(Vtrend.vn) Các nghiên cứu của nước ngoài chưa đưa ra những kết luận rõ ràng trong việc so sánh tác động tới môi trường của xe điện và xe sử dụng động cơ đốt trong. Tại Việt Nam, những nghiên cứu về tính hiệu quả của xe điện cũng chưa được thực hiện.

  Tuy có nhiều tiến bộ trong công nghệ pin, nhưng xe điện vẫn có nhiều điểm thua kém so với xe sử dụng động cơ đốt trong. Tính thân thiện với môi trường cũng đang được đặt dấu hỏi khi pin của xe điện phải thay thế sau mỗi 3 năm.

Chung quanh vấn đề này, GS.TS Hoàng Xuân Cơ (Đại học Khoa học tự nhiên), chuyên gia nghiên cứu môi trường đã trả lời thắc mắc của nhiều bạn đọc báo Trí Thức Trẻ qua buổi giao lưu trực tuyến.

GS.TS Hoàng Xuân Cơ: Xe điện là xu hướng nhưng chưa có nghiên cứu khẳng định “xanh” hơn xe xăng - Ảnh 1.

Các phương tiện cơ giới đang đóng góp bao nhiêu phần trăm trong hiện trạng ô nhiễm không khí của thành phố?

Giao thông là nguồn phát sinh nhiều chất gây ô nhiễm không khí như CO, NOx, bụi PM (PM10, PM2,5, PM1,0) và tiếng ồn. Vì vậy giảm phát thải từ giao thông sẽ góp phần nâng cao chất lượng không khíở Hà Nội.Điều này có thể thực hiện thông qua chính sách nâng chuẩn khí thải đối với phương tiện, sử dụng nhiên liệu thân thiện với môi trường, cải thiện cơ sở hạ tầng (đặc biệt là chất lượng đường bộ), tăng cường dịch vụ giao thông công cộng, giảm số lượng xe máy,…

Mỗi người cũng có thể góp phần vào việc giảm phát thải như giảm sử dụng phương tiện cá nhân, tiết kiệm nhiên liệu, tránh lãng phí không cần thiết,… Vì vậy, nếu cả hệ thống vào cuộc có thể cải thiện được chất lượng không khí.

GS.TS Hoàng Xuân Cơ: Xe điện là xu hướng nhưng chưa có nghiên cứu khẳng định “xanh” hơn xe xăng - Ảnh 2.

Hiện trạng ô nhiễm không khí sẽ được cải thiện như thế nào nếu chuyển đổi phương tiện sử dụng nhiên liệu xăng sang điện?

Đây cũng là giải pháp giảm ô nhiễm tại chỗ. Nhưng nhu cầu điện gia tăng có thể phải xây dựng thêm nhà máy nhiệt điện. Các nhà máy như vậy sẽ phát thải ô nhiễm ở nhiều nơi khác.Tổng lượng phát thải toàn lãnh thổ có thể không giảm, thậm chí có thể tăng lên.

Xe điện sử dụng ắc quy nên góp phần vào phát thải chất ô nhiễm. Khi hết hạn sử dụng, ắcquy sẽ trở thành chất thải nguy hại.Nếu nguồn điện dùng cho xe điện là điện sạch (thủy điện, phong điện, điện mặt trời,…) thì sử dụng xe điện chắc chắn sẽ mang lại hiệu quả cao.

GS.TS Hoàng Xuân Cơ: Xe điện là xu hướng nhưng chưa có nghiên cứu khẳng định “xanh” hơn xe xăng - Ảnh 3.

Có ý kiến cho rằng xe điện gây ô nhiễm môi trường hơn cả xe xăng. Là chuyên gia về môi trường, ông có đánh giá như thế nào?

Thật ra, xem xét kỹ vấn đề này phải dựa vào những nghiên cứu khoa học cụ thể. Theo tôi biết, ở Việt Nam chưa có nhiều nghiên cứu về vấn đề này. Kết luận của các nghiên cứu chính thống ở nước ngoài cũng chưa thực sự rõ ràng. Tuy nhiên, một số quan điểm nổi trội, có thể tham khảo như sau:

Theo nghiên cứu của Brazil, có khoảng 900.000 xe máy ở khu vực Sao Paulo Metropolitan (SPMR). Chúng đóng góp 23% mức độ tiếng ồn tương đương (Leq) của đường phố và phát thải 21% CO, 12,8% HC và 2,1% NOx khí thải (Nghiên cứu của Brazil).

