(Vtrend.vn)Grab “tố” tỉnh Khánh Hoà “có sự bất bình đẳng” với mình còn Sở Giao thông tỉnh cho rằng hãng xe công nghệ này “vi phạm” nên mới từ chối.
Trong thông cáo vừa phát đi, Công ty TNHH Grab Việt Nam cho biết đã nhiều lần gửi văn bản, làm việc trực tiếp với Sở Giao thông Vận tải Khánh Hoà để thí điểm xe hợp đồng điện tử (GrabCar). Tuy nhiên, sau 9 lần gửi văn bản và làm việc với UBND, Sở Giao thông, Grab vẫn chưa nhận được hướng dẫn cụ thể nào.
GrabCar mong muốn có mặt tại Khánh Hoà. Ảnh: CNBC. |
Đồng thời, Grab cũng nghi ngờ rằng, đang có sự đối xử không công bằng của Sở Giao thông Vận tải Khánh Hòa với các đơn vị tham gia chương trình thí điểm tại đây.
Grab dẫn chứng một công văn của Sở Giao thông vận tải Khánh Hòa nêu: “từ tháng 4/2017 sẽ dừng thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối vận tải hành khách theo hợp đồng của công ty TNHH GrabTaxi trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, để tập trung cho hai đơn vị thí điểm khác là Công ty cổ phần Ánh Dương Việt Nam (Vinasun) và Công ty cổ phần SUN Taxi với số lượng xe thực hiện là 100 xe”.
Theo Grab, công văn này cũng kiến nghị không bổ sung các doanh nghiệp thực hiện thí điểm Đề án 24. Tuy nhiên, đến ngày 10/11/2017, Sở Giao thông vận tải Khánh Hòa lại cho phép Công ty cổ phần Khai thác bến xe và dịch vụ vận tải Khánh Hòa tham gia thông qua ứng dụng EMDDI.
“Việc Ủy ban nhân dân và Sở Giao thông vận tải Khánh Hòa yêu cầu dừng thí điểm dịch vụ GrabCar sẽ tạo ra những hậu quả khó lường như các tài xế bị tước mất cơ hội việc làm, cơ hội cải thiện cuộc sống, khách hàng mất đi một lựa chọn,tỉnh mất đi một khoản thuế…”, phản hồi của Grab nêu. Grab cho biết, vẫn đang làm việc tích cực với UBND và Sở Giao thông vận tải Khánh Hòa để giải thích và xin hướng dẫn cụ thể.
Trao đổi với VnExpress, ngày 14/8, Sở Giao thông tỉnh Khánh Hòa – cho hay, Grab từ khi được Bộ Giao thông cho phép triển khai thí điểmđề án tại địa phương đã có nhiều sai phạm.
Hồi tháng 8/2017, công ty này có công văn gửi Sở Giao thông để triển khai GrabTaxi ở Khánh Hòa. Sở Giao thông sau đó yêu cầu đơn vị làm việc với các doanh nghiệp, hợp tác xã hành khách bằng taxi đang hoạt động để thỏa thuận, hợp tác nhưng Grab đã không thực hiện.
Theo đề án thí điểm ứng dụng khoa học công nghệ kết nối vận tải hành khách theo hợp đồng của Bộ Giao thông, Grab được phép hoạt động tại Hà Nội, TP HCM, Khánh Hòa, Đà Nẵng và Quảng Ninh. Đồng thời, Grab không được làm việc trực tiếp với lái xe taxi khi chưa được sự đồng ý của đơn vị kinh doanh vận tải và Sở Giao thông vận tải địa phương.
“Tuy nhiên, đơn vị này đã trực tiếp làm việc với các lái xe để cài đặt phần mềm ứng dụng khoa học công nghệ, rồi cài đặt ứng dụng cho xe cá nhân khi chưa được Sở Giao thông cấp phù hiệu để hoạt động”, Giám đốc Sở Giao thông, ông Nguyễn Văn Dần nói.
Ngoài ra, Công ty Grab đã không báo cáo kết quả hoạt động; không có trụ sở và đại diện pháp lý tại Khánh Hòa để phối hợp với địa phương triển khai thực hiện.
Theo Sở Giao thông, từ 8/4, Công ty TNHH GrabTaxi vẫn tiếp tục cài đặt ứng dụng cho các xe trọng tải dưới 9 chỗ không có phù hiệu và xe do Sở Giao thông thuộc những địa phương khác quản lý để hoạt động tại Khánh Hòa. “Điều này đã làm ảnh hưởng đến trực tiếp đến vận tải, an toàn giao thông và môi trường kinh doanh vận tải, gây bức xúc cho các doanh nghiệp, hợp tác xã vận tải”, ông Dần nhấn mạnh.
Theo Giám đốc Sở, địa phương khuyến khích doanh nghiệp triển khai ứng dụng khoa học công nghệ, song phải đảm bảo tính khách quan để các bên làm việc hiệu quả, tạo tính công bằng. “Chúng tôi nhiều lần liên lạc và mời Grab làm việc, song đơn vị này không đến cũng chẳng báo cáo quá trình triển khai”, lãnh đạo Sở cho hay.
Trước những vấn đề trên, tỉnh Khánh Hòa giao Sở Giao thông phối hợp với các sở, ngành, cơ quan chức năng liên quan có biện pháp quản lý hoạt động ứng dụng taxi công nghệ. Ngoài ra, tỉnh cho biết kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định. Đồng thời, UBND tỉnh có văn bản trình Bộ Giao thông Vận tải, đề nghị dừng thí điểm với GrabTaxi và được Bộ thống nhất.
Trước đó, tại một tọa đàm hồi cuối tháng 3, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải – Lê Đình Thọ cho rằng, Sở Giao thông Vận tải hoàn toàn có đủ thẩm quyền trong việc cấp phù hiệu xe hợp đồng Uber, Grab nếu cảm thấy điều kiện kết cấu hạ tầng giao thông không đáp ứng, cần thiết có thể đề xuất dừng cấp phù hiệu.
“Ví dụ khi anh tổ chức giao thông thấy ùn tắc thì anh cho phép xe này đi, xe kia dừng. Đây là thẩm quyền trong quản lý nhà nước của các sở giao thông tại địa phương. Chúng tôi đồng ý thí điểm các phương tiện này song khi quá tải thì tạm dừng là việc bình thường”, ông Thọ nói.