(Vtrend.vn) Rất nhiều nghệ sĩ trẻ Việt Nam đang lấy nghệ danh bằng tiếng nước ngoài. Vậy đó là cách chúng ta tiệm cận với quốc tế, hay là việc làm ‘sính’ ngoại?

Khoảng hơn 10 năm về trước, việc lấy nghệ danh để hoạt động trong làng giải trí theo kiểu Tây – ta bắt đầu trở thành xu hướng được sao Việt theo đuổi.

Kể từ thời điểm đó, nếu các khán giả lớn tuổi hay nghệ sĩ kì cựu tỏ ra không mấy hài lòng với việc “sính” ngoại này thì những khán giả trẻ thì lại đặc biệt yêu thích vì theo họ, chúng lạ và hợp xu hướng.

Nghệ danh là yếu tố quan trọng sẽ gắn bó với người nghệ sĩ trong suốt quá trình hoạt động nghệ thuật. Nó sẽ thể hiện một phần nào đó cá tính cũng như phong cách âm nhạc mà người nghệ sĩ muốn hướng đến.

Người Việt mà tên thuần… Tây!

Khi nhìn vào biển quảng cáo của một lễ hội âm nhạc bất kì, đôi khi khán giả sẽ bất ngờ vì thật khó để tìm thấy một cái tên tiếng Việt quen thuộc. Từ nhà sản xuất cho đến nhạc sĩ, ca sĩ, nhóm nhạc, vũ công,… đều mang những cái tên mà mới nghe qua, chẳng ai nghĩ đó là nghệ sĩ của Việt Nam.

Dễ thấy nhất là những bạn trẻ đến từ giới underground. Một năm trở lại đây, âm nhạc của cộng đồng này phát triển nhanh chóng với những sản phẩm gây bão với hàng trăm triệu lượt nghe.

Nhóm Space Speaker, thế hệ đầu của underground Việt Nam gồm 7 thành viên: Touliver, JustaTee, Kimmese, Rhymastic, Triple D, Ứng Duy Kiên và Soobin.

Đối với họ, có lẽ việc đặt nghệ danh “không đụng hàng” là cách để tạo sự khác biệt về cá tính cũng như nhấn mạnh phong cách âm nhạc “đường phố” mà họ theo đuổi.

Trước đây là hàng loạt cái tên lạ như Lil’Knight, JustaTee, King Lady, Mr.T, Yanbi, Cường Seven, Kimmese, Suboi,… và giờ là Masew, Xesi, Da LAB, Rhymastic, Đạt G, K-ICM, Osad,…

Nhiều nhóm nhạc Việt Nam hiện tại không chỉ có tên ngoại mà ngay cả việc xây dựng hình ảnh, phong cách âm nhạc cũng ngoại nốt. Trong hình là nhóm nhạc nam Uni5 với 6 thành viên: Toki, K.O, Toof.P, Cody, Lục Huy, Tùng Maru.

Những nghệ sĩ overground cũng không ngoại lệ. Từ Min, Chi Pu, Erik, Karik, Rum, Orange, Only C, Issac, Jun, Will, ST, Tronie, JayKii, Sara, JSOL, CARA, Andiez… cho tới các nhóm nhạc như Monstar, Uni5, Zero 9,… những cái tên Tây như vậy xuất hiện ngày càng nhiều trên thị trường nhạc Việt.

Bên cạnh đó, một số nghệ sĩ trẻ cũng chọn cách dùng nửa Tây nửa Việt như một cách giúp khán giả không nhầm lẫn mình với nghệ sĩ Thái Lan hay Hàn Quốc như Soobin Hoàng Sơn, Noo Phước Thịnh, Hoà Minzy, Hoàng Yến Chibi, Ali Hoàng Dương, Kai Đinh, Rocker Nguyễn,…

Sơn Tùng M-TP có một nghệ danh vừa Việt Nam nhưng cũng rất hiện đại và ý nghĩa như chính anh từng lý giải: “Tùng là cây tùng, Sơn là núi. Sơn Tùng là cây tùng mọc trên núi, vươn cao đón ánh nắng mặt trời. Còn M-TP đơn giản là viết tắt ba chữ cái đầu tiên của Music – Tài năng và Phong cách”

Dùng nghệ danh tây để khẳng định “cái tôi” và “quốc tế hoá” âm nhạc?

Giải thích cho điều này, nhiều nghệ sĩ và khán giả trẻ cho rằng khi âm nhạc Việt Nam dần vươn ra thế giới, việc lấy nghệ danh ngoại là một điều hợp lí, cần thiết và không đáng trách.

Nó thể hiện được cái tôi cùng sự độc đáo, phá cách trong âm nhạc của họ. Không phải cứ lấy nghệ danh nước ngoài là thờ ơ và xem nhẹ tiếng Việt.

Vậy thực tế thì sao?

Những nghệ sĩ nổi tiếng nhất với mức cát sê cao ngất ngưởng đều đa phần là những cái tên thuần Việt.

Từ Mỹ Tâm, Đàm Vĩnh Hưng, Hồ Ngọc Hà, Thu Minh, Hồ Quỳnh Hương cho đến những ngôi sao trẻ được yêu thích như Hương Tràm, Trúc Nhân, Văn Mai Hương, Bảo Anh,… họ đều là những người tiên phong trong âm nhạc và cống hiến cho khán giả những sản phẩm chất lượng.

Chẳng cần “sính ngoại”, Đàm Vĩnh Hưng, Thu Minh, Mỹ Tâm, Hồ Ngọc Hà, Tuấn Hưng vẫn là những ngôi sao hàng đầu Việt Nam.

Trong khi đó, rất nhiều nghệ danh “sính” ngoại đã và đang dần chìm vào quên lãng ở nền giải trí trong nước, chứ chưa nói đến khả năng lấn sân ra nước ngoài.

Cũng cần biết rằng nhiều nghệ sĩ từng một thời gian dài sinh sống, học tập và tiếp xúc với văn hoá phương Tây như Hà Anh Tuấn, Tóc Tiên, Thanh Bùi, Dương Triệu Vũ,… khi trở về nước hoạt động họ vẫn một lòng với cái tên thuần Việt của mình.

Nhiều sao Việt dù sinh sống nhiều năm ở nước ngoài nhưng khi trở về nước hoạt động nghệ thuật vẫn giữ tên thuần Việt.

Cũng không phải không có nghệ sĩ gốc Việt thành công ở nước ngoài nhưng vẫn giữ tên gốc của mình. NSND Đặng Thái Sơn – người mang niềm kiêu hãnh của Việt Nam vươn ra thế giới dù có quốc tịch Canada từ rất lâu nhưng bao năm qua, ông vẫn giữ nguyên tên Việt của mình.

Hay đạo diễn Trần Anh Hùng với những tác phẩm điện ảnh nhận được đánh giá cao từ đồng nghiệp quốc tế lẫn báo chí thế giới, dù có quốc tịch Pháp nhưng ông vẫn muốn người ta nhớ và nhắc tên Trần Anh Hùng.

Không chỉ thế, vợ ông Trần Nữ Yên Khê và mới đây cô con gái đang nối nghiệp mẹ, có phim tham dự Cannes cũng là chủ nhân của một cái tên thuần Việt: Trần Lãng Khê.

Thế mới biết, cái tên dù quan trọng thật, nhưng suy cho cùng cũng là vỏ bọc bên ngoài. Điều cần nhất vẫn luôn là năng lực bên trong và người nghệ sĩ đã cống hiến như thế nào cho nghệ thuật thì sẽ được nhớ đến, hâm mộ dù tên của họ ra sao…

MP

Theo Tuổi Trẻ Online