(Vtrend.vn) Sau thông báo mua lại toàn bộ mảng hoạt động tại Đông Nam Á của Uber, Grab được cho là đang gặp khó trong bước đi tiếp theo, và đứng trước khả năng phải hủy vụ sáp nhập này.

Thương vụ sáp nhập giữa Grab và mảng hoạt động kinh doanh tại Đông Nam Á của Uber đang vấp phải vướng mắc về pháp lý, khi nhiều quốc gia trong khu vực này cùng mở các cuộc điều tra về chi tiết mua bán.

Liên tục bị cơ quan quản lý cạnh tranh các nước Đông Nam Á điều tra, thương vụ sáp nhập giữa Grab và Uber đứng trước khả năng bị hủy bỏ. Ảnh: Quỳnh Trang.

Cụ thể, nhiều nước trong khu vực cho là có thể tạo thế độc quyền trong thị trường ứng dụng gọi xe ở Đông Nam Á cho Grab và tạo bất ổn trong môi trường cạnh tranh của thị trường này.

Lần lượt nhiều chính phủ đã lên tiếng cho biết sẽ xem xét kỹ vụ sáp nhập đình đám này.

Ngày 3/4 vừa qua, Cục Cạnh tranh Philippines đã thông báo sẽ triệu tập đại diện hai hãng, để thảo luận về các biện pháp chống độc quyền tạm thời. Những biện pháp này sẽ giúp “đảm bảo không có tác động tiêu cực nào đến thị trường. Thương vụ dạng như thế này chưa có tiền lệ tại Philippines”, lãnh đạo cơ quan này khẳng định.

Động thái của Philippines đến ngay sau khi Cục Canh tranh và Tiêu dùng Singapore yêu cầu hai hãng gọi xe phải báo cáo về việc mua bán, cũng như biện pháp chống độc quyền tạm thời. Cơ quan chức năng Singapore đã mở cuộc điều tra chi tiết thương vụ, và sẽ xem xét đề xuất của hai hãng để đưa ra quyết định cuối cùng.

Các giáo sư luật cho rằng có khả năng Grab sẽ không thể hoàn thành thương vụ thâu tóm Uber, nếu không có được cái gật đầu từ cơ quan chức năng. Ảnh: Today.

Còn tại Malaysia, theo Reuters, Grab và Uber cũng bị đưa vào tầm ngắm, tránh những biểu hiện cạnh tranh không lành mạnh, tăng phí đột ngột.

Tại thị trường Việt Nam, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho rằng không lo việc Grab sẽ độc quyền khi mua lại Uber, bởi trên thị trường có nhiều đối trọng để tránh Grab độc quyền.

Tuy nhiên, từ 27/3, Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Công Thương đã có văn bản yêu cầu Grab cung cấp thông tin vụ việc, để làm rõ. Theo văn bản này, trên nguyên tắc để hoàn thành thương vụ ở thị trường Đông Nam Á, Grab và Uber phải xin phép cơ quan cạnh tranh của các nước tại Đông Nam Á có quy định này.

Thời hạn phải báo cáo vụ việc là ngày 3/4.

Hiện Grab vẫn chưa báo cáo vụ việc theo quy định. Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết Bộ đã có công văn nhắc nhở Grab, và doanh nghiệp này cam kết nộp báo cáo trước ngày 6/4.

“Đây là trường hợp đầu tiên một thương vụ sáp nhập thu hút sự chú ý của cơ quan kiểm soát cạnh tranh tại nhiều quốc gia Đông Nam Á cùng lúc”, giáo sư Burton Ong từ Đại học Quốc gia Singapore (NUS), chia sẻ.

Nói với Zing.vn, giáo sư Ong cho hay thể chế luật pháp tại các quốc gia Đông Nam Á có nhiều khác biệt. Nên nếu Grab dù được chấp thuận sáp nhập với mảng hoạt động kinh doanh của Uber tại quốc gia nào thì với các quốc gia còn lại, hãng cũng không thể tiếp quản tài sản của Uber, nếu chính quyền sở tại có động thái ngăn chặn.

Giáo sư luật Howard Hunter tại Đại học Quản lý Singapore (SMU), cũng nhận định đây là lần đầu tiên có một công ty trong khu vực đối mặt với những cuộc điều tra đến từ chính quyền nhiều nước.

Uber đang hoàn tất những thủ tục cuối cùng để rút khỏi Việt Nam. Ảnh: HC.

Trao đổi với Zing.vn, giáo sư Hunter cho hay trong quá khứ, cơ quan chức năng Singapore từng từ chối thông qua một thương vụ sáp nhập cách đây vài năm, và yêu cầu cả hai bên phải thay đổi cấu trúc cùng định hướng kinh doanh trước khi thông qua các điều khoản khác.

Ông nhận định, rất có thể Uber và Grab sẽ phải thay đổi nhiều điều khoản trước khi nhận được cái gật đầu từ giới làm luật.

Cũng theo giáo sư Hunter, mấu chốt để phân tích thị trường của Grab chính là việc định nghĩa các ứng dụng gọi xe.

“Người tiêu dùng thường nhìn ứng dụng gọi xe và taxi truyền thống chung một ngành. Tuy nhiên, mô hình kinh doanh của hai bên có sự khác biệt rõ rệt, và điều này khiến việc làm luật để quản lý trở nên khá phức tạp”, giáo sư luật này nói.

Ông khẳng định không thể đặt taxi và ứng dụng gọi xe vào chung một thị trường, bởi những khác biệt về điều kiện kinh doanh cũng như chịu thuế. Tuy nhiên vẫn có thể cân nhắc taxi truyền thống là một yếu tố cạnh tranh, khi phân tích thị trường của các ứng dụng gọi xe.

Tại Việt Nam, ngày 5/4, Uber tiếp tục gửi thông báo đến khách hàng, thông tin việc chính thức ngừng hoạt động từ ngày 8/4, và chuyển giao lại toàn bộ tài sản cho Grab.

PT

Theo zing.vn