ các chức vụ Trưởng phòng, Phó Cục trưởng, Tổng cục V, Bộ Công an) đã tham mưu để Phan Hữu Tuấn (khi đó, lần lượt giữ các chức vụ Cục trưởng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục V, Bộ Công an) duyệt, ký phát hành hoặc ký nháy trình lãnh đạo Bộ Công an ký nhiều văn bản gửi UBND TP Đà Nẵng, UBND TP HCM và một số cơ quan, đơn vị, đề nghị tạo điều kiện cho Công ty CP Xây dựng Bắc Nam 79 và Công ty CP Nova Bắc Nam 79 (với danh nghĩa là tổ chức bình phong của Tổng cục V, Bộ Công an) được nhận quyền sử dụng đất và tài sản trên đất không qua đấu giá, xin giảm giá, giảm hệ số sinh lợi và một số ưu đãi khác tại 7 nhà, đất công sản, dự án bất động sản…

MiA

Theo cafef.vn