Theo TS Khuất Thu Hồng, bộ quy tắc chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc liệt kê hành vi khá rõ, giúp doanh nghiệp thực thi luật lao động tốt hơn.
TS Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Nghiên cứu và Phát triển xã hội (ISDS), đánh giá dự thảo Bộ quy tắc đã nhận diện hành vi quấy rối tình dục khá cụ thể, song vài chi tiết diễn giải chưa rõ ràng như “cái nhìn gợi tình, nháy mắt liên tục, các cử chỉ của ngón tay” dễ dẫn đến hiểu nhầm hoặc bối rối.
Hành vi “nhìn gợi tình” nên được diễn giải là nhìn chằm chằm vào cơ thể khiến đối phương xấu hổ và thấy bị xúc phạm. Bộ quy tắc vẫn đang hoàn thiện, ban soạn thảo có thể chỉnh sửa từ ngữ cho sát nghĩa, như “cái nhìn khiếm nhã”, “nháy mắt mang ngụ ý tình dục” và “dùng ngón tay biểu hiện cử chỉ thô tục”.
Quấy rối tình dục ít khi để lại bằng chứng, trừ những vụ nghiêm trọng gây tổn thương cơ thể hoặc có ghi âm, ghi hình. Một khi xảy ra thì môi trường làm việc đã bị ô nhiễm, các mối quan hệ trở nên căng thẳng, chưa kể kiện cáo kéo dài ảnh hưởng đến sản xuất. Vì thế bà Hồng cho rằng các hành vi quấy rối được liệt kê càng chi tiết càng tốt để nạn nhân dễ dàng nhận diện, tố cáo. Người có trách nhiệm xử lý cũng có cơ sở khi tiếp nhận thông tin.
Mục tiêu quan trọng của bộ quy tắc là giáo dục nâng cao nhận thức và ngăn chặn những hành vi xấu, chứ không chỉ để xử lý khi xảy ra sự việc. Với những hành vi quấy rối đã được nhận diện rõ ràng, bộ quy tắc như “cầm tay chỉ việc” cho doanh nghiệp áp dụng, chỉ cần điều chỉnh phù hợp với đặc thù công việc để thực thi luật lao động tốt hơn mà không mất thêm chi phí.
Theo bà Hồng, doanh nghiệp nên hoan nghênh, áp dụng bộ quy tắc càng sớm càng tốt vì chỉ có lợi. Dù không phải văn bản pháp lý, không bắt buộc áp dụng, bộ quy tắc giúp cho doanh nghiệp thực hiện quy định phòng chống quấy rối tình dục trong Bộ luật Lao động 2019 và Nghị định 145/2020. Nó đặc biệt quan trọng trong bối cảnh Việt Nam gia nhập nhiều tổ chức, hiệp định thương mại thế giới.
Từng nhiều năm tham vấn xây dựng chính sách chống quấy rối tình dục, đưa vào nội quy doanh nghiệp FDI, TS Hồng cho biết nhiều công ty đã lường trước được hệ lụy, chủ động phòng ngừa trước cả khi Bộ luật Lao động năm 2019 có hiệu lực. Thời điểm đó, cán bộ chủ chốt của doanh nghiệp được đào tạo kỹ để nhận diện hành vi quấy rối, quy trình xử lý thế nào, nạn nhân cần báo cáo với ai, gọi điện đi đâu; khi nào có thể hòa giải nội bộ và khi nào phải đưa ra pháp luật.
Chuyên gia khuyến nghị doanh nghiệp Việt Nam tham khảo bộ quy tắc này để xây dựng thành quy trình xử lý nội bộ. Ví như lập bộ phận tiếp nhận thông tin gồm cán bộ công đoàn, nhân sự… và tập huấn kỹ cho họ quy định lẫn hướng xử lý để khi sự việc xảy ra không bị lúng túng. Người lao động nên coi việc ban hành bộ quy tắc là công cụ giúp bảo vệ quyền lợi và hãy yêu cầu doanh nghiệp thực hiện để làm việc trong môi trường an toàn, được tôn trọng.