Nghiên cứu tại Trung Quốc cho thấy, xe đạp điện có thể là một giải pháp hấp dẫn để giảm nguy cơ tiếp xúc của con người với tiếng ồn giao thông quá cao trong một thành phố nhiều xe máy. Đặc biệt, trong khu vực đô thị mà lưu lượng xe máy chiếm ưu thế, tỷ lệ tiếng ồn đạt tiêu chuẩn 70 dB (A) tăng đáng kể từ 12,2% lên 41,9% khi 100% xe máy xăng ở kịch bản giao thông thực tế đã được thay thế bởi xe đạp điện.

Vấn đề nan giải nhất đối với loại phương tiện này là pin axit chì trong xe điện có tỷ lệ hao hụt chì cao trong quá trình sản xuất, chế tạo và tái chế.Hầu hết các phương tiện cơ giới khác cũng sử dụng pin axit chì, nhưng tỷ lệ sử dụng của chúng thấp hơn và do đó chúng có tỷ lệ phát thải chì trên mỗi cây số lưu thông thấp hơn.

Mặt khác, một lượng lớn nguyên, nhiên liệu như điện bị tiêu tốn trong quá trình sản xuất than và chì – 2 nguyên liệu chính trong pin axit chì mà xe điện sử dụng. Như vậy, mức phát thải khi sử dụng xe điện phải tính đến lượng phát thải khí từ những nhà máy sản xuất điện, cung cấp đầu vào cho sản xuất phương tiện này.

GS.TS Hoàng Xuân Cơ: Xe điện là xu hướng nhưng chưa có nghiên cứu khẳng định “xanh” hơn xe xăng - Ảnh 4.

Như vậy, sử dụng xe điện có thực sự giúp giảm ô nhiễm môi trường?

Các kết quả nghiên cứu tôi vừa đề cập ở trên đều nhấn mạnh khả năng tác động tới môi trường của xe điện nói chung và ắc quy nói riêng là khá lớn. Tôi cho rằng, cách tiếp cận, đánh giá phải bao quát hết các loại tác động môi trường, theo suốt vòng đời, trong phạm vi không gian đủ rộng thì mới kết luận được liệu đi xe máy điện có giảm được ô nhiễm môi trường hay không.

Ô nhiễm tiếng ồn do xe điện gây ra không đáng kể so với xe sử dụng động cơ đốt trong. Nếu xét riêng việc phát thải chất ô nhiễm không khí trực tiếp thì rõ ràng xe điện tốt hơn xe động cơ đốt trong. Nhưng xét kỹ hơn thì điện lại được sản xuất từ các nhà máy nhiệt điện chạy than có mức phát thải chất ô nhiễm không nhỏ.

GS.TS Hoàng Xuân Cơ: Xe điện là xu hướng nhưng chưa có nghiên cứu khẳng định “xanh” hơn xe xăng - Ảnh 5.

Vậy theo ông xe điện có thể gây ô nhiễm môi trường ở khía cạnh nào?

Theo tôi, việc sử dụng xe điện có nguy cơ gây tác động đến môi trường ở 3 điểm:

Thứ nhất, năng lượng điện sử dụng có thể từ nguồn gây ô nhiễm (ví dụ nhiệt điện than) nên xe điện gián tiếp phát thải chất ô nhiễm vào môi trường.

Thứ hai, ắc quy dùng cho xe điện là nguồn gây tác động môi trường khá lớn, cả khi sử dụng và khi thải bỏ.

Thứ ba, xử lý xe điện thải bỏ cũng là khâu có tác động đến môi trường

Làm sao để tránh nguy cơ gây ô nhiễm môi trường từ việc sử dụng xe điện?

Theo tôi, có 4 vấn đề cần lưu ý nếu sản xuất, sử dụng xe điện:

– Lựa chọn sản xuất, nhập khẩu dòng xe điện tốt, ít tác động môi trường.

– Có hệ thống duy tu, bảo dưỡng thích hợp, thuận tiện cho người tiêu dùng.

