(Vtrend.vn) Ông Hoàng Đức Minh, Cục trưởng Cục Nhà giáo – Bộ Giáo dục và Đào tạo, khẳng định như trên trước việc hàng ngàn giáo viên ở Cà Mau, Đắk Lắk, Hà Nội… bị cắt hợp đồng
Phóng viên: Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chỉ đạo việc cắt giảm biên chế giáo viên (GV) (theo Nghị quyết số 19) không được thực hiện máy móc mà phải căn cứ thực tế. Tuy nhiên, việc chấm dứt hợp đồng của GV đang diễn ra đồng loạt ở nhiều tỉnh, thành gây nhiều bức xúc. Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đánh giá thế nào về tình trạng này?
– Ông Hoàng Đức Minh: Khi biết thông tin nhiều GV rơi vào cảnh mất việc sau thời gian dài cống hiến do bị chấm dứt hợp đồng làm việc, tôi rất buồn và chia sẻ với những nỗi niềm của các GV đó.
Thẩm quyền giao biên chế, tuyển dụng, quản lý viên chức ngành giáo dục thuộc UBND các cấp và ngành nội vụ. Việc phân công đầu mối phụ trách công tác tuyển dụng, sử dụng và quản lý đội ngũ GV của các địa phương còn nhiều bất cập. Ngành giáo dục, đặc biệt là phòng GD-ĐT, không được giao nhiệm vụ chủ trì, đầu mối tham mưu giúp UBND huyện tuyển dụng GV nên không chủ động được trong việc điều tiết số lượng, cơ cấu đội ngũ theo môn học, cấp học dẫn đến tình trạng thừa/thiếu GV giữa các cấp học trong cùng một địa phương.
Các giáo viên bị chấm dứt hợp đồng ở Krông Pắk, Đắk Lắk bức xúc kéo lên UBND huyện phản đối Ảnh: CAO NGUYÊN
Đặc biệt, một số nơi đã vi phạm quy định của pháp luật về tuyển dụng, điều động, bố trí, phân công GV, hợp đồng lao động (HĐLĐ) không đúng quy định. Mặt khác, ở những địa phương đó, các cơ quan có thẩm quyền quản lý trực tiếp cũng chưa kiểm tra, giám sát thường xuyên, liên tục đối với công tác tuyển dụng, sử dụng đội ngũ dẫn đến những bất cập mà báo chí đã nêu.
Các cấp chính quyền cần xem xét, tính toán đến các chính sách ưu tiên đối với GV có kinh nghiệm, nhiều năm công tác, GV có hoàn cảnh khó khăn trong việc ký kết hợp đồng làm việc hoặc tuyển dụng.
Dù Bộ GD-ĐT không thể can thiệp vào biên chế của các địa phương nhưng những người thầy đều mong nhận được sự ủng hộ của bộ. Ý kiến của ông như thế nào về việc này?
– Nghị quyết 19 đặt ra yêu cầu “giảm tối thiểu 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với năm 2015” nhằm thực hiện mục tiêu đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.
Việc cắt giảm biên chế GV theo tinh thần nghị quyết này là cắt giảm những viên chức không đủ phẩm chất, năng lực thực hiện nhiệm vụ đáp ứng yêu cầu của vị trí việc làm, giúp tinh gọn bộ máy và nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc.
Trong khi đó, việc chấm dứt HĐLĐ của GV đã và đang diễn ra đồng loạt ở nhiều địa phương do các địa phương đã thực hiện HĐLĐ không đúng quy định trong các đơn vị sự nghiệp công lập. Quan điểm của Bộ GD-ĐT là việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức (trong đó có GV) thực hiện theo đúng quy định của Luật Viên chức và các văn bản hướng dẫn thực hiện luật và quan điểm chỉ đạo của Đảng và nhà nước, địa phương. Đơn vị nào làm sai thì đơn vị đó chịu trách nhiệm.
Để bảo đảm quyền lợi GV, Bộ GD-ĐT đã có những động thái gì?
– Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nội vụ đã họp bàn với Bộ GD-ĐT thống nhất chỉ đạo UBND các tỉnh, thành rà soát vấn đề biên chế, HĐLĐ đối với GV; rà soát, tổng hợp về dân số, số học sinh trên địa bàn từ năm 2015-2018 nhằm làm rõ việc tăng, giảm dân số và tăng, giảm học sinh các cấp học, bậc học. Trên cơ sở đó, tổng hợp nhu cầu về GV cần tăng thêm để Bộ Nội vụ thống nhất với Bộ GD-ĐT phương án trình Chính phủ xem xét, quyết định; không để xảy ra tình trạng có trường, lớp, học sinh mà không có GV giảng dạy.
Bên cạnh đó, Bộ GD-ĐT cũng đã có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành đôn đốc thực hiện tinh giản biên chế ngành giáo dục. Bộ đề nghị các địa phương không cắt giảm cơ học chỉ tiêu biên chế giao hằng năm để thực hiện tinh giản biên chế mà cần làm tốt việc đánh giá phẩm chất, năng lực cán bộ quản lý, GV… để sàng lọc, phân loại làm căn cứ tinh giản biên chế.
Theo nld.com.vn
Minh Xuan.