Thời 4.0, phụ nữ có thể tự do khẳng định mình trong công việc, trong cuộc sống, trở thành nhân vật chính trong câu chuyện cuộc đời mình.

Dù phong trào đòi và trao quyền bình đẳng cho phái nữ đã có gần 100 năm nay, nhưng, đến nay, phụ nữ không ít lần đối diện với các định kiến về trong gia đình, trong công việc như “đàn bà biết gì”, “đàn bà góc nhìn hạn hẹp”,  lương thấp hơn so với nam giới, khó có thể giữ chức vụ cao… Trong công việc và hôn nhân, nhiều trường hợp, phụ nữ lựa chọn giải pháp thỏa hiệp, lùi về phía sau để tránh những cuộc tranh cãi không đáng có, tránh những lời tổn thương có thể nhận được từ bạn bè, người thân.

“Cuộc đời của mỗi người như một thước phim. Ở đó, mỗi phụ nữ hãy là nhân vật chính trong bộ phim ấy để tỏa sáng, để truyền cảm hưng và để sống hạnh phúc bên cạnh những người thân yêu của mình”, Chị Nguyễn Nhật Quỳnh, Giám đốc ngành hàng tiêu dùng công ty L’Oréal Việt Nam.

Quan niệm này cũng là mong muốn của tất cả phụ nữ, của phong trào nữ quyền thế nhưng trong cuộc sống, những trở ngại trong định kiến không ít lần khiến phụ nữ không còn tự tin để theo đuổi ước mơ và không dám làm chủ cuộc đời mình, bời nếu mãi lui về phía sau, các cô gái sẽ phải sống cuộc đời do người khác áp đặt, không được trở thành chính mình. Nhất là trong thời 4.0, phụ nữ đã và đang được trang bị nhiều kỹ năng, nhiều quyền bình đẳng để trở thành chính mình.

“Dù được quay lại lần nữa, tôi vẫn lựa chọn vượt qua trở ngại tâm lý, trở thành tài xế xe ôm công nghệ”, chị Phan Thị Thanh Ngân, 2 tuổi, mẹ của hai bé chia sẻ.

Chia sẻ về khoảng thời gian vượt qua những định kiến của xã hội, trở thành chính mình, chị Phan Thị Kim Ngân, 29 tuổi, tài xế xe ôm công nghệ kể do ảnh hưởng của COVID-19, chị buộc phải đóng cửa tiệm giày dép có thu nhập khoảng 30 triệu hàng tháng, đăng ký và trở thành tài xế xe ôm công nghệ để nuôi hai con, trả nợ phần tiền đầu tư xây dựng cửa hàng.

Từ bà chủ tiệm giày dép áo quần xúng xính, trở thành tài xế xe ôm công nghệ với chiếc áo đồng phục xơ cứng, chị không chỉ phải vượt qua những lời xì xào của mọi người mà còn phải vượt qua rào cản của bản thân. Đó là, những ngày đầu “hành nghề”, chị rời khỏi nhà từ 6g sáng và trở về nhà từ 24g, chỉ dám khoác đồng phục khi đã xa nhà, đeo khẩu trang kín mít, không dám lên tiếng nếu khách hàng đặt xe là người quen.

“Người ta thường mặc định phụ nữ không thể chạy xe ôm nên khi đăng ký trở thành tài xế xe ôm công nghệ, mình lo lắm. Sợ người ta dị nghị, bàn ra tán vào, sợ xấu hổ… nhưng lúc đó, vì kinh tế, vì ba con, đứa lớn nhất đang học mầm non, đứa nhỏ còn ẵm ngửa nên mình buộc phải lựa chọn công việc tiền tươi thóc thật. Lúc đó, động lực của mình là kiếm tiền nuôi con và niềm vui cuối ngày là đếm tiến”, chị kể.

Chị cho biết giờ chị không những không còn e ngại những dị nghị về công việc mà còn tự hào bảo thu nhập từ việc chạy xe giúp chị đủ khả năng nuôi hai con, lo cho ông bà ngoại và trả nợ. Chị bật mí thời gian tới, chị sẽ nỗ lực hơn nữa để đưa bé nhỏ nhất lên sống cùng mẹ. “Dù thế nào, mình vẫn muốn làm chủ cuộc đời mình”, chị nhấn mạnh.

Chương trình hỗ trợ nâng quyền phụ nữ “Chính Nữ – Hãy là Nhân vật chính trong câu chuyện của mình” được  L’Oréal Paris giới thiệu nhân ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3. Đây là hoạt động đóng góp vào chương trình vinh danh Người phụ nữ tạo nên giá trị cho cuộc sống (Women of Worth) của thương hiệu này trên khắp toàn cầu nhằm vinh danh những hình mẫu về nghị lực vươn lên, tỏa sáng và tạo cảm hứng tích cực cho cộng đồng từ nữ giới Việt Nam.

Chương trình hoạt động tại Việt Nam được dự tính sẽ kéo dài 2 năm với đa dạng các hoạt động hỗ trợ dành cho phụ nữ. Trong năm 2021, chương trình thực hiện hỗ trợ cho các nữ đối tác tài xế, và nữ quản lý của các cơ sở ăn uống nhỏ đang hoạt động trên nền tảng Gojek. Hoạt động này bao gồm việc đào tạo và hỗ trợ cho các chị em nhận diện được vẻ đẹp của mình và thay đổi hình ảnh để trở nên tự tin hơn trong công việc và trong giao tiếp xã hội.

An Huỳnh