TS Vũ Minh Tiến, Viện Công nhân Công đoàn, nhìn nhận hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc đã xảy không ít ở các nhà máy, cơ quan, văn phòng. Những nữ công nhân, nhân viên cấp dưới là nhóm yếu thế, dễ trở thành nạn nhân. Song do xấu hổ, sợ bị trù dập, mất việc làm, một phần ảnh hưởng bởi văn hóa Á Đông nên nhiều người không dám nói. Thậm chí khi thảo luận vấn đề này hoặc có sự việc, một phần dư luận còn nhìn nhận đó là “chuyện vui đùa, không trầm trọng”, chỉ người trong cuộc mới phải chịu đựng tổn thương cả thể chất lẫn tinh thần.
“Quấy rối tình dục tại nơi làm việc có thể là sóng ngầm hủy hoại sản xuất và quan hệ tại nơi làm việc”, ông Tiến nhận định, đặc biệt trong bối cảnh nhiều nhà máy gia công, sản xuất hàng hóa luôn được các nhãn hàng, người tiêu dùng yêu cầu tuân thủ pháp luật bảo vệ người lao động, gồm phòng chống hiệu quả mọi hành vi quấy rối tình dục.
Theo ông Tiến, luật lao động và nghị định hướng dẫn có hiệu lực từ năm 2021 bắt buộc doanh nghiệp đưa phòng chống quấy rối tình dục vào nội quy, xây dựng quy trình cụ thể và phải nghiêm túc thực hiện. Cơ quan quản lý cũng cần thanh kiểm tra xem có bao nhiêu doanh nghiệp chưa hoặc không xây dựng nội quy về vấn đề này, không quy định cụ thể hành vi nào bị kỷ luật, sa thải cũng như quy trình phát hiện, xử lý khi có sự việc xảy ra.
Khi đưa vào quy định nội bộ, doanh nghiệp phải tạo cơ chế khuyến khích, tuyên truyền để người lao động dám nói ra nếu trở thành nạn nhân của hành vi trên, như công đoàn, người sử dụng lao động có bộ phận phụ trách, số điện thoại sẵn sàng tiếp nhận các phản ánh. Quy trình tiếp nhận, xử lý sự việc có các bước cụ thể, hiệu quả và bảo vệ người lao động không bị trù dập, sa thải. Lao động cũng cần được trang bị thêm kỹ năng “thoát hiểm” khi bị quấy rối, như cách ứng phó với các hành vi, dùng điện thoại ghi âm, ghi hình tạo chứng cứ để tố cáo.
Trong năm 2022-2023, Viện Công nhân Công đoàn sẽ cùng một số cơ quan nghiên cứu khảo sát để có bức tranh chung về tình trạng quấy rối tình dục tại nơi làm việc nhằm hỗ trợ công đoàn cơ sở, doanh nghiệp xây dựng quy tắc phòng chống phù hợp với từng nhóm ngành nghề, độ tuổi lao động.
Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp VCCI vừa hoàn thiện dự thảo Bộ quy tắc chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc, trên cơ sở cập nhật quy tắc hồi năm 2015, dự kiến ban hành trong quý III/2022.
Ban soạn thảo định nghĩa quấy rối tại nơi làm việc là hành vi có tính chất tình dục của bất kỳ người nào với người khác mà đối phương không mong muốn hoặc không chấp nhận; phân chia dưới ba hình thức: Hành vi mang tính thể chất; quấy rối bằng lời nói và phi lời nói.
Theo Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, luật lao động và các văn bản đã hướng dẫn thi hành chi tiết nhằm phòng chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc, song do đặc thù của lĩnh vực, một số vấn đề không được luật quy định cụ thể nên cần có thêm tài liệu hướng dẫn kỹ thuật, giúp các bên xây dựng quy định nội bộ về nhận diện, phòng ngừa và xử lý hành vi này.