– Có hệ thống thu gom xe, ắc quy không còn sử dụng và xử lý bằng các phương pháp tiên tiến.

 – Có hệ thống nạp điện thuận tiện tương tự việc phân phối xăng cho xe sử dụng động cơ đốt trong hiện nay, đặc biệt ở các chung cư cao tầng.
GS.TS Hoàng Xuân Cơ: Xe điện là xu hướng nhưng chưa có nghiên cứu khẳng định “xanh” hơn xe xăng - Ảnh 6.

Theo ông, người tiêu dùng sẽ chọn phương tiện nào khi cân nhắc giữa tiện ích và bảo vệ môi trường?

Tiện ích thì tùy người, khá khó để xác định với từng đối tượng. Nhưng điểm chung là các loại phương tiện đều gây ảnh hưởng đến môi trường. Mặc dù xe điện có nguy cơ gây ô nhiễm như đã trình bày ở trên, nhưng về lâu dài, chuyển dần sang sử dụng xe điện là đúng. Thế giới đang chuyển sang sử dụng nguồn điện sạch hơn để giảm ô nhiễm từ các nhà máy điện và chúng ta cũng vậy.

Khi so sánh mức giá,xe điện rẻ hơn xe động cơ đốt trong, cũng không tốn nhiên liệu bằng xe sử dụng xăng dầu. Như vậy, xét về lợi ích kinh tế là ổn. Đi trong thành phố, hai loại xe cũng không khác nhau nhiều, xe điện có khi còn êm hơn.

Tuy nhiên, quãng đường xe điện đi được sau một lần sạc pin không được dài lắm.Nó cũng chỉ di chuyển được trên địa hình tương đối bằng phẳng trong khi xe máy đi được trên nhiều loại địa hình. Nhiều khách hàng cũng còn gặp khó khăn trong sửa chữa xe điện do các vấn đề hậu mãi của doanh nghiệp xe điện chưa tốt.

Ngoài ra, hệ thống cung cấp nhiên liệu cho xe điện chưa hoàn chỉnh và cần được cải thiện để ổn hơn.Các doanh nghiệp tham gia vào thị trường phải tính toán kỹ vấn đề này. Nếu xây dựng được các trạm nạp điện sử dụng năng lượng mặt trời thì càng tốt, và hoàn toàn làm được.

GS.TS Hoàng Xuân Cơ: Xe điện là xu hướng nhưng chưa có nghiên cứu khẳng định “xanh” hơn xe xăng - Ảnh 7.

Việt Nam có số lượng xe máy sử dụng động cơ đốt trong nhiều nhất thế giới. Liệu Việt Nam có trở thành nghĩa địa xe máy khi người dân chuyển đổi sang sử dụng xe điện?

Viễn cảnh này chắc không phải đợi lâu, bởi nếu “cấm” ngay thì sẽ không biết lấy chỗ nào làm “nghĩa trang” xe máy. Các nước tiên tiến đã xây dựng “nghĩa trang” cho ô tô, xe máy và hình thành quy trình xử lý phương tiện thải bỏ. Việt Nam cũng có thể học tập và áp dụng. Ngay từ bây giờ, cần phải có kế hoạch thu gom, xử lý ô tô và xe máy thải bỏ.Nếu không sẽ đến lúc không thể xử lý hết, gây cảnh tượng không mong muốn.

Với tiến bộ khoa học công nghệ, việc xử lý ô tô, xe máy không còn sử dụng sẽ ngày càng hiệu quả. Tác động của kinh tế thị trường, lợi nhuận sẽ thúc đẩy sự ra đời của các công ty xử lý rác. Nhà nước cần có cơ chế hỗ trợ để các công ty như vậy có thể thực hiện tốt công việc xử lý phương tiện thải bỏ.

Hiện nay, xu hướng coi trách nhiệm xử lý thuộc về cơ sở sản xuất ra sản phẩm cũng thúc đẩy công tác thiết kế, sản xuất sản phẩm gắn liền với xử lý khi sản phẩm bị thải bỏ.Mặt khác,câu chuyện coi trọng “rác là tài nguyên” cũng là hy vọng để giải quyết được vấn đề này.

MP

Theo cafef.vn