(Vtrend.vn) Mứt vỏ bưởi nhập khẩu từ Thái Lan đang được bán rất nhiều trên mạng với giá lên đến 600.000 đồng/kg, gấp hơn 10 lần giá bán bưởi da xanh loại ngon của nông dân.
Nếu biết tận dụng tốt thì vỏ bưởi sẽ đem lại một nguồn thu đáng kể cho nông dân
Ông Đoàn Văn Khanh
Trong khi đó, vỏ bưởi ở Việt Nam đang bị vứt vào sọt rác. Một vài đơn vị cũng làm mứt vỏ bưởi bán với giá thấp hơn hàng Thái nhưng đầu ra èo uột do tâm lý chuộng hàng ngoại của người tiêu dùng.
Đắt gấp 10 lần bưởi da xanh
Các đầu mối kinh doanh sản phẩm này cho hay có khoảng 10 đơn vị nhập khẩu mứt vỏ bưởi của Thái về Việt Nam phân phối, nhiều nhất là dịp cuối năm với doanh thu hàng trăm tỉ đồng mỗi năm.
Chị Trương Thanh Ngọc (quận 3, TP.HCM) cho biết được một người bạn giới thiệu loại mứt vỏ bưởi sấy nhập khẩu từ Thái Lan.
Sau khi mua 5 hộp (200g/hộp) về dùng trong dịp tết, đến nay chị đã mua thêm nhiều lần loại mứt này để nhâm nhi ở phòng làm việc.
“Ban đầu mình mua vì bạn giới thiệu và trên bao bì ghi rất nhiều công dụng cho sức khỏe. Khi ăn cũng thấy khá lạ và ngon, có vị the the và hương bưởi tự nhiên nữa” – chị Ngọc cho biết.
Dù được làm từ vỏ là phần bỏ đi của trái bưởi nhưng mứt vỏ bưởi Thái Lan có giá không hề rẻ, dao động ở mức 500.000-600.000 đồng/kg.
Tuy nhiên, do nhà sản xuất đóng gói trong các hộp có trọng lượng 200g, tương đương 100.000-120.000 đồng/hộp nên dễ mua.
Theo khảo sát, trên thị trường đang có khá nhiều đơn vị bán sỉ và lẻ mứt vỏ bưởi của Thái Lan. Người bán quảng cáo vỏ bưởi được lựa chọn kỹ càng, xắt nhỏ, trộn đường và sấy theo phương pháp sấy thăng hoa nên giữ trọn vẹn hương vị của vỏ bưởi.
Ngoài việc được giới thiệu là loại thực phẩm ăn cho vui, sản phẩm này còn được nhiều người tin hỗ trợ hệ tiêu hóa và chữa trị nhiều loại bệnh khác.
Ông Vinh, một đầu mối nhập khẩu mứt vỏ bưởi của Thái Lan về phân phối tại Việt Nam trong 5 năm qua, cho biết thời gian đầu người tiêu dùng Việt Nam không biết loại thực phẩm này nhưng đến nay “mỗi năm doanh thu của tôi không dưới 20 tỉ đồng.
Đó là riêng mứt vỏ bưởi, chưa kể nhiều loại trái cây sấy khác của Thái Lan. Ngày càng có nhiều người biết và thích sản phẩm này nên thị trường còn rộng mở trong thời gian tới, nhất là những dịp cuối năm” – ông Vinh cho biết.
Hàng Việt lép vế
Cũng theo ông Vinh, trên thị trường có khoảng 10 nhà phân phối các loại mứt vỏ bưởi Thái Lan, doanh thu mỗi năm lên đến cả trăm tỉ.
“Tôi cũng biết là Việt Nam có nhiều bưởi và cả xuất khẩu nhưng không có nhiều nơi sản xuất mứt vỏ bưởi. Hơn nữa, người Việt thích hàng nhập khẩu hơn” – ông Vinh cho hay.
Theo tìm hiểu, ngoài mứt vỏ bưởi của Thái Lan, trong nước cũng có một vài đơn vị nghiên cứu và sản xuất loại mứt vỏ bưởi. Nhưng so với sức tiêu thụ của hàng Thái thì hàng Việt yếu thế hơn hẳn do có giá rẻ hơn.
Ông Đoàn Văn Khanh, chủ doanh nghiệp tư nhân Long Thuận (Tiền Giang), cho biết từ 5 năm qua đơn vị này đã tận dụng vỏ bưởi là phụ phẩm trong quá trình làm nước bưởi ép cô đặc để làm mứt. Tuy nhiên, sản lượng tiêu thụ rất hạn chế vì người tiêu dùng không quen.
“Cũng một phần do chúng tôi chưa quảng bá nhiều để người dân biết và hiểu sản phẩm” – ông Khanh nói.
Cũng theo ông Khanh, Việt Nam chưa thể có những cơ sở sản xuất mứt vỏ bưởi lớn để có thể cạnh tranh với hàng Thái vì thiếu ngành chế biến sản phẩm từ trái bưởi.
Đến nay trái bưởi chủ yếu bán dưới dạng quả tươi cho người tiêu dùng, do đó vỏ bưởi là thứ bỏ đi.
“Vì vậy mới có nghịch lý mứt vỏ bưởi nhập khẩu giá cao gấp 10 lần trái bưởi da xanh. Nếu biết tận dụng tốt thì vỏ bưởi sẽ đem lại một nguồn thu đáng kể cho nông dân” – ông Khanh cho hay.
TS Nguyễn Tấn Dũng, Đại học Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, nói rằng đa số sản phẩm nông sản của Việt Nam là bán thô, trái cây phần lớn là xuất khẩu qua Trung Quốc.
Tâm lý chuộng ngoại
Tỉ lệ chế biến nông sản thực phẩm của Việt Nam rất thấp. Không chỉ có tâm lý ưa chuộng thực phẩm ngoại mà ngay cả công nghệ máy móc do người trong nước sản xuất ra cũng ít được quan tâm hay tin tưởng.
Người ta cứ hay dùng cụm từ “sản phẩm được sấy bằng phương thức sấy thăng hoa” để quảng bá sản phẩm như một khái niệm cao siêu.
Thực tế công nghệ này đã được Đại học Sư phạm kỹ thuật TP.HCM nghiên cứu và ứng dụng thành công.
“Trong những năm qua, chúng tôi đã cung cấp cho nhiều đơn vị trong và ngoài nước để đưa vào sản xuất với giá chỉ bằng 1/3 so với hàng cùng loại nhập khẩu. Vấn đề là niềm tin của người tiêu dùng vào sản phẩm nội địa” – ông Dũng nói.
TS Lê Trung Thiên, khoa công nghệ thực phẩm (ĐH Nông lâm TP.HCM) – người đang hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp bằng dự án sấy khô nông sản trong đó có sản phẩm mứt vỏ bưởi, cho rằng sở dĩ mứt vỏ bưởi của Thái Lan tiêu thụ mạnh vì tâm lý chuộng hàng ngoại của người Việt.
Các cơ sở trong nước làm mứt vỏ bưởi đang bán với giá bằng một nửa so với hàng Thái Lan nhưng rất khó tiêu thụ.
“Tôi đã đi thực tế tại Thái Lan và thấy rằng họ cũng chế biến ở những cơ sở nhỏ chứ không phải là nhà máy lớn như quảng bá. Và công nghệ sấy cũng bình thường như ở VN chứ không có gì cao siêu cả” – ông Thiên cho hay.
Theo tuoitre.vn
Minh Xuân