(Vtrend.vn) Có mùi thơm ngọt quyến rũ, cành và hoa cong rủ duyên dáng là những điểm khác biệt khiến nhiều đại gia ưa chuộng loại địa lan này.

Thông thường, lan hồ điệp hay các loại lan khác giá cao cũng chỉ vài triệu đồng một chậu. Thế nhưng, địa lan Sapa lại là một trong những loại thuộc top có giá đắt nhất trên thị trường hiện nay, được nhiều đại gia săn đón, đặc biệt là vào dịp Tết.

Một đại gia ở Sài Gòn cho biết, ông vừa đặt một chậu địa lan ở Sa Pa có giá trên 100 triệu đồng. Loại này màu xanh ngọc, cành lá xum xuê tượng trưng cho sự no đủ và may mắn nên giá trên theo ông không quá cao.

“Các năm trước tôi sưu tầm mai cổ nhưng năm nay quyết định chọn một loại cây khác để chiêm ngưỡng và trưng bày tại nhà”, vị này cho biết.

Kỳ công trong việc chăm sóc hơn 500 gốc địa lan, ông Vương Xuân Phương, chủ vựa lan Tả Phìn (Sa Pa) cho biết, năm nay thời tiết thiếu thuận lợi nên địa lan chết cũng nhiều. Gia đình ông phải chăm sóc cẩn thận mới có được 500 gốc. Tuy nhiên, từ nay tới Tết nếu thời tiết liên tục thay đổi đột ngột hoa cũng sẽ khó nở đúng ngày. Hiện, giá một cành địa lan từ 400.000 đến 2,4 triệu đồng  (tùy số lượng bông và cành dài hay ngắn).

“Tôi có khoảng 3 chậu giá tới 120 triệu đồng đã được các đại gia ở Lào Cai, Cần Thơ và Sài Gòn đặt mua. Ngày 22 trở ra là bắt đầu giao cho khách. Chậu to nhất có trên 120 cành, với những chậu này rất khó chăm nên dù khách đặt, chúng tôi vẫn phải chăm sóc sao cho nở hoa đẹp mới giao”, ông Phương nói và cho biết, trong số 500 chậu tại vườn thì 80% lượng hàng đã được khách đặt chơi Tết.

Ông Chiêu, chủ vựa 700 gốc lan ở xã Tả Phìn cho biết, từ tháng 10 âm lịch đã có người đến đặt hàng. Với những chậu giá 100 triệu đồng được khách đặt từ rất sớm. Theo ông, loại này  khó trồng, lại hiếm nên có bao nhiêu là khách đặt tới đó, đa phần đến từ Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Sài Gòn.

Theo ông Phương, trồng hoa địa lan rất khó và phải kiên trì. Đặc biệt, loại này ở khu vực phía Bắc chỉ thích hợp với khí hậu Sa Pa nên số lượng cung ứng ra thị trường không nhiều. Để có chậu địa lan bán Tết, người trồng phải mất 3 năm gieo củ, một năm chăm sóc. Để năm nào cũng có hàng cung ứng, ông Phương thường trồng luân phiên. Không những vậy, tỷ lệ để cây nở hoa cũng rất thấp, biết kỹ thuật và may mắn, hoa nở hai phần ba là thành công.

“Loại này phải chăm sóc kỹ, nếu có mưa tuyết kéo dài, phải di chuyển cả vườn xuống những địa điểm có địa hình thấp hơn, nhiệt độ ấm để tránh cây bị chết, hoặc nở hoa sớm trước Tết. Vào mùa hè thì phải có máy phun mưa giữ nhiệt độ ổn định cho cây phát triển”, ông Phương nói và cho biết tỷ lệ rủi ro trong quá trình trồng của địa lan Sa Pa rất cao. Nếu không cho địa lan nở hoa vào đúng dịp Tết thì người trồng lỗ nặng. Năm nay, chi phí đầu tư cho vựa lan của ông lên tới trên 2 tỷ đồng, chưa tính chi phí vận chuyển cho khách.

“Điểm khác biệt của địa lan Sa Pa so với các giống khác là hoa phải gần 3 tháng mới tàn mà không cần bất cứ chất bảo quản nào. Đây là loại hoa rủ chứ không thẳng đứng như địa lan Đà Lạt. Mỗi chùm có nhiều bông, chiều cao có thể lên tới 90 cm. Đặc biệt, địa lan kiếm Trần Mộng có mùi thơm ngọt, dịu nhẹ và không hắc như các loại khác. Ngoài ra, loại hoa này chỉ có 4 màu đặc trưng là vàng chanh, xanh lơ, xanh ngọc và vàng nâu. Trong đó, xanh ngọc là màu khách ưa chuộng nhất”, ông Phương chỉ ra điểm đặc biệt của loài hoa này.

Địa lan, ngoài mang ý nghĩa may mắn, xum xuê no đủ thì cái tên loài hoa này còn gắn với một câu chuyện về vua Trần Anh Tông. Trong một đêm, nhà vua nằm mơ thấy một loài hoa địa lan rất lạ, đẹp và thơm. Khi tỉnh lại, ông luyến tiếc mãi giấc mộng về một loài hoa huyền diệu ấy. Kỳ lạ thay, trong ngày hôm đó có người tiến vua loài hoa hệt như trong mộng, do đó hoa đã được đặt tên theo giấc mộng: địa lan kiếm Trần Mộng.

HỒNG CHÂU

(Doanh nghiệp viết)